*- Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các cam kết về viễn thông trong Hiệp định thương mại song phương Việt
Nam - Hoa Kỳ (BTA): Từ 10/12/2003, cho phép liên doanh cung cấp dịch vụ
GTGT với số vốn phía Mỹ không quá 50% (riêng Internet từ 10/12/2004); Từ 10/12/2005, cho phép liên doanh cung cấp dịch vụ cơ bản (trừ dịch vụ cố định nội hạt đường dài và quốc tế) với số vốn phía Mỹ không quá 49%; Từ 10/12/2007, cho phép liên doanh cung cấp dịch vụ thoại (gồm dịch vụ cố định nội hạt, đường dài và quốc tế) với số vốn phía Mỹ không quá 49%. Ngoài ra còn có các cam kết về thuế: Cắt giảm 5-10% thuế nhập khẩu đối với các sản
phẩm thu và phát vô tuyến trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực; Các cam kết về biện pháp phi thuế (quyền nhập khẩu và phân phối một số thiết bị viễn thông); Bãi bỏ quy định về quyền nhập khẩu mậu dịch sau 3-8 năm và quyền phân phối sau 8-14 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực; Các cam kết về minh bạch hoá chính sách.
Đàm phán và cam kết dịch vụ viễn thông của Việt Nam trong ASEAN:
Đàm phán dịch vụ trong ASEAN cũng tuân thủ các nguyên tắc của GATS/WTO. Hiện nay Việt Nam đã đưa ra các cam kết về dịch vụ telex, telegraph, thư điện tử, thư thoại, trao đổi dữ liệu điện tử.
Thương mại dịch vụ viễn thông trong APEC: Các cam kết của Việt Nam
về viễn thông tại APEC là thông qua chương trình hành động quốc gia IAP và về cơ bản còn hạn chế ở mức tối thiểu là chế độ đãi ngộ Tối huệ quốc và dựa vào các cam kết của Việt Nam trong ASEAN. Các cam kết trong APEC mang tính tự nguyện và đơn phương, tuy nhiên nguyên tắc rà soát hàng năm và yêu cầu không được đưa ra các hạn chế mới cũng gián tiếp tạo ra áp lực mở cửa thị trường và cải cách viễn thông.
Các nguyên tắc cơ bản khi gia nhập WTO: Bảo vệ cạnh tranh, đảm bảo
tự do gia nhập thị trường; Liên kết các mạng lưới đảm bảo tự do truy nhập vào các mạng lưới và thiết bị thông tin; Phổ cập dịch vụ; Cơ quan điều tiết độc lập; Phân chia công bằng các tài nguyên có hạn; Tự do lựa chọn cơ sở hạ tầng thông tin trên lãnh thổ quốc gia thành viên khác; Cước viễn thông phải được xác định dựa trên các nhân tố thị trường và gần chi phí cung cấp dịch vụ đó.
*- Những thách thức đặt ra
- Thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, sẽ là cơ sở xuất hiện các nhà khai thác mới trong các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, di động, cơ bản dưới các hình thức liên doanh, hợp tác kinh doanh, hoàn toàn vốn đầu tư nước ngoài.
- Cạnh tranh quốc tế diễn ra chủ yếu ở thị trường điện thoại quốc tế, đặc biệt là dịch vụ dựa trên công nghệ IP như VoIP. Các nước phát triển có lưu lượng điện thoại đến Việt Nam lớn, có xu hướng hạ cước thanh toán quốc tế. Bên cạnh đó, các nhà khai thác nước ngoài tiếp tục thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh cung cấp các dịch vụ như thông tin di động, internet và lĩnh vực giá trị gia tăng.
- Khi mới bắt đầu là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam sẽ phải thực hiện các yêu cầu và chuẩn mực áp dụng ở mức cao hơn so với các nước đang phát triển khác là thành viên của WTO, đặc biệtlà các cam kết mở rộng thị trường viễn thông, dịch vụ.
- Sự phát triển nhanh về công nghệ và dịch vụ trên thế giới và khu vực trong điều kiện chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng ngắn sẽ là một áp lực lớn, đặt các doanh nghiệp Viễn thông trước các nguy cơ tụt hậu về công nghệ so với các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước.
- Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường Viễn thông Việt Nam phát triển theo hướng mở cửa mạnh mẽ, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới và cung cấp dịch vụ, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ dưới các hình thức liên kết kinh tế với doanh nghiệp Việt Nam như hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh.
- Chính sách mở cửa và hội nhập tạo điều kiện hình thành các nhà khai thác trong nước như VNPT, Viettel, Saigon Postel, Hanoi Telecom, HT Mobile,… đã và sẽ khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Trong quãng thời gian sắp tới cũng sẽ xuất hiện các Tập đoàn Viễn thông hàng đầu trên thế giới với những ưu thế về vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý và kinh doanh.
*- Tác động của phát triển thương mại điện tử đối với hoạt động kinh doanh Viễn thông, Internet.
Phát triển TMĐT ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN viễn thông, đặc biệt các DN kinh doanh dịch vụ Internet. Với lợi thế về CNTT, các DN viễn thông đã từng bước cung cấp dịch vụ kết nối Internet và đăng ký website cho khách hàng để từ đó chuyển hướng cung cấp thêm cho khách hàng qua mạng các dịch vụ mới đa dạng hơn (quảng cáo, đặt hàng, xử lý các vấn đề về tài chính, quản lý báo cáo bán hàng... ).
Phát triển TMĐT ảnh hưởng đến xu hướng sử dụng các dịch vụ trên Internet. Các ứng dụng trên Internet không còn đơn thuần là thư điện tử, khai thác cơ sở dữ liệu hay truy nhập từ xa mà sẽ phục vụ nền hành chính công điện tử như “chính phủ điện tử”, báo chí điện tử, tài chính, ngân hàng, giáo dục, thương mại, y tế, giải trí trên mạng... Do có những ưu thế vượt trội, đặc biệt là đường dây thuê bao số không đối xứng (ADSL) - công nghệ thông tin băng rộng cho phép truy nhập tốc độ cao nên nhu cầu sử dụng Internet băng rộng (xDSL) đang rất phổ biến. Các ISP sẽ cạnh tranh để tiếp tục mở rộng dịch vụ, đặc biệt tập trung thị trường cung cấp dịch vụ kết nối, hỗ trợ các giao dịch TMĐT,quảng cáo trên mạng.