Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ của bề mặt trái đất, chúng được biểu diễn bằng các đường nét, các ký hiệu, màu sắc.v.v.. theo một tỷ lệ và hệ quy chiếu nhất định. Trên thực tế, bề mặt trái đất có rất nhiều đối tượng có tính chất, quy mô và tính ổn định khác nhau. Vì vậy, chúng ta không thể đưa tất cả vào trong một tờ bản đồ khi biểu diễn bề mặt trái đất. Để khắc phục tình trạng này, người ta phân chia bề mặt trái đất thành các thành phần khác nhau để trình bày trên bản đồ theo mục đích nhất định, chẳng hạn như bản đồ độ cao, bản đồ hệ thống sông suối, bản đồ giao thông, bản đồ các khu dân cư, bản đồ che phủ lớp thảm thực vật… Như vậy, trái đất được biểu diễn một cách trực quan hơn và chuyển tải đầy đủ thông tin theo nhu cầu sử dụng của con người. Những bản đồ như vậy được gọi là bản đồ chuyên đề.
Vậy, bản đồ chuyên đề là bản đồ chỉ thể hiện chi tiết và đầy đủ một số yếu tố của bản đồ địa lý tổng thể. Bản đồ chuyên đề dùng để mô tả các hiện tượng tự nhiên và xã hội như: lượng mưa, độ ẩm không khí, mật độ dân cư, hiện trạng rừng, trữ lượng carbon, ranh giới hành chính, tỷ lệ đói nghèo, giao thông, sông suối, mỏ khoáng sản v.v.. Bản đồ chuyên đề không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực bản đồ học hay địa lý học mà nó còn được sử dụng như là một công cụ để quản lý, lập quy hoạch, ra quyết định… ở các cơ quan quản lý cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh.