a) Bác bỏ nguyên lý phân đôi cổ điển và sự trung lập của tiền tệ ở tầm ngắn hạn của lý thuyết cổ điển
Mô hình tổng cung – tổng cầu được xây dựng theo quan điểm của lý thuyết Keynes để giải thích các biến động kinh tế ngắn hạn, tập trung vào hành vi của hai biến số. Biến thứ nhất là sản lượng hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế tính bằng GDP thực tế. Biến thứ hai là mức giá chung tính bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số điều chỉnh GDP (Deflator of GDP). Rõ ràng sản lượng là biến thực tế trong khi mức giá là biến danh nghĩa, nên khi nghiên cứu mối quan hệ ngắn hạn giữa Sản lượng và Mặt bằng giá, chúng ta đã thừa nhận không có sự phân đôi cổ điển và sự trung lập của tiền tệ ở tầm ngắn hạn. Đây là cơ sở khoa học của lý thuyết Keynes.
Hình 4.15. Tổng cầu và tổng cung
Các nhà kinh tế sử dụng mô hình tổng cầu và tổng cung để phân tích các biến động của cả nền kinh tế với tư cách một tổng thể. Mô hình tổng cầu và tổng cung được minh họa trong hình 2. Trên trục tung là mức giá chung trong nền kinh tế. Trên trục hoành là tổng sản lượng hàng hoá và dịch vụ được nền kinh tế sản xuất ra. Đường tổng cầu cho biết lượng hàng hoá và dịch vụ mà các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ muốn mua tại mỗi mức giá. Đường tổng cung cho biết lượng hàng hoá và dịch vụ mà các doanh nghiệp muốn bán ra tại mỗi mức giá. Theo mô hình này, mức giá và sản lượng điều chỉnh để cân bằng tổng cầu và tổng cung.
b) Khác nhau giữa Mô hình tổng cầu – tổng cung và Mô hình cân bằng cầu – cung trong kinh tế vi mô:
Chúng ta có thể muốn coi mô hình này là hình ảnh phóng to của mô hình cung và cầu đối với từng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường đã được đề cập trong kinh tế học vi mô. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này khác hẳn. Khi chúng ta xem xét cung và cầu trên một thị trường cụ thể, chẳng hạn thị trường kem, hành vi của người mua và bán phụ thuộc vào khả năng di chuyển nguồn lực từ thị trường này qua thị trường khác. Khi giá kem tăng lên, lượng cầu giảm đi vì người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm khác. Tương tự như vậy, khi giá kem tăng, lượng cung tăng do các nhà sản xuất có thể tăng sản lượng bằng cách thuê thêm lao động từ các bộ phận khác của nền kinh tế.
66
Như vậy, trong mô hình cung - cầu vi mô cân bằng trên 1 thị trường cụ thể, hành vi của người bán và người mua thể hiện bằng việc di chuyển nguồn lực từ thị trường này sang thị trường khác, từ sản phẩm có nhu cầu thấp (giá giảm) sang sản phẩm có nhu cầu cao (giá tăng), chỉ tạo ra hiện tượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chứ không làm thay đổi tổng thể nền kinh tế vì tất cả các thị trường này đều nằm trong tổng thể kinh tế vĩ mô.
Sự thay thế mang tính kinh tế vi mô từ thị trường này sang thị trường kia không có ý nghĩa khi chúng ta phân tích cho cả nền kinh tế vĩ mô. Xét cho cùng, lượng hàng mà mô hình của chúng ta tìm cách lý giải - GDP thực tế - phản ánh tổng lượng hàng hoá sản xuất trên tất cả các thị trường. Cũng như kinh tế vi mô, có luật cung, luật cầu trong kinh tế vĩ mô: Đường tổng cầu dốc xuống và đường tổng cung dốc lên.
Để hiểu tại sao đường tổng cầu dốc xuống và đường tổng cung dốc lên, chúng ta cần có lý giải của lý thuyết kinh tế vĩ mô làm cơ sở khoa học. Nhiệm vụ tiếp theo của chúng ta là xây dựng một lý thuyết như vậy.