Điều luật này xác định rằng, để sinh động hoá Hiệp Hội, các Tỉnh, trong khi vẫn giữ tính tự trị về quản trị của mình, được tổ chức thành các Vùng theo sự gần gũi về ngôn ngữ, văn hoá và lãnh thổ.
Với sự ưng thuận của Bề Trên Cả, Hội Đồng Thế Giới có thể cổ vũ và khuyến khích việc thành lập một Ban Cố Vấn Vùng. (Qui Chế, đ. 34). Khi một số Tỉnh có sự gần gũi nhau về ngôn ngữ hay văn hoá mà thuộc cùng một quốc gia hay một khu vực địa lý và thấy có cơ hội để liên kết với nhau nhằm cải thiện hoạt động của mình trong tư cách một Hiệp Hội, họ có thể đệ đạt yêu cầu này lên Hội Đồng Thế Giới, và Hội Đồng này sau khi cẩn thận xem xét vấn đề, và thấy thích hợp, sẽ trình bày ý kiến thuận lợi lên Bề Trên Cả để được Bề Trên Cả chấp thuận thiết lập cơ chế sinh động hoá này trong Hiệp Hội.
Tự bản chất, Ban Cố Vấn Vùng không phải là một cơ quan quản trị tập đoàn giống như các Hội Đồng địa phương, tỉnh hay thế giới (Điều Lệ, đ. 34), nhưng nó là một cơ quan sinh động hoá và trợ giúp trực tiếp cho Cố Vấn Thế Giới để có một sự đồng trách nhiệm hiệu quả trong các sáng kiến khác nhau―tông đồ hay đào luyện―trong Vùng. Một yếu tố quan trọng nữa là nó là sợi dây hiệp nhất và hợp tác giữa mỗi Hội Đồng Tỉnh với Hội Đồng Thế Giới.
Ban Cố Vấn Vùng gồm Cố Vấn Thế Giới của Vùng liên quan (chủ toạ Ban Cố Vấn Vùng này nhân danh Hội Đồng Thế Giới), các Điều Phối Viên Tỉnh, Uỷ Viên SDB Vùng, Uỷ Viên FMA Vùng, và/hay các thành viên khác tuỳ theo nhu cầu của Vùng.
Có thể đọc lá thư của Cha Bề Trên Cả Don Pascual Chavez, Lettera sul ruolo delle Consulte regionali năm 2012 để biết thêm chi tiết và hiểu rõ hơn về lý do hiện hữu của Ban Cố Vấn Vùng.
137
Điều 39. Cấp Thế Giới
§1. Hội Đồng Thế Giới gồm:
– Điều Phối Viên Thế Giới, được Bề Trên Cả trực tiếp bổ nhiệm;
– Uỷ Viên SDB Thế Giới, được Bề Trên Cả bổ nhiệm, và Uỷ Viên FMA Thế Giới, được Bề Trên Cả bổ nhiệm theo đề nghị của Mẹ Tổng Quyền Tu Hội Con Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu;
– Các Cố Vấn Thế Giới, đươc bầu bởi các Đại Hội của mỗi Vùng;
– Vị Tổng Quản Lý và Tổng Thư Ký, được bầu―bằng phiếu kín―bởi chính các Cố Vấn.
§2. Văn Phòng Tổng Thư Ký (SEM – Segreteria Esecutiva Mondiale) gồm Điều Phối Viên Thế Giới, Tổng Quản Lý, Tổng Thư Ký, Uỷ Viên SDB Thế Giới, và Uỷ Viên FMA Thế Giới.
Văn Phòng Tổng Thư Ký SEM có chức năng trông coi các công việc quản trị thông thường không đòi hỏi triệu tập Hội Đồng Thế Giới. Trong Hội Đồng Thế Giới, Văn Phòng này đảm nhận nhiệm vụ “Hội Đồng Kinh Tế” của Hiệp Hội theo các qui định của Giáo Luật điều 1280.
§3. Nhiệm kỳ của các Cố Vấn Thế Giới là sáu năm.
§4. Các quyết định của Hội Đồng Thế Giới có hiệu lực sau khi được Bề Trên Cả phê chuẩn. DIỄN GIẢI Các chủ đề chính 1. Thành phần Hội Đồng Thế Giới 2. Các nhiệm vụ và nhiệm kỳ Các ý tưởng nòng cốt
Điều 30 của Qui Chế xác định rằng “Bề Trên Cả thông thường sử dụng Hội Đồng Thế Giới của Hiệp Hội CTV Salêdiêng, trước hết trong việc sinh động hoá toàn thể Hiệp Hội và trong việc phối hợp các sáng kiến đào luyện và tông đồ.” Đó là để đạt được các mục đích tông đồ truyền giáo của Kế Hoạch Đời Sống Tông Đồ và cũng để Hiệp Hội có được một sức sống hiệu quả hơn. Do đó Hội Đồng Thế Giới cộng tác với Bề Trên Cả trong việc quản trị và sinh động hoá Hiệp Hội: Hội Đồng cung cấp các đường hướng chung liên quan đến các sáng kiến đào luyện, tổ chức và quản trị. (QC 31)
138
Các nhiệm vụ và thành phần của Hội Đồng Thế Giới được xác định rõ trong Qui Chế, điều 31 và 32.
A. Thành phần Hội Đồng Thế Giới
– Điều Phối Viên Thế Giới, được Bề Trên Cả trực tiếp bổ nhiệm;
– Uỷ Viên SDB Thế Giới, được Bề Trên Cả bổ nhiệm, và Uỷ Viên FMA Thế Giới, được Bề Trên Cả bổ nhiệm theo đề nghị của Mẹ Tổng Quyền Tu Hội Con Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu;
– Các Cố Vấn Thế Giới, đươc bầu bởi các Đại Hội của mỗi Vùng; và
– Tổng Quản Lý và Tổng Thư Ký, được bầu―bằng phiếu kín―bởi chính các Cố Vấn.
B. Các vai trò trong Hội Đồng Thế Giới
Trong Hội Đồng, một số vai trò chuyên biệt được dự liệu:
Vai trò cần thiết đầu tiên được qui định là Điều Phối Viên Thế Giới. Vị này được Bề Trên Cả bổ nhiệm trong số các thành viên đã được chỉ định hay được bầu của Hội Đồng, và theo các qui định được dự liệu tại điều 32 §2 của Qui Chế.
Một vai trò cần thiết khác cũng được qui định là Quản lý. Vị này là một trong số các thành viên của Hội Đồng, theo các qui tắc của Qui Chế 32 §2. Nhiệm vụ của Quản lý là những gì được giao cho vai trò này bởi cùng một điều khoản trên: trình bày báo cáo tài chính cho Hội Đồng Thế Giới để Điều Phối Viên Thế Giới trình lên Bề Trên cả để được phê chuẩn dựa trên các qui định tại điều 39 §3 của Qui Chế. Cũng không được quên các nhiệm vụ khác được dự liệu bởi luật phổ quát của Hội Thánh liên quan đến việc quản trị các tài sản của Hội Thánh như được nói trong Bộ Giáo Luật.
B. Bầu Cố Vấn Thế Giới cho một Vùng
Điều 29 của Qui Chế đưa ra các qui tắc cho việc thành lập và hoạt động của Đại Hội Vùng. Nó xác định rằng các Điều Phối Viên Tỉnh và các Hội Đồng Tỉnh là những người sẽ bầu ra Cố Vấn cho mỗi Vùng. Ngoài ra còn có các Uỷ Viên SDB và FMA được chỉ định bởi các Giám Tỉnh liên hệ―sao cho tổng số các thành viên này không vượt quá một phần ba tổng số các thành viên có quyền bỏ phiếu trong Đại Hội.
Thể thức tiến hành nhiệm vụ này được xác định bởi các Qui Chế Đại Hội, được phê chuẩn bởi Hội Đồng Thế Giới. Do đó, mọi khả năng khác đều để ngỏ, với điều kiện là phải bảo đảm có một sự đại diện thật sự ở cấp một Vùng, và cùng với điều này, bảo đảm được rằng các cử tri có thể tham dự thực sự vào cuộc bỏ phiếu bầu Cố Vấn Thế Giới.
Vì lý do này, ngoài rất nhiều các thể thức có thể được đề nghị, cũng được dự liệu việc có thể bầu qua thư, theo qui tắc của Giáo Luật điều 157 §1. Đương nhiên cách làm này phải bảo đảm các điều kiện thiết yếu để lá phiếu có hiệu lực của giáo luật, nghĩa là trong mọi trường hợp việc bỏ phiếu phải là tự do, bảo đảm, kín, tuyệt đối và được tiến hành theo các qui tắc của Giáo Luật điều 172.
Việc phê chuẩn các thể thức do Hội Đồng Thế Giới đề nghị là thuộc thẩm quyền của Bề Trên Cả, trong tư cách là Điều Hành Viên Tối Cao của Hiệp Hội; điều này đã được nêu rõ bởi số
139
4 của Điều 38, theo đó các chỉ thị của Hội Đồng Thế Giới “chỉ trở thành có hiệu lực sau khi được Bề Trên Cả phê chuẩn.”