VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
2.1.6.1. Vi phạm quy định về trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc là khoản tiền hỗ trợ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp trong những trường hợp pháp luật cho phép, là sự ghi nhận quá trình lao động của người lao động trong doanh nghiệp. Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động quy định "khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc bằng nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương, nếu có".
Tuy vậy, nhiều người sử dụng lao động "phớt lờ" nghĩa vụ của mình trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Đây là nguyên nhân chính làm nảy sinh nhiều vụ tranh chấp lao động mà Công ty Cong Chyuan là một điển hình.
Công ty Chyuan quỵt trợ cấp thôi việc của người lao động
Nguyễn Văn Tốt, Đặng Như Ý, Nguyễn Thùy Dung, Nguyễn Thị Ngọc Lan đã làm việc tại Công ty Cong Chyuan (100% vốn đầu tư của Đài Loan, tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên sản xuất các loại balô túi xách, vali) được 5-6 năm nay. Vì nhiều lý do khác nhau mà họ xin nghỉ việc và đòi trợ cấp thôi việc. Sau nhiều lần hứa hẹn, công ty vẫn không chịu trả trợ cấp cho người lao động. Trả lời về vấn đề này, ông Tseng Ying Tung - Giám đốc của Cong Chyuan cho rằng cả 4 người nói trên đều vi phạm thời gian báo trước nên Công ty không giải quyết trợ cấp thôi việc. Công ty Cong Chyuan có quy
định nội bộ là đối với công nhân khi xin nghỉ việc chỉ cần có đơn xin nghỉ việc và báo trước 3 ngày, đối với cán bộ thì báo trước 7 ngày. Anh Nguyễn Văn Tốt là quản đốc phân xưởng và được xếp là công chức nên phải thực hiện thời gian báo trước là 7 ngày. Nhưng khi còn có 3 ngày nữa là tới ngày nghỉ việc theo quy định của Công ty thì có một lô hàng được giao trễ hơn 2h đồng hồ. Ông giám đốc Tseng ngay lập tức đã đuổi việc anh Tốt. Trường hợp của 3 người còn lại cũng tương tự như vậy. Và với chiêu thức này, đến nay hơn 100 nhân viên của Công ty Cong Chyuan đã phải nghỉ việc mà
không nhận được trợ cấp thôi việc…[52].
Qua vụ việc trên, Công ty Cong Chyuan đã vi phạm quy định của pháp luật lao động về chấm dứt hợp đồng lao động cũng như trả trợ cấp thôi việc đối với nhiều lao động sau khi họ đã làm việc tại công ty gần 5- 6 năm. Việc đưa ra những quy định cảm tính về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không căn cứ vào pháp luật của Công ty đã khiến nhiều người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Liên quan đến vấn đề trợ cấp thôi việc, TS. Lê Thị Hoài Thu cho rằng "việc xác định đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc là chưa hợp lý. Trong số những người được hưởng trợ cấp thôi việc có cả những người vi phạm kỷ luật lao động tới mức bị sa thải theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động" [37, tr. 45]. Ý kiến trên là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Thực chất người lao động khi tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng và bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải cũng đồng nghĩa với việc người lao động đó vi phạm hợp đồng lao động và không tuân thủ quy định của pháp luật về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Chính vì vậy, họ cũng không thể là đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc.
Với cách quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 44/2005/NĐ-CP thì quá trình thực hiện pháp luật về trợ cấp thôi việc cũng nảy sinh một số vướng mắc:
Trường hợp người lao động trước khi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước mà đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước, nhưng chưa được trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đó theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sử dụng lao động trước đây có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp đã chi trả, nếu đơn vị cũ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách nhà nước sẽ hoàn trả.
Vấn đề đặt ra là nếu đơn vị nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đã chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nhưng các đơn vị sử dụng người lao động cũ lại không thực hiện trách nhiệm chuyển trả khoản trợ cấp cho họ thì sao? Lúc này phải giải quyết trách nhiệm của các đơn vị không chuyển trả như thế nào và áp dụng chế tài gì? Điều này quả thực không dễ dàng khi trong thực tế tình huống như thế này không phải ít xảy ra dẫn đến tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong việc chi trả trợ cấp cho người lao động.
Nghị định số 113/2004/NĐ-CP không chỉ ra các hành vi vi phạm cụ thể về chế độ trợ cấp thôi việc. Sự quy định chung chung "vi phạm những quy định về chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động" có thể hiểu như thế nào? Vi phạm chế độ trợ cấp thôi việc là không trả, trả không đúng mức, không đúng thời gian hay trả không đúng cách thức theo quy định của pháp luật lao động? Với tư cách là một Nghị định quy định các hành vi bị xử phạt thì việc cụ thể hóa hành vi nào sẽ bị xử phạt và xử phạt với hình thức nào là khá quan trọng. Do đó, về vấn đề này, Nghị định số 113/2004/NĐ-CP cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn các hành vi vi phạm trong việc trợ cấp thôi việc tránh gây cách hiểu đa chiều trong việc thực hiện pháp luật.
2.1.6.2. Hành vi vi phạm thời hạn thanh toán các khoản có liên quan
đến quyền lợi của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động
Chấm dứt hợp đồng lao động là sự kiện pháp lý quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
"Chấm dứt hợp đồng lao động là sự kiện pháp lý mà một hoặc cả hai bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động" [46]. Việc chấm dứt này xảy ra do những lý do chủ quan hoặc khách quan, do ý chí đơn phương của một trong các bên trong hợp đồng hoặc do ý chí của cả hai bên. Điều chỉnh vấn đề này, pháp luật lao động có những quy định khá cụ thể không chỉ ở điều kiện chấm dứt, hậu quả pháp lý mà còn cả việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Điều 43 Bộ luật Lao động quy định "Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày". Như vậy, pháp luật lao động đã đưa ra thời hạn 07 ngày để các bên thanh toán quyền và lợi ích sau khi hợp đồng lao động chấm dứt. Đối với các trường hợp đặc biệt "trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động đã làm việc trong nhiều doanh nghiệp được quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 14 Nghị định này; doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc một trong hai bên gặp thiên tai, hỏa hoạn mà phải thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc, bồi thường và khoản nợ khác" [13] thì việc thanh toán không được kéo dài quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, trong trường hợp người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về thời hạn thanh toán theo quy định của pháp luật gây chậm trễ, kéo dài thời hạn thanh toán các khoản có liên quan cho người lao động như trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc,… thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý không? Bởi trong thực tế, việc thanh toán chậm trễ các khoản trên gây nhiều ảnh hưởng về thời gian, tiền bạc cũng như quá trình tìm kiếm công việc mới của người lao động. Người sử dụng lao động do không hiểu được quy định của pháp luật về vấn đề này hoặc cố tình trì hoãn việc thanh toán vì những mục đích kinh tế của riêng họ. Hiện nay, pháp luật lao động không đề cập đến vấn đề này và chưa có chế tài nào cho hành vi này. Thiết nghĩ, để đảm bảo việc
thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người lao động thì hành vi này nên có chế tài hợp lý và được quy định trong Nghị định số 113/2004/NĐ-CP.