Về tổ chức và thực hiện

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luận văn ths luật (Trang 73 - 82)

VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

3.3.2.Về tổ chức và thực hiện

Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động tại doanh nghiệp

Người sử dụng lao động với vai trò là chủ sở hữu doanh nghiệp phải gánh vác mọi công việc từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đến việc quản lý nhân lực. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật lao động. Để thực hiện được mục tiêu này, người sử dụng lao động trước hết cần nâng cao sự hiểu biết và tự giác tuân thủ pháp luật. Người sử dụng lao động phải cập nhật đầy đủ những quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, thang bảng lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,... Không chỉ có vậy, người sử dụng lao động cần phát huy vai trò của người chủ sở hữu doanh nghiệp với việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền về pháp luật lao động cho người lao động. Trong trường hợp vướng mắc, người sử dụng lao động có thể nhờ cơ quan quản lý lao động địa phương hay các cơ quan có liên quan tư vấn, trợ giúp. Quản lý lao động không phải là công việc đơn giản và đưa pháp luật lao động vào doanh nghiệp để mọi người thực hiện lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động phải không ngừng được tăng cường.

Hai là, nâng cao ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp của người lao động

Mọi sản phẩm của xã hội đều được tạo ra bởi những người lao động. Họ là bộ phận quan trọng và không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên,

để có những sản phẩm chất lượng thì người lao động phải nâng cao tác phong công nghiệp và ý thức pháp luật trong sản xuất. Có thể nói, đa phần người lao động không hiểu biết pháp luật lao động. Tình trạng này nên được cải thiện nhằm tạo ra một đội ngũ lao động vừa thạo nghề vừa có kiến thức pháp luật lao động tương đối tốt. Muốn vậy, ngoài việc tự tìm hiểu pháp luật, người lao động phải được học tập về pháp luật lao động trước khi tham gia quan hệ lao động. Nhà nước nên đảm nhận vai trò mở các lớp đào tạo, huấn luyện pháp luật lao động miễn phí cho người lao động và giao cho các trung tâm xúc tiến việc làm hay hệ thống ngành lao động, thương binh và xã hội thực hiện. Ngoài ra, người lao động cũng cần được tư vấn pháp luật miễn phí thông qua các trung tâm xúc tiến việc làm hay các Sở lao động - Thương binh và Xã hội để nâng cao hiểu biết pháp luật lao động.

Ba là, phát huy vai trò giám sát, kiểm tra, tư vấn của người đại diện sử dụng lao động và người lao động.

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là cơ quan hỗ trợ và bảo vệ các quyền lợi của chủ sử dụng lao động. Cơ quan này cần tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan đại diện của người sử dụng lao động thông qua những công việc cụ thể như:

+ Có các biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp nhằm tạo sự bền vững, chia sẻ, tạo thành những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

+ Tổ chức nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để phản ánh đúng, kịp thời nguyện vọng, ý kiến của doanh nghiệp về quản lý của chính phủ Việt Nam, về các chính sách, pháp luật lao động cần sửa đổi, về các biện pháp cần hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị và tham mưu

cho chính phủ những vấn đề về luật pháp đặc biệt là pháp luật lao động để đổi mới quản lý nhà nước về doanh nghiệp.

+ Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp về pháp luật lao động lao động, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các sai phạm của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động.

+ Trợ giúp các doanh nghiệp giải quyết bất đồng, tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động trong nội bộ doanh nghiệp hoặc giữa các doanh nghiệp thông qua thương lượng, hòa giải hoặc trọng tài.

+ Xây dựng và củng cố tổ chức đại diện của người sử dụng lao động ở cấp tỉnh. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam hiện nay được tổ chức ở cấp quốc gia chưa có ở các tỉnh và nhân lực còn hạn chế nên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn chưa đầy đủ và chưa kịp thời. Bên cạnh việc tổ chức đại diện, cần xây dựng và hoàn thiện các giáo trình đào tạo cho người sử dụng lao động giúp người sử dụng lao động hiểu rõ và thực hiện tốt hơn pháp luật lao động.

+ Phối hợp chặt chẽ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, ngành lao động - thương binh và xã hội và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp. Sự phối hợp này càng nhuần nhuyễn, gắn kết thì các doanh nghiệp càng có nhiều thuận lợi để phát triển và hoàn thiện lĩnh vực pháp luật lao động trong doanh nghiệp.

- Tổ chức Công đoàn là đại diện hợp pháp và đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động. Với vai trò như vậy, tổ chức công đoàn cần được xây dựng và kiện toàn để phát huy sức mạnh của mình trong doanh nghiệp thông qua một số kiến nghị sau:

+ Củng cố, nâng cao trình độ pháp luật cũng như kiến thức xã hội của các cán bộ công đoàn. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra, cán bộ công đoàn cần kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người lao động, có biện pháp

kịp thời để giúp người lao động vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình, vừa chấp hành đúng pháp luật lao động, tránh tình trạng đình công bất hợp pháp.

+ Tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ hơn nữa pháp luật lao động đặc biệt là pháp luật về hợp đồng lao động trong doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và Luật Công đoàn dưới hình thức các buổi nói chuyện, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hoặc qua thông tin truyền hình các tiểu phẩm đơn giản, dễ hiểu … là việc tổ chức công đoàn nên làm.

+ Đẩy mạnh giám sát tình hình thực hiện pháp luật lao động của người sử dụng lao động. Nhìn chung, đây là một nhiệm vụ quan trọng song hầu như khó thực hiện hiệu quả trong thực tiễn. Hiện nay, phần lớn cán bộ công đoàn ăn lương của chủ sử dụng lao động nên việc giám sát chỉ là hình thức. Chính vì vậy, các cán bộ công đoàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy định của pháp luật lao động tại các đơn vị sử dụng lao động; tăng cường đối thoại trên cơ sở cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp.

+ Phát động các phong trào thi đua trong doanh nghiệp mà tập trung vào những chủ đề liên quan đến quyền lợi của người lao động, có tác dụng thiết thực, được tổ chức một cách thường xuyên, liên tục nhằm thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia.

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

+ Nâng cao số lượng thanh tra viên ở Bộ và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2007 cho thấy nếu cứ duy trì số lượng thanh tra viên lao động như hiện nay và tiến hành thanh tra ở tất cả các doanh nghiệp thì phải mất gần 70 năm các thanh

tra viên mới có thể quay trở lại thanh tra tại doanh nghiệp đó lần thứ hai. Điều này hoàn toàn chưa tính đến số lượng doanh nghiệp đang và sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, cần phải tăng cường số lượng thanh tra viên lao động ở Bộ và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dần đạt đến mức cứ 1000 doanh nghiệp có 01 thanh tra viên lao động theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế.

+ Thành lập tổ chức thanh tra lao động tại các quận, huyện.

Hiện nay, thanh tra lao động chỉ được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố mà chưa có ở quận, huyện. Với số lượng doanh nghiệp tăng nhanh với nhiều hình thức sở hữu, cơ quan thanh tra sẽ không đảm đương được nhiệm vụ một cách kịp thời, nhanh chóng. Vì vậy, cần nghiên cứu thành lập tổ chức thanh tra lao động tại các quận, huyện có thể làm thí điểm tại một số tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương,...

+ Đổi mới phương thức thanh tra nhằm tăng nhanh tần suất thanh tra.

Việc thanh tra theo phương thức đoàn thanh tra như hiện tại không thể đáp ứng kịp thời tần suất và số lượng doanh nghiệp phải thanh tra. Để phần nào giải quyết được thực trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 01/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/2/2006 ban hành quy chế hoạt động thanh tra nhà nước về lao động theo phương thức thanh tra viên phụ trách vùng và Quyết định số 02/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/2/2006 ban hành quy chế sử dụng phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động. Qua việc áp dụng phiếu tự kiểm tra đối với các doanh nghiệp và cử một số thanh tra viên phụ trách từng vùng cụ thể mà số lượng và tần suất thanh tra được nâng lên. Tuy vậy, trong thực tế để phát huy được hiệu quả và ý nghĩa của phương pháp này cũng không hề đơn giản. Việc tổng hợp dữ liệu từ phiếu tự kiểm tra, tính chính xác từ các con số báo cáo của doanh nghiệp, lựa chọn doanh nghiệp thanh tra dựa trên các phiếu báo cáo,... đã và đang là những vấn đề mà các thanh tra viên phụ trách vùng phải xem xét.

+ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động, quy định chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy, không ít đối tượng thanh tra cho rằng lợi ích thu được từ việc vi phạm pháp luật còn lớn hơn rất nhiều mức xử phạt hành chính về lĩnh vực lao động. Tâm lý đó khiến họ không sợ bị xử phạt và không cũng không ngại vi phạm các quy định về hợp đồng lao động. Vì thế, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động của doanh nghiệp.

+ Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lao động. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt cần có những biện pháp cưỡng chế thích hợp và cứng rắn. Trong đó, nên chú trọng đến biện pháp thông báo sai phạm của doanh nghiệp với cơ quan ngôn luận, cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… để đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Biện pháp này nhằm vào uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nên có nhiều khả năng phát huy tác dụng răn đe đối với những hành vi sai phạm. - Cần phát huy công tác giáo dục, hướng dẫn pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp. Là cơ quan quản lý trực tiếp về lĩnh vực lao động ở địa phương, nên Sở thường nắm bắt được cụ thể tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua các báo cáo của doanh nghiệp về vấn đề tuyển dụng, sử dụng lao động, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp,... hay các hoạt động đăng ký thang bảng lương, nội quy lao động, cho nhiều người lao động thôi việc, doanh nghiệp đều phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, Sở nên làm tốt công tác hướng dẫn, chỉnh sửa những sai phạm của doanh nghiệp theo hướng giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện hơn trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật lao động.

Năm là, tăng cường cơ chế đối thoại, hợp tác giữa người sử dụng lao động và người lao động đồng thời với cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực lao động. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Giải quyết có hiệu quả nguồn nhân lực trong doanh nghiệp là nhân tố quan trọng để nâng cao sức sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu thế toàn cầu hóa hội nhập nền kinh tế thế giới. Chính vì lẽ đó, sự hợp tác giữa người sử dụng lao động và người lao động cần được quan tâm, chú trọng. Sự hợp tác này được thể hiện thông qua việc xây dựng bản thỏa ước lao động tập thể, cùng nhau đưa ra một quyết định phù hợp với quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Mặt khác, việc chia sẻ thông tin trong doanh nghiệp, đưa ra ý kiến đóng góp liên quan đến tài chính, nhân sự, tình hình sản xuất, kinh doanh,... giữa người sử dụng lao động và người lao động là rất cần thiết. Thông qua các hoạt động mang tính cộng đồng với người lao động, chủ sử dụng lao động có điều kiện hiểu nhiều hơn nguyện vọng và những vấn đề chưa thỏa mãn của người lao động. Từ đó, có sự điều chỉnh hợp lý và đưa ra cách giải quyết chung tránh tình trạng đình công bất hợp pháp xảy ra. Chính vì vậy, cơ chế đối thoại trong doanh nghiệp phải được xây dựng và sử dụng triệt để.

- Cần xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng trong lĩnh vực lao động. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, các cơ quan hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, cơ quan đại diện và các cơ quan khác có liên quan nên phối hợp với nhau trong những tình huống cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động. Sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức đại diện cho những lợi ích khác nhau trong nỗ lực cùng tìm ra tiếng nói chung không chỉ mang lại thuận lợi cho các bên trong quan hệ lao động mà còn kịp thời tìm ra lỗ hổng để từ đó sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật lao động. Cũng thông qua cơ chế phối hợp mà các cơ quan nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò của mình, tránh tình trạng đùn đẩy, thiếu nhiệt tình trong quản lý, hỗ trợ và tư vấn cho các bên trong việc thực hiện pháp luật lao động nói chung và hợp đồng lao động nói riêng.

KẾT LUẬN

Những tranh chấp lao động lao động gần đây được đăng tải trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm về thực trạng quan hệ lao động. Đây là điều đáng lo ngại trong quá trình bình ổn và dần đưa mối quan hệ lao động vào trật tự ổn định. Trong đời sống, không phải lúc nào quan hệ lao động cũng diễn ra tốt đẹp. Những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động luôn có khả năng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự phá vỡ các giao ước trong hợp đồng lao động.

Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luôn thường trực trong xã hội và là một hiện tượng có xu hướng phổ biến. Nó làm mất dần tính bình ổn và sự hợp tác giữa các bên trong quan hệ lao động từ đó ảnh hưởng không

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luận văn ths luật (Trang 73 - 82)