Để quá trình xác minh thực địa đạt được kết quả cao, đoàn công tác cần chuẩn bị một số nội dung như sau:
- Kế hoạch về thời gian: căn cứ vào nội dung cần xác minh thực địa tại các địa phương trong tỉnh, đoàn công tác phối hợp với cơ quan điều phối của tỉnh đưa ra bản kế hoạch về thời gian tiến hành xác minh thực địa cho từng huyện, xã, chủ rừng (chỉ áp dụng đối huyện, xã, chủ rừng được lựa chọn xác minh hiện trường) và gửi kế hoạch về cho địa phương. Trong một số trường hợp kế hoạch có thể thay đổi, bên lập kế hoạch hoặc phía địa phương cần thông báo kịp thời để có phương án điều chỉnh.
- Về phối hợp thực hiện: trong quá trình xác minh thực địa cần có các bên liên quan tham gia đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả xác minh đồng thời có những hỗ trợ cần thiết để giảm các khó khăn, rủi ro khi thực hiện. Thành phần tham gia bao gồm: đơn vị cấp tỉnh (1-2 người); đơn vị địa phương (1-2 người); đơn vị tư vấn (3-người). Đoàn công tác có sự phân công thực hiện nhiệm vụ cho từng người với các nội dung: người dẫn đường; người ghi phiếu; người phỏng vấn; người chụp ảnh.
- Chuẩn bị công cụ xác minh: in ấn bản đồ xác minh thực địa (1-2 bản đồ/loại); các bản đồ khác như bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ giao thông, bản đồ địa hình (1 chiếc); máy định vị GPS (1-2 chiếc); la bàn cầm tay (1 chiếc); máy ảnh (1 chiếc); 01 thước dây 1,5m và 01 thước dây 30m; thước đo nhanh trữ lượng rừng Bitterlich (2 – 5 chiếc), sổ ghi chép và các dụng cụ hỗ trợ khác.
Quá trình chuẩn bị cho xác minh thực địa đã hoàn tất, đoàn công tác tiến hành xác minh thực địa theo kế hoạch và nội dung đã được thống nhất giữa các bên liên quan. Dưới đây là các kỹ thuật xác minh hiện trường theo các nội dung của chương trình REDD+:
- Kỹ thuật xác minh khu vực mất rừng: đoàn công tác di chuyển đến vị trí được xác định trên bản đồ về nội dung vị trí mất rừng trong quá khứ. Các nguyên nhân về mất rừng trong quá khứ đã được xác định bao gồm: chuyển rừng tự nhiên sang rừng trồng kinh tế; sang đất sản xuất nông nghiệp; sang đất có mục đích phi nông nghiệp; sang trồng cao su; mất rừng do thủy điện….v.v. Đoàn công tác kiểm chứng hiện trạng sử dụng đất tại điểm cần xác minh, kèm theo các thông tin từ các cán bộ địa phương, nhân dân trên địa bàn để ghi vào biểu xác nhận là đúng hay sai và ghi chú các thông tin khác về địa điểm xác minh (có chụp ảnh xác minh).
Hình 8- 2: Xác minh vị trí mất rừng do chuyển sang rừng trồng kinh tế tại khoảnh 4, tiểu khu 245 xã
Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh
(Nguồn: Dự án xây dựng kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Hà Tĩnh, 2015)
- Kỹ thuật xác minh khu vực suy thoái rừng: đoàn công tác di chuyển đến vị trí được xác định là có suy thoái rừng. Các cán bộ trong đoàn sử dụng thước dây, thước Biteclich để xác định nhanh trữ lượng rừng tại điểm cần xác minh. Căn cứ vào kết quả xác định nhanh trữ lượng rừng, xác định tên trạng thái rừng và đối chiếu với kết quả trên bản đồ. Kết quả xác minh được ghi nhận vào biểu và chụp hình minh họa. Ví dụ: kết quả xác định nhanh trữ lượng rừng cho thấy hiện trạng rừng tại điểm xác minh là rừng nghèo. Khi đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng của tỉnh cho thấy có sự phù hợp, đây được xác định là khu vực có sự suy thoái rừng do trước đây rừng có trữ lượng cao hơn (rừng trung bình hoặc rừng giàu). Để kết quả xác minh có kết quả chính xác hơn nên sử dụng phương pháp lập ô tiêu chuẩn 1.000 m2 để điều tra các chỉ tiêu cơ bản (D1.3, Hvn, phẩm chất cây) phục vụ xác định trữ lượng rừng.
- Kỹ thuật xác minh rừng tăng cường diện tích và chất lượng: rừng tăng cường diện tích là những khu vực rừng được phục hồi từ đất trống có cây gỗ tái sinh,
đất nương rẫy. Rừng tăng cường chất lượng là những khu vực rừng có trữ lượng rừng thấp (rừng phục hồi, rừng nghèo) chuyển thành các trạng thái cao hơn (rừng trung bình, rừng giàu). Đoàn công tác di chuyển đến vị trí được xác định là có tăng về diện tích và trữ lượng rừng. Các cán bộ trong đoàn sử dụng thước dây, thước Biteclich để xác định nhanh trữ lượng rừng tại điểm cần xác minh. Căn cứ vào kết quả xác định nhanh trữ lượng rừng, xác định tên trạng thái rừng để đối chiếu với kết quả trên bản đồ. Kết quả xác minh được ghi nhận vào biểu và chụp hình minh họa. Để kết quả xác minh có kết quả chính xác hơn nên sử dụng phương pháp lập ô tiêu chuẩn 1.000 m2 để điều tra các chỉ tiêu cơ bản (D1.3, Hvn, phẩm chất cây) phục vụ xác định trữ lượng rừng.
- Kỹ thuật xác minh phát triển rừng trồng: đây là các khu vực có diện tích rừng trồng mới trên đất trống được quy hoạch cho lâm nghiệp (trừ diện tích rừng trồng mới do chuyển rừng tự nhiên sang). Đoàn công tác di chuyển đến vị trí được xác định là có phát triển rừng trồng trong giai đoạn xem xét. Các cán bộ trong đoàn xác minh loài cây trồng, năm trồng, tình hình sinh trưởng, trữ lượng rừng trồng và ghi nhận vào biểu xác minh kèm theo chụp ảnh.
- Kỹ thuật xác minh tính khả thi thực hiện một số gói giải pháp liên quan đến việc sử dụng đất trong thực tế. Ngoài việc xác minh 4 loại thông tin như ở trên, đoàn công tác xác minh thêm các thông tin khác phục vụ đánh giá tính khả thi của việc thực hiện một số gói giải pháp đã được đề xuất thông qua các hoạt động như: đoàn công tác tham quan các mô hình quản lý bảo vệ rừng, các mô hình quản lý rừng bền vững, các mô hình trồng rừng gỗ lớn, các mô hình làm giàu rừng, các mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung, các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, các mô hình phát triển kinh tế nông lâm kết hợp...Thông qua việc tham quan và đánh giá các mô hình, đoàn công tác có thêm các căn cứ cho việc đề xuất các gói giải pháp có tính thực tiễn có thể triển khai, nhân rộng tại địa phương. Trong quá trình xác minh thực địa, đoàn công tác cũng xác minh, ghi nhận các khó khăn, rào cản cho việc thực hiện một số các gói giải pháp có liên quan đến việc sử dụng đất trên địa bàn.