Phần lớn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động đều bị áp dụng hình thức xử lý hành chính trừ hai tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, đó là tội "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người" (Điều 227) và tội "vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em" (Điều 228). Hiện nay, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh về xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 113/2004/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật hợp đồng lao động. Căn cứ vào hai văn bản trên thì hình thức xử lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật hợp đồng lao động gồm có hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
* Hình thức xử phạt
Có hai hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật hợp đồng lao động là hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung.
- Hình thức xử phạt chính là hình thức xử phạt "được áp dụng một cách độc lập, nghĩa là đối với mỗi vi phạm hành chính có thể áp dụng một hình thức phạt chính mà không nhất thiết phải áp dụng các hình thức phạt bổ sung kèm theo" [20, tr. 552]. Tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP quy định có hai biện pháp xử phạt chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động nói riêng, đó là:
+ Hình thức cảnh cáo là một trong hai hình thức phạt chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động. "Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm có hành vi vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản" [47]. Như vậy, hình thức cảnh cáo được áp dụng chủ yếu đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật lần đầu do vô ý, ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Về hình thức, cảnh cáo được quyết định bằng văn bản vì vậy biện pháp nhắc nhở bằng miệng không phải là hình thức cảnh cáo. Quyết định cảnh cáo là quyết định hành chính, do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định dựa trên hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức. Cảnh cáo cũng được quy định trong luật hình sự là một hình
phạt "được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt" [29]. Hình phạt cảnh cáo trong luật hình sự do tòa án quyết định đối với các đối tượng phạm tội.
+ Hình thức phạt tiền "là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm pháp luật phải nộp phạt bằng tiền mặt" [20, tr. 553]. Hiện tại, mức phạt tiền thấp nhất được áp dụng cho hành vi vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP là 100.000 đồng và mức cao nhất là 20 triệu đồng.
- Hình thức xử phạt bổ sung là hình thức xử phạt không áp dụng một cách độc lập như hình thức xử phạt chính mà nó chỉ áp dụng kèm theo một hình thức xử phạt chính nào đó. Các hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động gồm có: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện của người vi phạm.
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là việc tước các giấy tờ hợp pháp của chủ thể vi phạm được cơ quan có thẩm quyền cấp để cho phép làm một công việc nhất định. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là việc sung vào công quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm. Đối với các tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép thì không bị tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.
* Biện pháp khắc phục hậu quả
Biện pháp khắc phục hậu quả chỉ mang tính khôi phục lại những việc mà theo pháp luật quy định những người đã vi phạm phải thực hiện nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đủ theo quy định. Căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động, Nghị định số 113/2004/NĐ-CP quy định một số biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Giao một bản hợp đồng lao động cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
- Tiến hành giao kết hợp đồng cho đúng loại theo quy định của pháp luật, trường hợp không có chữ ký của một trong hai bên thì phải bổ sung chữ ký cho phù hợp.
- Trả lại số tiền đặt cọc cho người lao động và lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
- Thực hiện việc sử dụng lao động theo phương án sử dụng lao động đã được phê duyệt.
- Bồi hoàn thiệt hại cho người lao động.