CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 1 Hành vi giao kết hợp đồng lao động không đúng quy định

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luận văn ths luật (Trang 36 - 39)

VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

2.1. CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 1 Hành vi giao kết hợp đồng lao động không đúng quy định

2.1.1. Hành vi giao kết hợp đồng lao động không đúng quy định pháp luật lao động

Giao kết hợp đồng lao động là công việc đầu tiên mà các bên phải thực hiện để xác lập quan hệ lao động. Điều 27 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bố sung năm 2002 quy định hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Việc quy định các loại hợp đồng lao động như trên thực chất là một cách định hướng cho các bên trong quan hệ lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Thông thường, người sử dụng lao động là người quyết định loại hợp đồng mà các bên sẽ giao kết căn cứ vào tính chất và vị trí công việc cần tuyển. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại hợp đồng lao động nào cũng chỉ trong khuôn khổ pháp luật quy định.

Thông tư số 12/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về các trường hợp được xem là giao kết hợp đồng lao động không đúng loại. Đó là khi người lao động thực tế đã làm việc với thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên nhưng chưa được người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp khác là người lao động đã hoàn thành liên tục hai hợp đồng lao đồng xác định thời

hạn, sau đó lại tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động mới hay có giao kết nhưng với thời hạn xác định cũng được coi là giao kết hợp đồng không đúng loại.

Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng lao động. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động quá 12 tháng mà không giao kết hợp đồng lao động. Theo pháp luật quy định người lao động làm công việc trên 03 tháng tại doanh nghiệp đều phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động vì đó là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp phát sinh đồng thời cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp chọn cách giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng hay giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 12-36 tháng đối với loại công việc ổn định, thường xuyên trên 36 tháng và loại công việc không xác định thời hạn chấm dứt. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn "trốn" việc giao kết hợp đồng lao động vì làm như vậy "người sử dụng lao động sẽ "trốn" được một số khoản chi phí như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi phí khác" [37, tr. 45].

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều trường hợp giao kết "hợp đồng chuỗi" tức là người lao động đã hoàn thành liên tục hai hợp đồng lao đồng xác định thời hạn, sau đó lại tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động vẫn giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn. Thực chất, khi người lao động tiến hành giao kết nhiều hợp đồng lao động như vậy với người lao động cho thấy công việc có tính chất thường xuyên và lâu dài mà không phải là mùa vụ. Vì vậy, luật lao động quy định sau khi hoàn thành hai hợp đồng lao động xác định thời hạn, các bên phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nếu các bên không ký hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động cũ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Đây là những hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động xảy ra khá phổ biến ở hầu hết các đơn vị sử dụng lao động mà trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner - Hà Nội là một ví dụ.

Dạy 10 năm không hợp đồng lao động

Theo thông tin phản ánh từ trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (Hà Nội), nhiều giáo viên đã dạy 5-10 năm nhưng không ký hợp đồng lao động, không được hưởng chế độ nào theo quy định. Có giáo viên đã dạy 10 năm, không được ký hợp đồng lao động hay hưởng bất kể một chế độ nào ngoài việc trả lương theo tiết dạy. Một giáo viên khác vào trường dạy từ năm 2001 được hứa sẽ ký hợp đồng tuy nhiên đến nay nhà trường vẫn chưa thực hiện. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hermann Gmeiner Hà Nội là 1 trong 13 dự án của Tổ chức quốc tế SOS tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đối tượng của dự án là hỗ trợ trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Với đặc thù như vậy, mọi hoạt động của trường đều phải chịu sự chi phối của tổ chức, kể cả vấn đề kinh phí và nhân sự. Tổ chức đã khống chế 40 định biên, nhà trường không thể xin thêm "suất". Vì vậy, với giáo viên thỉnh giảng, trường chỉ trả tiền theo tiết dạy (khoảng 15.000 đồng/tiết) mà không ký hợp đồng lao động hay ràng buộc trách nhiệm nào. Nếu muốn ký hợp đồng, phải làm đơn và tự đóng 100% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... [53].

Sự việc xảy ra ở trường Hermann Gmeiner cho thấy việc giao kết hợp đồng lao động trên thực tế vẫn chưa được quan tâm và đa số chưa hiểu được ý nghĩa của hợp đồng lao động. Người lao động chưa được ký kết hợp đồng lao động mặc dù đã làm việc tới 5-10 năm tại trường đã chứng minh cho việc người sử dụng lao động thờ ơ trước các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Khi những tranh chấp xảy ra, quyền và lợi ích của những giáo viên, những người lao động sẽ được giải quyết như thế nào khi không tồn tại một cơ sở pháp lý nào giữa họ và nhà trường?

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động luận văn ths luật (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)