2. Tổng quan nghiên cứu:
1.3.3. Tổ chức bộ máy quản trị rủi ro tín dụng trong Basel 2
Tổ chức Bộ máy quản trị RRTD là cách thức tổ chức, sắp xếp các bộ phận chức năng của hệ thống quản trị RRTD của một NHTM theo những nguyên tắc nhất định, đảm bảo mối liên kết giữa các bộ phận trong hệ thống nhằm đạt mục tiêu quản trị RRTD ngân hàng đã lựa chọn.
Theo Ủy ban Basel, mỗi bộ phận chức năng trong bộ máy quản trị RRTD đều đảm nhận vai trò kiểm soát RRTD ở những khía cạnh khác nhau. Vì vậy, để kiểm soát RRTD khách quan và hiệu quả, việc tổ chức bộ máy quản trị RRTD cần tránh sự trùng lặp về chức năng, xung đột lợi ích giữa các bộ phận kiểm soát. Cùng với bộ “17 nguyên tắc quản trị RRTD”, Trụ cột 1 và 2 đã thêm 1 bước cụ thể hóa các chức năng kiểm soát RRTD. Theo đó, bộ máy quản trị RRTD cần đảm bảo sự độc lập giữa chức năng điều hành và chức năng giám sát, giữa chức năng kinh doanh và chức năng đánh giá lại tín dụng. giữa chức năng kinh doanh, chức năng quản lý RRTD và chức năng KTNB.
Thông lệ hiện nay, để đảm bảo các nguyên tắc của Basel, các NHTM thực hiện tổ chức bộ máy quản trị RRTD “3 vòng kiểm soát” (three lines of defence-sơ đồ ....)
Sơ đồ 1.3 : Mô hình “3 vòng bảo vệ ” rủi ro tín dụng
Tuyến thứ nhất (quan hệ khách hàng): bao gồm các bộ phận trực tiếp kinh doanh, bán hàng. Tuyến này thực hiện chức năng xác định, đánh giá, ngăn ngừa, theo dõi và báo cáo rủi ro phát sinh trong hoạt động tín dụng. Trên cơ sở tự đánh giá RRTD (nhận diện, xác định, đánh giá rủi ro đầy đủ trước khi cấp tín dụng), bộ phận quan hệ khách hàng lựa chọn khách hàng và chấp thuận cấp tín dụng trong giới hạn khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Đây là tuyến đầu tiên và là trực tiếp tiếp nhận RRTD thông qua hoạt động cấp tín dụng. Tuyến này đảm bảo RRTD và môi trường kiểm soát rủi ro được thiết lập ngay trong giao dịch tín dụng hàng ngày của ngân hàng. Theo số liệu thống kê tại NHTM ở các quốc gia phát triển, tuyến quan hệ khách hàng có thể kiểm soát và hạn chế đến 80% RRTD của một ngân hàng.
Tuyến thứ hai (quản lý rủi ro): Tuyến này thực hiện chức năng quản lý rủi ro. Để thực hiện chức năng quản lý rủi ro, tuyến thứ hai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản: (1) thiết lập chiến lược quản trị rủi ro, khẩu vị rủi ro, chính sách quản trị RRTD; (2) xây dựng, ban hành các qui trình, qui chế về hoạt động tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng; (3) xây dựng hệ thống thông tin, hệ thống các công cụ, biện pháp để nhận diện, đo lường, kiểm soát, giám sát và báo cáo RRTD ở cấp độ từng khoản tín dụng và danh mục tín dụng; (4) đánh giá và kiểm soát hiệu quả hoạt động tuyến thứ nhất. Theo yêu cầu của Ủy ban Basel, hoạt động của tuyến thứ hai phải độc lập với tuyến thứ nhất. Theo thống kê, tuyến quản lý rủi ro có thể hạn chế khoảng 10% RRTD của
một ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ phận quản lý RRTD có vai trò quyết định khả năng kiểm soát RRTD của bộ phận quan hệ khách hàng. Bởi vì tuyến thứ hai xác định đúng chiến lược, khẩu vị RRTD, thiết lập hệ thống qui chế, qui trình phù hợp là cơ sở vững chắc để tuyến thứ nhất kiểm soát RRTD hiệu quả.
Tuyến thứ ba (Kiểm toán nội bộ): tuyến kiểm soát thứ 3 sẽ là động lực để tuyến thứ nhất và thứ hai hiệu quả hơn, giảm thiểu các sai phạm, gian lận và nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi cá nhân khi hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo Basel 2, Kiểm toán nội bộ cần độc lập về chức năng với 2 tuyến thứ nhất, thứ hai và KT-KSNB. Thông thường tuyến thứ 3 trực thuộc HĐQT để đảm bảo tính độc lập, đồng thời giúp cho HĐQT, Ban Kiểm soát có thể nắm bắt thông tin xuyên suốt hoạt động của các bộ phận kinh doanh, bộ phận quản trị RRTD trong toàn hệ thống ngân hàng. Tuyến kiểm soát này có thể hạn chế khoảng 10% RRTD của ngân hàng