Nguyên nhân xuất phát từ phía người sử dụng lao động

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luận văn ths luật (Trang 63 - 65)

VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

3.2.1. Nguyên nhân xuất phát từ phía người sử dụng lao động

- Bất kỳ người sử dụng lao động nào cũng mong muốn thu được nhiều lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là quy luật tất yếu đối với những người kinh doanh trên thương trường. Tuy nhiên, điều này vô hình chung đẩy người sử dụng lao động vào sự tìm kiếm lợi nhuận từ các hành vi không hợp pháp. Để thực hiện việc tối đa hóa lợi nhuận, người sử dụng lao động có thể thông qua nhiều cách và một trong số đó là hạn chế bớt quyền lợi của người lao động. Chẳng hạn như: người sử dụng lao động không trả trợ cấp thôi việc hay trả không đầy đủ cho đối tượng được hưởng theo quy định

của pháp luật để giảm bớt chi phí; thử việc người lao động quá thời hạn để chỉ phải trả một khoản lương thấp hơn công việc đó khi người lao động bắt tay vào làm việc chính thức,... Các hành vi này đều không ngoài mục đích lợi nhuận của người sử dụng lao động.

- Là người trực tiếp thuê mướn và sử dụng lao động nhưng không phải người sử dụng lao động nào cũng nắm được các quy định về pháp luật lao động. Nhiều chủ sử dụng lao động khi thực hiện các quyền và lợi ích của người lao động vẫn dựa trên thói quen, thông lệ của doanh nghiệp mà không biết pháp luật hợp đồng lao động quy định vấn đề đó như thế nào. Thực trạng này xảy ra khá phổ biến bởi lẽ người sử dụng lao động chưa thực sự tìm hiểu và có cái nhìn đúng đắn về vai trò của luật pháp.

- Một nguyên nhân khác có lẽ xuất phát từ vị thế của các bên trong quan hệ lao động. Trong thực tế, người sử dụng lao động thường được coi là "kẻ mạnh". Họ có thể tuyển dụng lao động một cách dễ dàng khi mà thị trường lao động đang dồi dào trong khi đó người lao động để có được một công việc phù hợp phải cạnh tranh rất nhiều. Chính vì vậy, người sử dụng lao động thường không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động theo pháp luật mà không lo ngại vì thế người lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trong xu thế hội nhập với thế giới, chúng ta luôn mong muốn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế. Song, một bộ phận người sử dụng lao động nước ngoài đã lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, không tuân thủ pháp luật lao động.

- Đối với doanh nghiệp nhà nước, do vẫn còn kinh doanh từ đồng vốn của nhà nước nên việc thiếu trách nhiệm còn khá phổ biến ở một số doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở việc thờ ơ, xa rời các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động hay đôi khi xem thường các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

- Ngoài những nguyên nhân trên cũng phải khẳng định môi trường kinh doanh thực sự có nhiều rủi ro. Người sử dụng lao động đôi khi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, thị trường tiêu thụ lại bấp bênh. Do đó, họ khó chủ động được công việc cho người lao động cũng như khó thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luận văn ths luật (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)