6. Cấu trúc luận văn
3.2.1 Truyện về người mồ côi
Đây là kiểu truyện có sáng tác nhiều nhất và còn lưu truyền ở nhiều dân tộc. Theo thống kê của chúng tôi có 16 truyện. Mồ côi là nạn nhân phổ biến trong đời sống xã hội của nhiều dân tộc chứ không chỉ riêng gì ở dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi mà chế độ cộng đồng nguyên thủy tan rã, kiểu gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ được thay thế bởi những gia đình nhỏ theo chế độ phụ quyền. Vì thế, xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, tư hữu về tài sản từ đó tạo ra mâu thuẫn, tạo ra sự phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Hệ quả là xuất hiện một loạt những số phận bất hạnh trong xã
hội như người mồ côi, người em út... trong đó, nhân vật người mồ côi là nhân vật trung tâm.
Giống như nhiều dân tộc khác, truyện về nhân vật mồ côi dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế hướng sự quan tâm đến những chàng trai, cô gái mồ côi có cuộc đời bất hạnh, không có người thân thích, không có địa vị, của cải, thậm chí một số nhân vật mồ côi còn mang hình dạng xấu xí. Nhưng bù lại, họ có lòng tốt, lòng dũng cảm và đặc biệt nhiều nhân vật mồ côi còn có trí thông mình, có tài săn bắn và có sức khỏe phi thường, ngoài ra họ còn là những người có tinh thần và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đó là hình tượng vừa phản ánh chân thực những số phận trong cuộc đời vừa mang màu sắc lí tưởng, là sản phẩm của trí tưởng tượng và lòng nhân đạo của các tác giả dân gian.
Kết cấu chung cho nhóm truyện mồ côi bất hạnh đã được định hình dựa trên hai kiểu chủ yếu. Một là kiểu kết cấu ba phần: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn → chuyển biến thần kì → có vợ đẹp, chồng đẹp, giàu sang. Hai là kiểu kết cấu năm phần: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn → chuyển biến thần kì → có vợ đẹp, chồng đẹp, giàu sang → bị cướp vợ, cướp của → đấu tranh và giành lại hạnh phúc. Hai kiểu kết cấu trên đều có kết thúc có hậu.
Nhân vật mồ côi trước hết gặp phải những mâu thuẫn, xung đột trong phạm vi gia đình. Về loại xung đột, truyện kể dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế có sự khác biệt nhất định so với truyện của các dân tộc miền núi phía Bắc, các cư dân phía Nam và Tây Nguyên. Xung đột gia đình của dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu xoay quanh anh trai – em trai. Đây là mối xung đột điển hình nảy sinh trong chế độ phụ hệ trong đó khi cha mẹ mất đi thì người anh trai có vai trò quan trọng đối với đứa em trai.Cũng là chế độ gia đình phụ hệ nhưng truyện của các dân tộc miền núi phía Bắc lại có sự xuất hiện thêm đối tượng là người chú đối với cháu trai. Ngược lại, trong xã hộ các các cư dân phía Nam và Tây Nguyên, chế độ mẫu
hệ duy trì và tồn tại lâu dài hơn nên mối quan hệ cậu – cháu thường nảy sinh xung đột mâu thuẫn mạnh mẽ hơn.Vì thế, trong truyện cổ tích về nhân vật mồ côi của các cư dân vùng này, truyện kể về xung đột cậu – cháu trở nên phổ biến.
Bên cạnh xung đột gia đình như anh – em, xung đột xã hội giữa người mồ côi và giai cấp thống trị được phản ánh trực tiếp và gay gắt với tỉ lệ truyện 31,2%, tỉ lệ này khá lớn. Nhân vật phản diện trong type truyện về người mồ côi chỉ mặt, gọi tên khá rõ: đó là những kẻ đứng đầu một làng, một bản... Các nhân vật thường phải chịu đựng một hình phạt để từ đó không dám hách dịch, áp bức người nghèo khổ. Bên cạnh việc trải qua thử thách với giai cấp thống trị, nhiều nhân vật mồ côi trong truyện kể dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu gặp thử thách trong mối quan hệ với các loài quái vật, thử thách với chính mình, truyện này chiếm 68,8%. Điều này có lẽ cũng bắt nguồn từ thực tế điều kiện xã hội hầu như chưa có sự phân hóa giai cấp mạnh mẽ hoặc trong xã hội có thể sự chênh lệch giàu nghèo, xuất hiện sự phân biệt của người có của với người bất hạnh nhưng quan hệ bóc lột điển hình chưa trở nên phổ biến.
Nhân vật mồ côi nam luôn mang khát vọng về tình yêu và hạnh phúc gia đình với những người con gái đẹp, vì thế motif kết hôn xuất hiện với tần xuất phổ biến 11/16 truyện. Motif kết hôn có ý nghĩa như bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật mồ côi. Đó có thể là quà tặng mở đầu, mang ý nghĩa tiền đề giúp cho nhân vật tiếp tục có sức mạnh và khả năng chống lại các lực lượng đối lập. Đó cũng là phần quà cuối cùng có giá trị vĩnh viễn cho người mồ côi sau khi đã vượt qua tất cả mọi thử thách của thế lực đối lập. Ở motif kết hôn, đối tượng kết hôn lí tưởng của mồ côi chủ yếu là nàng tiên có 4 truyện, con nhà giàu có 2 truyện. Điều này phản ánh khát vọng về đối tượng hôn nhân lí tưởng của các tác giả dân gian. Ngoài việc kết hôn với mang màu sắc lãng mạn trên, đối tượng kết hôn còn có những cô gái bình thường nhưng xinh đẹp
và khỏe mạnh: 7 truyện. Đó đều là những đối tượng xứng đáng vừa để bù đắp cho số phận thấp kém, chịu nhiều thiệt thòi vừa là phần thưởng ban tặng cho lòng tốt và tài năng của nhân vật mồ côi theo quan niệm của dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong truyện kể dân tộc Tà Ôi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt chúng tôi thấy xuất hiện nhóm truyện nhân vật mồ côi tiêu cực. Các truyện cụ thể là: Abâm và Agăs, Nàng Pâk Tuk, Chuyện hai anh em. Cốt truyện kể về dạng nhân vật mồ côi tiêu cực được kể qua diễn biến các sự kiện cơ bản: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn → chuyển biến thần kì → có vợ đẹp, giàu sang → bị mê hoặc, phụ bạc vợ, trở nên ác độc → mồ côi trở lại nghèo khổ, cô đơn. Kết thúc của nhóm truyện này độc đáo ở chỗ nhân vật mồ côi tiêu cực lại trở về nghèo khổ, cô đơn dù trước đó những biến đổi thần kì cũng xuất hiện như những phần thưởng tất yếu trong cuộc đời nhân vật mồ côi. Đây có thể là những truyện cổ tích xuất hiện muộn khi các tác giả dân gian đã có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống. Có thể khi ấy thực tế trong xã hội bên cạnh những chàng mồ côi đáng thương, đáng khen có cả những anh chàng mồ côi đáng chê không biết quý trọng tình nghĩa.Cũng có thể, các tác giả đã nhận thấy lí tưởng, ước mơ và khả năng đổi đời bằng những phép màu kì diệu là không thực tế và không phải là vĩnh cửu.Đó chỉ là cách giải thoát đời sống nhằm công bằng tâm lí, tinh thần một cách tạm thời. Dù xuất hiện bởi căn nguyên nào, nhóm truyện này cũng là những bài học giáo dục đạo đức được phản ánh lồng trong những chi tiết thần kì, hư ảo.
Trong những truyện kể về nhân vật mồ côi tiêu cực, thử thách lớn nhất của mồ côi chính là thử thách về đạo đức, lòng chung thủy đối với chính bản thân nhân vật. Trong cuộc thử thách này, nhân vật không có lực lượng thần kì trợ giúp, kết cục trở lại với nghèo khổ, cô đơn chính là kết quả tất yếu của những hành vi lệch chuẩn với tiêu chuẩn đạo đức của nhân vật. Ở giai đoạn đầu, yếu tố thần kì xuất hiện và thực hiện chức năng cứu giúp người mồ côi
thông thường. Nhân vật mồ côi thường bị những người con gái khác kém hơn vợ của mình mê hoặc, lừa gạt đã thay lòng đổi dạ. Mặc dù, có vợ và em trai, em vợ hết lòng khuyên nhủ, thậm chí còn cho nhân vật mồ côi thêm cơ hội lần cuối vẫn không làm cho mồ côi tỉnh ngộ. Lực lượng thần kì lúc này thay đổi chức năng vốn có trở thành lực lượng thử thách lòng chung thủy, sự kiên trì, thành thực của mồ côi. Hạnh phúc của mồ côi tuột khỏi tầm tay nhanh và đột ngột như khi nó xuất hiện trong cuộc đời mồ côi. Chi tiết kết thúc truyện: “Khác với gia đình người em sống đầm ấm, hạnh phúc, người anh trở nên kẻ nghiện ngập, hư hỏng, ai cũng xa lánh. Còn người vợ bị anh ta đánh đuổi thì không dám về thăm con, thăm em. Những lúc vắng chồng, chị có vụt chạy về chốc lát cho đỡ nhớ, còn thì phải sống hẩm hút một mình trong rừng, chỉ ăn trái, ăn lá qua ngày và vào mỗi chiều hôm lại cất tiếng kêu than não nuột, oán hờn” [67, tr. 662]. Có thể nói, những truyện kể về dạng nhân vật mồ côi tiêu cực là những ứng tác gắn với sự biến đổi của đời sống dựa trên những cốt truyện kể phổ biến về nhân vật mồ côi truyền thống.