5.1.4.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Nếu không có một phân tích tỷ mỉ về các nguyên nhân và sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng nhất, thì năng lực đạt được các kết quả hữu hình REDD+ và tiếp
cận các khoản chi trả dựa vào kết quả sẽ bị tác động xấu. Trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động REDD+ ngoài xác định các biện pháp can thiệp cho các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng thì cần phải xác định các biện pháp cho các hoạt động “+”. Để xác định được các biện pháp can thiệp cho các hoạt động “+” trong REDD+ cần phải phân tích các rào cản đối với việc tăng cường trữ lượng carbon rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng và quản lý rừng bền vững. Những lực cản trong việc thực hiện các hoạt động “+” cũng giống như các rào cản trong đầu tư vào quản lý rừng bền vững và giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng, ví dụ như các ưu đãi tài chính.
Những rào cản tiềm năng (và có một số điểm tương đồng với các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng) có thể bao gồm:
- Các quyền sử dụng đất, rừng không được xác định một cách rõ ràng; - Yếu kém trong thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng;
- Chính sách công không nhất quán, không phù hợp và những thay đổi tùy tiện trong chính sách;
- Thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng;
- Thiếu hoặc yếu kém trong phối hợp liên ngành, thiếu chia sẻ thông tin và thiếu mong muốn cộng tác giữa các bộ ngành có thẩm quyền;
- Sự phức tạp về xã hội và truyền thống (ví dụ như không mong muốn thay đổi sử dụng đất hoặc di dân đi nơi khác dẫn đến tình trạng thiếu lao động).
5.1.4.2. RÀO CẢN TRONG THỰC THI CÁC HOẠT ĐỘNG “+” TRONG REDD+ Ở VIỆT NAM
Thứ nhất, tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái
phép còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương; năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp.
Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh vùng Tây Nguyên; một số điểm nóng về phá rừng tự nhiên nghiêm trọng, kéo dài, chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong xã hội. Độ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm. Sản phẩm rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, giá trị thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản về nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhất là trước yêu cầu truy xuất xuất xứ nguyên liệu theo các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha rừng trồng mới đạt khoảng 9-10 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân miền núi.
Thứ hai, quản trị doanh nghiệp, công nghệ chế biến; chất lượng sản phẩm và khả
năng cạnh tranh chưa cao sẽ là những rào cản trong phát triển rừng đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn.
Quy mô sản xuất phổ biến còn nhỏ, kết cấu hạ tầng yếu kém; quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lạc hậu. Năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam chỉ bằng 50% so với Philipin, 40% so với Trung Quốc; chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém cạnh tranh. Công nghiệp phụ trợ, vật tư phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp gần như bỏ ngỏ, phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thứ ba, ngành lâm nghiệp có giá trị gia tăng thấp; tăng trưởng chưa tương xứng với
tiềm năng.
Trình độ tay nghề lao động lâm nghiệp thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, rừng trồng chưa được đầu tư đúng mức (giống, phân bón, kỹ thuật) nên năng suất và chất lượng thấp. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập; công nghệ sinh học và công tác tạo giống chưa được ứng dụng trên quy mô rộng.
Thứ tư, các công ty lâm nghiệp đang hết sức khó khăn, nhiều đơn vị đứng trước nguy
cơ phá sản.
Các lâm trường quốc doanh trước đây, sau khi chuyển thành công ty lâm nghiệp quản lý trên 2 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng sử dụng kém hiệu quả, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến phức tạp. Việc triển khai thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp mới bước đầu lập đề án, chưa tạo được sự chuyển biến trên thực tiễn.
Như vậy, rào cản trong nâng cao diện tích và chất lượng rừng là bất kỳ biện pháp hay hành động nào gây cản trở đối với các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Một số ví dụ về rào cản:
- Rào cản trong nâng cao chất lượng rừng tự nhiên: + Mức khoán bảo vệ rừng thấp.
+ Biện pháp kỹ thuật trong làm giàu rừng/phục hồi rừng tự nhiên chưa cụ thể đối với từng vùng sinh thái.
- Rào cản trong phát triển rừng trồng: + Giống không chất lượng.
+ Thiếu vốn đầu tư.