Nguyên tắc thiết kế bản đồ chuyên đề

Một phần của tài liệu ổ tay phân tích không gian trong lập kế hoạch hành động redd+ cấp tỉnh (Trang 45 - 46)

Bản đồ chuyên đề được trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu và đầy đủ thông tin. Do đó, khi thiết kế các bản đồ chuyên đề cần chú ý các nguyên tắc cơ bản sau:

- Mục đích: Thông tin cần truyền đạt là gì? Người xây dựng bản đồ cần hiểu rõ nội dung cần trình bày trên bản đồ để người khác có thể hiểu được khi xem chúng mà không cần đến sự giải thích của người làm ra bản đồ đó.

- Đơn giản: Trong một bản đồ chỉ cần đưa vào lớp thông tin chính cần mô tả và một số thông tin khác nhằm làm tăng thêm tính trực quan, dễ nhận biết các nội dung chính, những thông tin không có giá trị tham khảo đối với nội dung chính của bản đồ thì tốt nhất không nên đưa vào. Không nên đưa quá nhiều thông tin vào một bản đồ nhằm tránh hiện tượng rối thông tin, gây hiểu nhầm và làm mờ nhạt nội dung chính mà chúng ta cần truyền đạt.

- Gây sự tập trung của người dùng: Hướng người sử dụng tập trung vào nội dung chính của bản đồ.

- Biết rõ đối tượng sử dụng: Cần quan tâm đến người sử dụng bản đồ là những ai, họ làm việc ở đâu và trình độ của họ ở mức độ nào. Mỗi đối tượng sử dụng khác nhau sẽ có cách trình bày bản đồ khác nhau nhằm mục tiêu truyền đạt thông điệp của bản đồ đến đối tượng đó một cách chính xác.

- Độc lập: Bản đồ có thể được sử dụng một cách độc lập mà không cần đến bất kỳ tài liệu nào kèm theo như bảng biểu, danh sách, hay văn bản.

- Phương tiện: Việc lựa chọn phương tiện truyền đạt rất quan trọng vì nó sẽ góp phần quyết định vào cách trình bày bản đồ chuyên đề. Có các phương tiện thể hiện như in trên giấy, hiển thị trên màn hình máy tính (bản đồ số). Với bản đồ in trên giấy thì chúng ta cần quan tâm đến kích thước tờ bản đồ, từ đó xác định tỷ lệ bản đồ và các thông tin có thể in được trên bản đồ. Đối với bản đồ số, tỷ lệ bản đồ rất linh hoạt và có thể biểu diễn nhiều thông tin hơn so với bản đồ in trên giấy. Việc lựa chọn phương tiện cũng cần căn cứ vào đối tượng sử dụng như đã nói ở trên. - Dữ liệu rõ ràng: Trong bản đồ chuyên đề cần có dòng thông báo cho người sử

dụng biết rõ nguồn gốc và tính chất của dữ liệu. Trong trường hợp kế thừa dữ liệu từ đơn vị khác thì cần ghi nhận đóng góp của họ trên bản đồ. Ví dụ: “Bản đồ

được xây dựng từ ảnh vệ tinh SPOT-5 trên nền bản đồ địa chính của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh”. Dòng thông báo này cho biết lớp hiện trạng rừng trong bản đồ được

thành lập từ ảnh vệ tinh SPOT-5 và các lớp thông tin địa chính như: ranh giới hành chính, nền địa hình, giao thông, sông suối, địa danh..v.v. được kế thừa từ bản đồ địa chính của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh.

- Màu sắc: Màu sắc là cách thức mô tả nội dung bản đồ một cách hiệu quả, tuy nhiên cần sử dụng màu sắc một cách linh hoạt, khéo léo và cần có nghệ thuật phối hợp giữa các màu với nhau để làm cho bản đồ vừa có tính thẩm mỹ cao lại vừa thể hiện được nội dung mong muốn. Kinh nghiệm cho thấy, nên sử dụng các gam màu sáng để làm giảm sự bão hòa màu, trong một số trường hợp, cũng nên sử dụng các gam màu ấm để làm nổi bật nội dung cần mô tả.

- Đường nét: Đường nét trong bản đồ cũng quan trọng, nó thể hiện ranh giới hành chính, các khu vực hay các đối tượng dạng đường như giao thông, sông suối, đường đồng mức… mỗi đối tượng dạng đường trên bản đồ sẽ được thể hiện theo một kiểu khác nhau về kiểu đường (kiểu liền nét, đứt nét…) lực nét và màu sắc. Trong nhiều trường hợp, các đối tượng dạng đường có thể trùng nhau, chẳng hạn lấy đường giao thông làm ranh giới xã…, thì cần phải sắp xếp thứ tự hiển thị trên bản đồ một cách hợp lý, đảm bảo sự thanh thoát nhưng không làm mất đi ý nghĩa của nó.

- Vị trí: Cần quan tâm đến việc định vị của bản đồ bằng cách ghi tên các địa danh của các vùng lân cận. Các địa danh này có thể là tên nước, tên tỉnh, tên huyện, tên xã hoặc tên sông, tên vùng biển v.v... tùy theo quy mô của bản đồ. Việc định vị bản đồ nhằm giúp cho người dùng có thể xác định được vị trí tương đối của các đối tượng được mô tả trên bản đồ.

- Rà soát: Sau khi thiết kế xong, bản đồ cần được gửi đi (có thể cho người sử dụng hoặc chuyên gia có kinh nghiệm hoặc người kiểm soát) để rà soát, phát hiện các lỗi trên bản đồ và yêu cầu chỉnh sửa.

Một phần của tài liệu ổ tay phân tích không gian trong lập kế hoạch hành động redd+ cấp tỉnh (Trang 45 - 46)