Về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 48)

Về xuất khẩu, với lợi thế của mình, Việt Nam đã tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc một số nhóm hàng chính như sau:

- Nhóm hàng hóa tiêu dùng và giao thông vận tải: hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo, xăng dầu, phương tiện vận tải và phụ tùng...

- Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất bao gồm các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước như phân bón, thuốc trừ sâu thức ăn gia súc và nguyên liệu; xăng dầu và khí đốt; chất dẻo, cao su, gỗ và hoá chất… và các nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như nguyên vật liệu dệt may da giày, chất dẻo, máy tính và hàng điện tử…

- Nhóm hàng nông sản, thủy sản: lương thực (gạo, sắn khô), rau củ quả (đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới như chuối, xoài, chôm chôm, thanh long...), chè, hạt điều, thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản như rắn, rùa, ba ba...

Thực tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc đến nay cho thấy, qua thời gian, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã có những cải thiện theo chiều hướng tích cực. Nếu trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng xăng dầu và hàng hóa sơ chế (87,5% gồm lương thực, thực phẩm sơ chế và công nghiệp trung gian sơ chế), thì trong giai đoạn từ 2010 đến 2017, nhóm hàng này đã giảm còn khoảng 30%. Đồng thời nhóm hàng đã qua chế biến, hàng hóa thâm dụng vốn nhiều hơn xuất sang Trung Quốc có sự tăng trưởng tốt về giá trị và cũng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Có thể thấy trong năm 2017, Trung Quốc đã nhập đến 7,1 tỷ USD mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam, tăng gần 8 lần so với năm 2016. Với kết quả này, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện ở Việt Nam, chỉ sau thị trường EU (28 nước) đạt kim ngạch xuất khẩu 11,96 tỉ đô la, tăng 6,4%. Cùng thời gian trên thị trường Hàn Quốc đạt 3,97 tỉ đô la, tăng 45,4%; và thị trường Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đạt 3,89 tỉ đô la, tăng 1,6% so với năm trước. Nếu tính riêng từng nước và vùng lãnh thổ thì Trung Quốc dẫn đầu nhập khẩu mặt hàng này trong năm qua.Với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, mặc dù nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc tăng cao đột biến, nhưng theo cơ quan hải quan, Việt Nam vẫn còn nhập siêu nhóm mặthàng này từ Trung Quốc. Cụ thể trong năm 2017, Việt Nam chi 8,75 tỉ đô la

nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc, tăng 42,4% so với năm trước đó và nhập khẩu từ Hàn Quốc với 6,18 tỉ đô la, tăng 72,6% so với năm trước. Như vậy, trong năm qua Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 600 triệu đô la giá trị mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc và nhập siêu 2,21 tỉ đô la từ thị trường Hàn Quốc. Đáng chú ý theo số liệu của cơ quan hải quan, Trung Quốc cung cấp đến khoảng 50% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện mặt hàng này cho Việt Nam trong năm qua.

Các nhóm hàng khác cũng có mức tăng trưởng tốt là máy tính và linh kiện (69,04%), cao su (45,4%), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác (41,52%), nhóm hàng hải sản (58,79%) và rau quả (52,43%), nhóm hàng dệt may (33,81%) và giày dép (26,05%). Trong số 20 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, nhóm hàng duy nhất cho thấy dấu hiệu suy giảm là dầu thô. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất về dầu thô của Việt Nam. Năm 2017 chứng kiến mức suy giảm xuất khẩu dầu thô sang thị trường Trung Quốc (giảm 19,7% so với 2016) tuy nhiên giá dầu thô xuất sang Trung Quốc lại tăng mạnh 25,4% so với năm 2016, đạt mức 418,6 USD/tấn, chiếm 36,5% thị phần xuất khẩu dầu thô của Việt Nam. (xem phụ lục II).

Điều đáng chú ý là ở một số mặt hàng, Việt Nam có sự tập trung lớn khi tỷ trọng xuất khẩu những mặt hàng này chủ yếu là vào Trung Quốc. Các mặt hàng này chủ yếu là hàng nông sản như rau quả (chiếm 75,7% tổng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam), sắn và các sản phẩm từ sắn (88,52%), cao su (64,28%), xơ và sợi dệt (56,84%), máy ảnh máy quay phim và linh kiện (54,95%).

Riêng nhóm hàng rau quả tăng mạnh trong kim ngạch xuất khẩu nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng. Cơ cấu xuất khẩu nông sản trong những năm vừa qua đã có nhiều thay đổi. Nếu những năm đầu 2000, hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu là gạo, cao su, nhóm hàng rau quả chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ thì đến nay, với định hướng mới trong xuất khẩu nông sản Việt Nam, nhóm hàng rau quả đã trở thành mặt hàng chủ lực với kim ngạch xuất khẩu vượt qua gạo, cao su và trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn. Đây là thị trường với vị trí địa lý gần, thuận lợi cho việc xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng như nông sản.Tuy vậy, điều này cũng

gây ra nhiều quan ngại khi Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc trong mặt hàng này. Việc thị trường Trung Quốc ngày càng phát triển và yêu cầu cao hơn bằng các biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản Việt Nam cũng đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu để đảm bảo những điều kiện kiểm soát của hàng nhập khẩu để tận dụng triệt để thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu

Ở chiều ngược lại, những hàng hóa Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc lại tập trung vào nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo là chính, như máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (18,67%); điện thoại và các loại linh kiện (15,03%); máy tính và sản phẩm điện tử và linh kiện (18,72%)... Cụ thể nhập khẩu các nhóm sản phẩm trên tăng trưởng khá ổn định. Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng khoảng 17,2% so với năm 2016; điện thoại và các loại linh kiện tăng mạnh 42,4%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,3%. Tiếp theo là nhóm vải các loại, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da, giầy...

Phần lớn các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều ở Trung Quốc đều có mức tăng trưởng so với năm 2016, chỉ riêng nhóm hàng kim loại thường khác giảm lớn (40,1%), nhóm hàng linh kiện, phụ tùng ô tô và phân bón các loại có mức giảm nhẹ (lần lượt là 3,6% và 2,2% so với năm 2016). Một số mặt hàng khác mà Việt Nam đang nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc là vải các loại, dây điện và dây cáp điện, thuốc trừ sâu và nguyên liệu (chiếm lần lượt 53,46%, 52,03% và 53,6% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ thế giới. (xem phụ lục III).

Đáng chú ý là Trung Quốc tham gia cung cấp sản phẩm cho tất cả những mặt hàng trong nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất ở Việt Nam, từ máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử đến điện thoại, vải và sắt thép các loại, nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày. Ở mặt hàng nào Trung Quốc cũng là một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho Việt Nam. Với mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc khi tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc của các mặt hàng này chiếm lần lượt 53,58%

và 32,28% trong tổng nhập khẩu mặt hàng này từ thế giới của Việt Nam. Ngay cả Hàn Quốc có lợi thế ở Việt Nam trong cung cấp hàng điện tử, điện thoại, máy móc, thiết bị cũng phải nhường sân cho Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc (chiếm khoảng 37,8% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam) để trở thành nhà cung cấp điện thoại và linh kiện lớn nhất cho Việt Nam.

Như vậy, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể được chia làm 3 loại:

- Những hàng hóa nhập khẩu có lợi: Đây là những hàng hóa nhập khẩu có lợi cho phát triển kinh tế của Việt Nam như hàng hóa công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại… Thậm chí có thể nhập siêu những loại hàng hóa này về sẽ giúp ích cho nền kinh tế Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Những hàng hóa bắt buộc phải nhập khẩu:

Nhóm hàng công nghiệp: Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng công nghiệp phụ trợ, sản phẩm trung gian và máy móc từ Trung Quốc như máy móc, xăng dầu, nguyên phụ liệu và sản phẩm dệt may, da giày, hóa chất, một số loại vật liệu xây dựng và một số mặt hàng khác. Đặc điểm cơ bản của hàng hóa công nghiệp chủ lực của Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam là giá thành rẻ.Mặc dù chất lượng và trình độ công nghệ có thể không cao như hàng hóa của một số nước công nghiệp phát triển nhưng với giá thành rẻ và chi phí vận chuyển thấp, những sản phẩm này của Trung Quốc có sức cạnh tranh mạng và hiện đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Nhóm hàng nông nghiệp: chủ yếu là đầu vào để phát triển nông nghiệp Việt Nam như cây, con giống, phân bón, thức ăn gia súc…

- Những hàng hóa không nhất thiết phải nhập khẩu: Đây là những hàng hóa Việt Nam có thể sản xuất được, đủ sức cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá cả nhưng vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam như rau quả, thực phẩm, bánh kẹo, rượu, chè, quần áo may sẵn, điện thoại di động, hàng điện máy phục vụ sinh hoạt…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cán cân thương mại việt nam – trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)