VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
2.1.3.2. Hợp đồng lao động có nội dung trái quy định của pháp luật
Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Lao động quy định:
Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung [27].
Như vậy, khi hợp đồng lao động có nội dung trái quy định pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung là thanh tra lao động. Nếu các bên không sửa đổi, bổ sung, luật lao động cho phép thanh tra lao động có quyền buộc hủy bỏ các nội dung đó. Trong nhiều trường hợp, hợp đồng lao động cũng có thể bị tuyên là vô hiệu bởi cơ quan tài phán "khi xét xử, nếu tòa án nhân dân phát hiện hợp đồng lao động trái với thỏa ước lao động tập thể, pháp luật lao động, thỏa ước tập thể trái với pháp
luật lao động thì tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ" (Khoản 4 Điều 166 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2002). Khi đó, quyền và lợi ích của các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, có nhiều bản hợp đồng chứa đựng những thỏa thuận trái luật gây bất lợi cho người lao động thậm chí hạn chế quyền của người lao động như không được sinh con trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp hay thỏa thuận mức thấp hơn về quyền lợi của người lao động so với quy định của pháp luật,... Luật lao động trao cho các cơ quan thanh tra và tòa án thẩm quyền để giải quyết hậu quả pháp lý trong vấn đề này. Mặc dầu vậy, cách giải quyết quyền lợi của người lao động trong trường hợp tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu không hề đơn giản và còn nhiều tranh cãi trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Luật lao động luôn khuyến khích các thoả thuận về quyền lợi cao hơn quy định của pháp luật đối với người lao động. Song, do mục tiêu lợi nhuận nên đôi khi người sử dụng lao động không tuân thủ ngay cả những quy định tối thiểu về quyền lợi của người lao động theo luật pháp. Chính vì vậy, việc thỏa thuận những nội dung trong hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật phải được ghi nhận trong Nghị định số 113/2004/NĐ-CP và có hình thức xử phạt cụ thể đối với hành vi này.