6. Cấu trúc luận văn
1.1.1 Điều kiện tự nhiên
Theo các nhà nghiên cứu về địa lí, lịch sử, dân tộc học khu vực Bắc Trường Sơn, địa bàn cư trú của bộ phận các tộc người thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế trong đó có dân tộc Tà Ôi là một dải kiến tạo địa hình kéo dài từ thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh) chạy dọc suốt miền Trung nước ta vào đến tận cao nguyên Đồng Nai. Trải qua nhiều đợt kiến tạo khác nhau trong lịch sử làm cho địa hình ở đây phức tạp, đất đai, khí hậu đa dạng,…Dãy Trường Sơn như một bức tường thành tầng tầng, lớp lớp, sườn núi phần lớn dốc đứng phía trước cực tây nhưng khi xuôi dần về đông, chúng tự xóa đi độ dốc để những con sông không còn mang dòng chảy cuồn cuộn phù sa như hai đầu đất nước. Cũng từ hệ núi này, ở nhiều nơi, những chiếc chân nghịch ngợm cố choãi mình ra tận biển, tạo nên bức tường thành ngăn cách theo dạng hoành sơn và cắt xẻ đến manh mún dải đồng bằng nhỏ hẹp ven duyên hải. Triền dốc của khu vực Trường Sơn Bắc là ba mẹ của nhiều con sông ngọn suối ở phía trung và hạ lưu các dòng chảy. Có trên hai trăm dòng nước lớn nhỏ từ 10 km trở lên ở đây đã giúp chúng ta hình thành một mạng lưới sông suối dày đặc, tạo nên một bức tranh tự nhiên hoành tráng, đa sắc màu cao độ.
Nằm trong chiếc nôi bởi hai điểm tựa quan trọng là Đèo Ngang và Hải Vân, trong đó điểm cuối cùng của Trường Sơn Bắc (quần thể Hải Vân) đã tạo nên cho Thừa Thiên – Huế một bức tường khí hậu quan trọng. Hầu hết các đợt gió mùa Đông – Bắc sau cuộc hành trình Nam tiến hầu như không còn đủ sức để vượt qua những dãy núi cao ở đây. Đành rằng, vùng Đèo Ngang và dãy Hoành Sơn cũng được xem như bức tường thành ngăn chặn những đợt gió
mùa phía bắc, nhưng thật ra, nơi đây không hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Trong điều kiện như vậy, vùng đồi núi phía tây Thừa Thiên – Huế đã và đang tồn tại trong môi trường nhiệt và ẩm rất thuận lợi cho lớp thực vật phát triển.
Mặc dù, trải qua rất nhiều biến cố (chiến tranh, sự tàn phá của con người), nhưng miền tây Thừa Thiên – Huế vẫn là nơi còn lưu lại khá điển hình những kiểu rừng già mang tính chất nguyên thủy của Trường Sơn Bắc. Các loại gỗ, lâm sản và thú rừng đều rất phong phú. Khu vực này vốn được xem là nơi khí hậu khá khắc nghiệt, nhưng nhìn chung, thảm thực vật vẫn nằm trong vùng sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Rừng nơi đây nhiều tầng, nhiều loại, chứa đựng tiềm năng kinh tế lớn, không chỉ trên lĩnh vực khai thác gỗ và các loại lâm sản khác như dược liệu, hương liệu v.v… mà còn là môi trường lý tưởng cho nhiều loại thú quý hiếm.
Sinh tụ trên dạng môi trường đặc thù, các dân tộc ít nói chung và dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, người nơi đây đều xem rừng núi, cỏ mây, sông suối như bà mẹ lớn, không chỉ nơi cung cấp thức ăn, thuốc uống, nguyên liệu làm nhà v.v…, mà còn là chốn nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần, khởi nguồn cho mạch sống văn hóa. Con người và rừng gắn chặt với nhau, hòa quện vào nhau. Trong một cách hiểu nào đó, trong vòng tay của rừng núi, họ có thể sống, tồn tại và phát triển phồn vinh; ngược lại, sức sống và âm vang của núi rừng cũng được chính các làng ở đây tạo nên một không gian đầy sinh khí.
Cách thiết lập vùng cư trú theo trục Bắc – Nam trên dải núi rừng phía tây Trường Sơn Bắc đi qua Thừa Thiên Huế, chúng ta sự hội tụ của tộc người Pakô – Tà Ôi ở phía tây bắc Thừa Thiên – tây nam Quảng Trị và người Cơ Tu cận cư ở phía tây nam Thừa Thiên – tây bắc Quảng Nam. Ranh giới tộc người ở đây không hề khớp với cương vực hành chính theo đơn vị tỉnh, nhưng không phải là không có mối quan hệ từ sự “gợi ý của thiên nhiên”. Điều dễ
nhận biết là sự khu trú và tương đối tập trung của từng tộc người hay nhóm tộc người theo khu vực mà các dãy núi hoặc dòng chảy cắt ngang từ vùng cực tây ra tận biển Đông đã làm nên những ranh giới ngăn cách tự nhiên theo chiều nam – bắc, trong lúc đó lại tạo nên sự thoáng mở theo trục đông – tây.
Sinh cảnh, môi trường và địa mạo cũng như thảm thực vật trong điều kiện hẹp với một sơn hệ tầng tầng, lớp lớp kế cận biển, không thể không khiến ta hình dung nơi đây vốn là một hệ phức hệ núi rừng, gò đồi, lắm suối, nhiều dốc, phù hợp với điều kiện sống của những cư dân tồn tại theo phương thức kinh tế hỏa canh, hái lượm như các tộc người thiểu số vừa nêu. Nhìn trên lát cắt của địa hình vùng núi Thừa Thiên Huế, chúng ta có thể thấy được phần bằng phẳng tương đối của dải đất ven biển và thảm phù sa vùng hạ lưu của nhiều dòng chảy phù hợp cho việc khai thác ruộng nước. Phải chăng đây cũng chính là nguyên nhân khiến thảm thực vật rừng co lại về phía tây trước sức khai phá của những lớp cư dân có truyền thống ruộng nước tại chỗ kể cả người Việt với nhiều thế hệ đã thực hiện trên con đường mở đất về phương Nam. Hiện tượng này cũng đồng nghĩa với xu hướng chuyển cư của các tộc người thiểu số về phía tây nơi mà sinh cảnh hoàn toàn phù hợp với điều kiện sản xuất nương rẫy hỏa canh, lúa khô sinh trưởng trên địa hình dốc. Điều này đã tạo nên đặc điểm nổi bật trong mối quan hệ xuôi ngược đông tây nơi này không đơn thuần là vấn đề giao lưu văn hóa mà còn là hoạt động kinh tế thông qua việc mua bán trao đổi những vật đáp ứng nhu cầu của từng thời kỳ theo mạng lưới sông suối và đường mòn với hệ thống chợ phiên được thiết lập dọc các điểm giao tiếp Kinh – Thượng từ thời phong kiến.
Tồn tại trong một “quốc gia đa dân tộc”, mà thống nhất, dân tộc Tà Ôi ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế sống tập trung ở huyện A Lưới, có dân số khoảng 4 vạn người (theo số liệu thống kê năm 2010). Đó là vùng có vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Địa hình lòng chảo được bao
bọc bởi núi cao hiểm trở, có độ cao từ 740 – 1.300m, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối có mật độ khoảng 1 – 2,5km/km2 , nhiều thung lũng và sông hẹp, bờ dốc, nhiều thác ghềnh và đá tảng ngổn ngang. Tiểu khí hậu ấm, nhiệt đới gió mùa và được xếp vào khí hậu Đông Trường Sơn, hàng năm chia ra làm hai mùa rõ rệt: mùa hanh khô và mùa mưa, nhiệt độ trung bình 24,90C, nhiệt độ thấp nhất 80C, nhiệt độ cao nhất là 340C. Do địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều khe suối nên đã tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau thường gây ra hạn hán vào mùa hè và lũ quét, lốc xoáy cục bộ vào mùa mưa bão.
Điều kiện tự nhiên vừa có phần hùng vĩ, thơ mộng vừa có phần khắc nghiệt ấy đã chi phối đến đời sống xã hội, văn hóa và văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên nhiều phương diện. Những cánh rừng, những sông, đã ghi dấu ấn trong truyện kể dân gian dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Các loài động thực vật phong phú đa dạng đã được đồng bào các dân tộc thể hiện sinh động trong các truyện thần thoại, truyện cổ tích. Đặc trưng khí hậu chia làm hai mùa hanh khô và mùa mưa và ấn tượng về những đại nạn trong tự nhiên như hạn hán và lũ lụt chính là cơ sở cho sự hình dung và miêu tả những chàng trai khỏe mạnh trong truyện kể.