Từ những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác ATTP nói chung và kiểm soát ATTP trong hoạt động nhập khẩu thực phẩm nói riêng. Nhà nước đã tiến hành cụ thể hóa chủ trương đó bằng các biện pháp và công cụ khác nhau nhằm quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm đảm bảo ATTP. Như vậy, vấn đề chính sách và mục tiêu của chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm đã được xác định cụ thể đó là: làm thế nào để thực phẩm nhập khẩu không gây hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng trong nước.
Việc xây dựng chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm là hoạt động văn bản hóa chính sách của các chủ thể có chức năng, trong đó thể hiện những mục tiêu cũng như những điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu đảm bảo ATTP trong nhập khẩu thực phẩm. Nói cách khác đó là hoạt động ban hành các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm nhằm hạn chế và loại trừ thực phẩm không an toàn vào lãnh thổ đất nước và cơ chể đảm bảo thực hiện chúng.
Khi xây dựng và ban hành chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm, các chủ thể cần phải quan tâm đến các vấn đề sau:
- Cần có chiến lược dài hạn trong xây dựng chính sách, tránh tư duy theo nhiệm kỳ. Bởi vấn đề quản lý ATTP trong hoạt động nhập khẩu là vấn đề không chỉ cấp thiết trong thời gian hiện tại mà đây là vấn đề luôn luôn phải thực hiện trong tương lai xa.
- Chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm cần tương đối ổn định, tạo thuận lợi cho các chủ thể thực hiện chính sách trên thực tế cuộc sống. Hiện tượng phổ biến hiện nay, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước là tư duy “tân quan tân chính sách”. Điều này gây khó khăn không chỉ đối với các cơ quan hành chính trong việc thực thi chính sách mà còn gây khó khăn cho các đối tượng bị quản lý trong nhập khẩu hàng thực phẩm.
- Sử dụng nhiều biện pháp để có được những thông tin cần thiết liên quan đến chính sách. Thông tin liên quan đến chính sách là yếu tố quan trọng quyết định tuổi thọ của chính sách.
- Cần xác định những nguồn lực cần thiết cho việc triển khai chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm. Đó là những nguồn lực về tài chính, về tổ chức bộ máy, về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý.
Trong xây dựng chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm cần phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Bảo đảm tính chính trị: chính sách đó phải phục vụ cho mục tiêu Đảng và Nhà nước là nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân.
- Bảo đảm tính hợp pháp: chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm không được trái với Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
- Kết hợp hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu phải được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.
- Chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa, phong tục tập quán tiêu dùng thực phẩm của người dân …
- Nội dung của chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm phải bảo đảm tính khoa học, công nghệ, môi trường. Phải phù với xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa.
Để có được chính sách quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm tốt, khi xây dựng cần có sự tham gia đầy đủ các bên liên quan đó là: Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, các nhà khoa học, chuyên gia.
Quá trình tổ chức thực thi chính sách quản lý nhập khẩu thực phẩm là quá trình phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, Ngành, cơ quan khác nhau. diễn
ra trong một thời gian dài, vì thế cần phải lập kế hoạch, chương trình để các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện một cách chủ động hoàn toàn.
Kế hoạch triển khai thực thi chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm phải được được xây dựng trước khi đưa chính sách này vào cuộc sống. Các cơ quan triển khai thực thi chính sách này từ Trung ương đến địa phương đều phải xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện.
Kế hoạch triển khai thực thi chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, lập kế hoạch tổ chức điều hành cần đảm bảo những dự kiến về hệ thống các cơ quan chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện chính sách; số lượng và chất lượng nhân sự tham gia tổ chức thực thi; những dự kiến về cơ chế trách nhiệm của cán bộ quản lý và công chức thực thi; cơ chế tác động giữa các cấp thực thi chính sách.
Thứ hai, xác định kế hoạch cung cấp các nguồn vật lực như dự kiến về các cơ sở kiến trúc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho tổ chức thực thi chính sách; các nguồn lực tài chính, các vật tư văn phòng phẩm...
Thứ ba, xác định thời gian triển khai thực hiện thông qua dự kiến về thời gian duy trì chính sách; dự kiến các bước tổ chức triển khai thực hiện từ tuyên truyền chính sách đến tổng kết rút kinh nghiệm. Mỗi bước đều có mục tiêu cần đạt được và thời gian dự kiến cho việc thực hiện mục tiêu. Có thể dự kiến mỗi bước cho phù hợp với một chương trình cụ thể của chính sách.
Thứ tư, lên kế hoạch kiểm tra thực thi chính sách là những dự kiến về tiến độ, hình thức, phương pháp kiểm tra, giám sát tổ chức thực thi chính sách.
Thứ năm, xây dựng dự kiến những nội quy, quy chế trong thực thi chính sách bao gồm nội quy, quy chế về tổ chức, điều hành; về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước tham gia tổ chức điều hành chính sách; về các biện pháp khen thưởng, kỷ luật cá
nhân, tập thể trong tổ chức thực thi chính sách... Dự kiến kế hoạch thực thi ở cấp nào do lãnh đạo cấp đó xem xét thông qua. Sau khi được quyết định thông qua, kế hoạch thực thi chính sách mang giá trị pháp lý, được mọi người chấp hành thực hiện. Việc điều chỉnh kế hoạch cũng do cấp có thẩm quyền thông qua kế hoạch quyết định.
Nói tóm lại, việc xây dựng chính sách quản lý nhập khẩu hàng thực phẩm là hoạt động của các cơ quan nhà nước với kết quả là các văn bản được ban hành thể hiện những nội dung của chính sách. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, nhóm tác giả xác định đó là hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cấc quan hệ phát sinh trong quá trình nhà nước quản lý hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm nhằm đảm bảo thực phẩm nhập khẩu vào lãnh thổ không gây hại đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.