6. Cấu trúc luận văn
4.2.2 Phản ánh xã hội phụ hệ
Các nhà dân tộc học cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chỉ ra rằng dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tổ chức gia đình xã hội theo chế độ phụ hệ trong đó người con trai trưởng đóng vai trò rất quan trọng. Người phụ nữ kể cả những người già và trẻ em thường lao động, làm việc cần mẫn, chăm chỉ và phải tuân thủ mọi quy định của người đàn ông. Quyền thừa kế của cha mẹ theo chế độ này chỉ thuộc về người con trai, nhất là con trai trưởng, con gái hầu như không có gì. Thậm chí ở dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, sự phân biệt nam nữ còn khắt khe trong nhiều phong tục sinh hoạt hàng ngày, nhất là tục lệ sinh đẻ của người phụ nữ, họ
phải tự vào rừng sinh đẻ, đẻ xong thì tự mang con trở lại về nhà. Về việc phản ánh xã hội phụ hệ của người dân tộc Tà Ôi đây là đặc điểm tương đồng với các dân tộc Việt. Nếu như trong truyện kể của một số dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, miền Nam và Tây Nguyên rất chú ý đến nhân vật bất hạnh là nữ. Điều này hẳn là phản chiếu của một chế độ mà người phụ nữ được coi trọng, quan tâm và có những quyền hạn nhất định trong đời sống. Ở các dân tộc này, chúng tôi thấy có sự xuất hiện xung đột của nhân vật người em gái út trong xung đột với các chị gái và nhóm truyện về nhân vật con rể trong quan hệ với bố mẹ vợ. Trong khi đó truyện cổ tích dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, em út là nhân vật trung tâm, xung đột chủ yếu với anh trai hoặc là vợ chồng anh trai về phương diện kế thừa. Xung đột chị em gái có xuất hiện nhưng chỉ đóng vai trò là xung đột phụ trong kiểu truyện người đội lốt vật – người xấu xí mà có tài ba. Người đội lốt cuối cùng cởi bỏ lốt lại vẫn trở thành những chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Mối quan tâm của các tác giả dân gian dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tập trung vào người đàn ông – người trụ cột gia đình và xã hội theo tổ chức gia đình phụ hệ. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp hình thức phụ hệ này trong các sinh hoạt, nghi lễ của người dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế được thể hiện trong các truyện cổ tích sinh hoạt với việc thực hiện các nghi thức, nghi lễ cúng tế các vị thần.