Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhập khẩu

Một phần của tài liệu Quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm tại bộ công thương (Trang 31 - 34)

Quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu thực phẩm tại Việt Nam được thực hiện nhằm các mục đích chủ yếu sau: (i) đảm bảo an toàn thực phẩm; (ii) đảm bảo thực hiện các cam kết thương mại quốc tế; (iii) tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hàng thực phẩm tại thị trường nội địa, trong đó đảm bảo an toàn thực phẩm là mục tiêu hàng đầu.

Điều này thể hiện rõ qua việc hoạt động nhập khẩu thực phẩm ngoài việc tuân thủ luật thuế xuất nhập khẩu như tất cả các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu khác thì chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật An toàn thực phẩm (2010), trong đó quan trọng là các quy định tại mục 1 chương VI Luật An toàn thực phẩm về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, ngoài Hải quan thì Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ Công Thương là những cơ quan chịu trách nhiệm về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với thực phẩm nhập khẩu. Việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước là “kiểm tra” cho thấy mục đích chính của hoạt động quản lý thực phẩm nhập khẩu là để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm chứ không

phải để định hướng sản xuất, hạn chế số lượng sản phẩm trên thị trường hay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm trong nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước về nhập khẩu thực phẩm

Tại Trung ương, Luật An toàn thực phẩm quy định tại điều 61 về Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (trong đó có thực phẩm nhập khẩu), theo đó, ở cấp trung ương, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Các bộ, cơ quan ngang bộ (trong đó chủ yếu là Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương.

So với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003, Luật An toàn thực phẩm đã chuyển hoạt động quản lý nhà nước từ quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh (như chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu thực phẩm…) sang quản lý theo nhóm sản phẩm. Sự thay đổi này nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quản lý nhà nước và xác định rõ hơn trách nhiệm của các bộ ngành. Mặt khác, số lượng bộ tham gia quản lý nhà nước về ATTP đã giảm từ 08 bộ xuống 03 bộ với trách nhiệm cụ thể như sau:

- Bộ Y tế: Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý (Điều 62). Trong Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước về ATTP.

- Bộ NNPTNT: Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý (Điều 63). Do tính chất đa ngành, trách nhiệm của Bộ được phân cho nhiều đơn vị trực thuộc, gồm Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối. Thực phẩm nhập khẩu tùy theo chủng loại sản phẩm mà có thể phải xin giấy phép chứng nhận ATTP nhập khẩu tại các bộ phận chức năng quản lý này.

- Bộ Công Thương: Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm (Điều 64). Tại Bộ Công Thương, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, ngoài ra còn có Tổng Cục Quản lý Thị trường.

Các Bộ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Việc phân công quản lý đối với hoạt

động nhập khẩu hàng thực phẩm của 03 Bộ được quy định cụ thể tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 quy định về quản lý ATTP thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Một phần của tài liệu Quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm tại bộ công thương (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(130 trang)
w