VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
2.1.2.2. Hợp đồng lao động không có chữ ký của một trong hai bên
Các bên trong quan hệ lao động thường thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng lao động để thể hiện sự thỏa thuận của mình. Quá trình giao kết hợp đồng lao động bắt đầu khi có đề nghị giao kết và tiến tới thương thảo các điều khoản trong hợp đồng lao động. Kết thúc quá trình này thường bằng việc các bên ký vào hợp đồng lao động. Điều này như một cách xác nhận sự đồng ý, tự nguyện đối với những cam kết tại nội dung của hợp đồng lao động. Ngoài ra,
chữ ký của các bên cũng là một phần của hợp đồng lao động nếu được giao kết bằng văn bản. Do đó, trong trường hợp không có chữ ký của một trong hai bên thì hợp đồng lao động có hợp pháp hay không? Hợp đồng lao động khi đó có vô hiệu không? Pháp luật lao động không điều chỉnh về vấn đề này và dường như chỉ xem đây như là một lỗi do giao kết hợp đồng lao động không theo mẫu.
Có ý kiến cho rằng, nếu hợp đồng lao động không có chữ ký của một trong hai bên mà công việc vẫn diễn ra bình thường theo đúng như cam kết thì chữ ký lúc này chỉ được xem là một yếu tố hình thức và không có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực của hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi có tranh chấp phát sinh, hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý cơ bản, chủ yếu nhất của các bên. Khi đó, một trong hai bên không thừa nhận những cam kết đó thì vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào? Hơn nữa, nếu không có chữ ký xác nhận của một trong hai bên thì bên còn lại hoàn toàn có thể lập một bản hợp đồng lao động khác theo ý chí của mình. Lúc đó, để giải quyết tranh chấp và phân định quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên là không hoàn toàn đơn giản.
Trong thực tế, vi phạm quy định này đa phần do lỗi của người sử dụng lao động. Họ soạn thảo hợp đồng lao động song lại không buộc người lao động phải ký vào hợp đồng. Việc vi phạm này đôi khi do sơ suất nhưng chủ yếu vẫn xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm và không quan tâm tới quy định của pháp luật lao động. Họ chỉ lập ra hợp đồng lao động để làm hình thức đối phó với các cơ quan có chức năng khi bị thanh tra, kiểm tra. Để răn đe và buộc các bên trong quan hệ lao động phải thực hiện nghiêm túc luật lao động, Nghị định số 113/2004/NĐ-CP có quy định hành vi vi phạm này bị xử phạt tiền với mức thấp nhất là 500.000 đồng và mức cao nhất là 10.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 10). Mức tiền mà người sử dụng lao động bị xử phạt tỷ lệ thuận với số lượng người bị vi phạm. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải tiến hành bổ sung chữ ký của một trong hai bên theo đúng quy định của pháp luật.