Đường tổng cung dài hạn thẳng đứng và sự chuyển dịch của đường tổng cung

Một phần của tài liệu Bài giảng Kinh tế vĩ mô (Trang 77 - 81)

hạn

Đường tổng cung cho biết tổng lượng hàng hoá và dịch vụ mà các doanh nghiệp sản xuất ra và muốn bán tại mỗi mức giá cho trước bất kỳ. Không giống như đường tổng cầu lúc nào cũng dốc xuống, đường tổng cung phụ thuộc vào khoảng thời gian nghiên cứu. Trong dài hạn, đường tổng cung thẳng đứng, tức là tổng cung dài hạn độc lập với mức giá. Trái lại, trong ngắn hạn, đường tổng cung dốc lên, tức là tổng cung ngắn hạn có quan hệ đồng biến với mức giá. Để giải thích tại sao có những biến động kinh tế ngắn hạn và nền kinh tế trong ngắn hạn thường chệch ra khỏi vị trí dài hạn, chúng ta cần nghiên cứu cả hai trường hợp đường tổng cung dài hạn và đường tổng cung ngắn hạn.

a) Đường tổng cung thẳng đứng trong dài hạn

(i) Lý thuyết kinh tế vĩ mô cổ điển dựa trên giả định cho rằng các biến thực tế không phụ thuộc vào các biến danh nghĩa. Cụ thể, theo lý thuyết tăng trưởng kinh tế cổ điển, sản lượng hàng hoá và dịch vụ của một nền kinh tế (GDP thực tế của nó) phụ thuộc vào 3 nhân tố chính gồm nguồn cung về lao động, tư bản, tài nguyên thiên nhiên dùng để chuyển các yếu tố sản suất này thành các hàng hoá và dịch vụ. Đường tổng cung thẳng đứng phù hợp với tư tưởng này, vì nó hàm ý rằng sản lượng (biến thực tế) không phụ thuộc vào mức giá (biến danh nghĩa). Theo quan điểm cổ điển thì đường tổng cung thẳng đứng đúng cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn

Trong thập niên 1950, lý thuyết tân cổ điển với mô hình Solow đã bổ sung thêm nhân tố có tính chất quyết định tạo ra tăng trưởng dài hạn là tiến bộ công nghệ. Tiếp theo trong những thập kỷ 1970-1980 của thế kỷ trước, các nhà kinh tế tân cổ điển lại bổ sung nhân tố trình độ

71

quản lý để kết hợp với tiến bộ công nghệ, khẳng định ở đâu có những nhà quản trị, quản lý tốt, thì ở đó tăng trưởng kinh tế nhanh. Đặc biệt, từ giữa thập niên 1990, với sự hình thành Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vai trò của hợp tác và phân công lao động quốc tế nổi lên như là nhân tố tăng trưởng thứ 5 tạo ra sự giàu có của các quốc gia.

(ii) Do mức giá không ảnh hưởng đến các yếu tố quyết định GDP thực tế trong dài hạn, nên đường tổng cung dài hạn thẳng đứng như trong hình 4. Nói cách khác, trong dài hạn, các nguồn lực như lao động, tư bản, tài nguyên thiên nhiên, tiến bộ công nghệ và trình độ quản lý, và tham gia hợp tác và phân công lao động quốc tế quyết định tổng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ, trong khi giá cả không có bất kỳ ảnh hưởng gì tới tổng cung dài hạn, tức là tổng cung dài hạn vẫn sẽ giữ nguyên bất kể mức giá thay đổi ra sao. Về thực chất, tổng cung thẳng đứng là thể hiện của nguyên tắc phân đôi cổ điển và tính trung lập của tiền.

Hình 4.16: Đường tổng cung dài hạn thẳng đứng

Tuy nhiên những phát triển lý thuyết từ sau khi học thuyết kinh tế của Keynes ra đời năm 1936 càng ngày càng cho thấy nguyên lý phân đôi cổ điển và tính trung lập của tiền chỉ đúng khi nghiên cứu nền kinh tế trong thời kỳ dài nhiều năm và nó không còn đúng nếu nghiên cứu sự thay đổi từ năm này qua năm khác. Do vậy, ngày nay các nhà kinh tế đều đồng ý đường tổng cung chỉ thẳng đứng trong dài hạn.

Đến đây lại xuất hiện câu hỏi tại sao đường cung về các mặt hàng cụ thể có thể dốc lên nếu đường tổng cung dài hạn thẳng đứng. Lý do là cung về hàng hoá và dịch vụ phụ thuộc vào giá tương đối - tức giá của hàng hoá và dịch vụ đó so với các giá khác trong nền kinh tế. Ví dụ khi giá kem tăng lên, các nhà sản xuất kem sẽ tăng sản lượng và lấy đi lao động, sữa, sô cô la và các đầu vào khác từ sản xuất các sản phẩm khác, chẳng hạn sữa chua. Trái lại, tổng sản lượng của cả nền kinh tế bị giới hạn bởi lao động, tư bản, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Do đó, nếu giá cả của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế cùng tăng lên thì tổng lượng cung về hàng hóa và dịch vụ sẽ không thay đổi .

72

(iii) Câu hỏi tiếp theo là tại sao đường tổng cung dài hạn có thể dịch chuyển và những nhân tố nào có thể làm nó dịch chuyển ? Vị trí của đường tổng cung dài hạn cho biết lượng hàng hoá và dịch vụ được lý thuyết kinh tế vĩ mô cổ điển dự báo. Mức sản lượng này thường được gọi là sản lượng tiềm năng hay sản lượng toàn dụng. Nói chính xác hơn, ta gọi đó là mức sản lượng tự nhiên vì nó cho biết nền kinh tế sản xuất ra bao nhiêu khi thất nghiệp ở mức tự nhiên hay bình thường. Mức sản lượng tự nhiên là mức sản lượng mà nền kinh tế hướng tới trong dài hạn.

Bất kỳ một thay đổi nào trong nền kinh tế mà làm thay đổi mức sản lượng tự nhiên cũng làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn. Do sản lượng trong mô hình cổ điển phụ thuộc vào lao động, tư bản, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ, nên chúng ta có thể phân loại những dịch chuyển của đường tổng cung dài hạn theo các nguồn gốc này. Những thay đổi phát sinh từ lao động. Hãy tưởng tượng ra rằng nền kinh tế có sự gia tăng làn sóng nhập cư từ nước ngoài. Do có nhiều lao động hơn, lượng cung về hàng hoá và dịch vụ tăng lên. Kết quả là, đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải. Ngược lại, nếu nhiều công nhân rời bỏ nền kinh tế để ra nước ngoài, đường tổng cung sẽ dịch chuyển sang trái.

Vị trí của đường tổng cung dài hạn còn phụ thuộc vào tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, nên bất kỳ sự thay đổi nào trong tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên này cũng dịch chuyển đường tổng cung dài hạn. Ví dụ nếu Quốc hội cần phải tăng đáng kể mức lương tối thiểu lên, tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên sẽ tăng và nền kinh tế sẽ sản xuất ra một lượng hàng hoá và dịch vụ nhỏ hơn. Kết quả là đường tổng cung dài hạn sẽ dịch chuyển sang bên trái. Ngược lại, nếu cải cách trong hệ thống bảo hiểm thất nghiệp khuyến khích người thất nghiệp nỗ lực tìm việc làm hơn, tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên sẽ giảm, và đường tổng cung dài hạn sẽ dịch chuyển sang phải. Những thay đổi phát sinh từ tư bản. Sự gia tăng khối lượng tư bản trong nền kinh tế làm tăng năng suất, và do đó làm tăng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ. Kết quả là đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang phải. Ngược lại, sự suy giảm trong khối lượng tư bản làm giảm năng suất, giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ, làm cho đường tổng cung dài hạn dịch sang trái.

Cần chú ý rằng lô gích trên áp dụng cho cả trường hợp tư bản hiện vật và vốn nhân lực. Sự gia tăng khối lượng máy móc hay số người tốt nghiệp đại học đều nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Do vậy, chúng đều làm cho đường tổng cung dài hạn dịch sang phải. Những thay đổi phát sinh từ tài nguyên thiên nhiên. Nền sản xuất của một quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của nó bao gồm đất đai, khoáng sản và thời tiết. Việc khám phá ra một mỏ khoáng sản có thể làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn sang bên phải. Sự thay đổi thời tiết có thể làm cho hoạt động canh tác khó khăn hơn và đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang trái.

(iv) Ở nhiều nước, những tài nguyên thiên nhiên quan trọng được nhập từ các nước khác. Sự thay đổi trong nguồn tài nguyên thiên nhiên này cũng làm dịch chuyển đường tổng cung. Như chúng ta sẽ thảo luận ở phần sau của chương này, các biến cố trên thị trường dầu khí thế giới là một tác nhân quan trọng làm dịch chuyển đường tổng cung. Những thay đổi phát sinh từ tri thức công nghệ. Có lẽ lý do quan trọng nhất để hiện nay chúng ta sản xuất ra nhiều hàng hoá

73

và dịch vụ hơn thế hệ trước là sự tiến bộ trong tri thức công nghệ. Việc phát minh ra máy tính đã giúp chúng ta sản xuất ra nhiều hàng hoá và dịchvụ hơn với lượng lao động, tư bản và tài nguyên thiên nhiên như cũ. Kết quả là đường tổng cung dịch chuyển sang phải.

Tuy nhiên, còn có nhiều những biến cố khác có ảnh hưởng giống như thay đổi công nghệ tổng cung sang phải. Ngược lại, nếu chính phủ thông qua một số quy định hạn chế doanh nghiệp sử dụng một phương pháp sản xuất nào đó, có thể vì chúng quá nguy hiểm đối với công nhân, thì đường tổng cung sẽ dịch chuyển sang trái.

Tóm lại, đường tổng cung dài hạn phản ánh mô hình cổ điển về nền kinh tế đã phát triển trong các bài trước. Cụ thể, là nguyên lý phân đôi cổ điển và sự trung lập của tiền tệ. Cả hai đều có nghĩa là về dài hạn, tổng cung chỉ phụ thuộc vào các biến thực, không phụ thuộc vào các biến danh nghĩa như giá cả, tiền tệ, lãi suất danh nghĩa…

Bất cứ chính sách hay biến cố nào làm tăng GDP thực tế trong các bài trước, thì giờ đây đều có thể coi là làm tăng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ và đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang phải. Bất cứ chính sách hay biến cố nào làm giảm GDP thực tế được đề cập trong các bài trước đều có thể được coi là làm giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ và làm cho đường tổng cung về hàng hoá và dịch vụ dịch chuyển sang trái.

(v) Một cách mới để mô tả tăng trưởng dài hạn và lạm phát

Sau khi đã giới thiệu đường tổng cầu và tổng cung dài hạn của nền kinh tế, bây giờ chúng ta có một cách mới để mô tả xu thế dài hạn của nền kinh tế. Hình 5 mô tả những thay đổi đối với nền kinh tế qua các những năm. Cần chú ý rằng cả hai đường đều dịch chuyển. Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế trong dài hạn, và về nguyên tắc có thể đã gây ra những sự dịch chuyển đó, nhưng hai yếu tố quan trọng nhất trong thực tế vẫn là công nghệ và chính sách tiền tệ. Tiến bộ công nghệ nâng cao khả năng sản xuất hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế và điều này làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang phải. Cùng lúc đó do Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng cung ứng tiền tệ, nên đường tổng cầu cũng dịch sang phải. Như hình này cho thấy, kết quả là sự tăng trưởng theo xu thế của sản lượng (biểu thị bằng sự gia tăng của Y) và lạm phát liên tục (biểu thị bằng sự gia tăng của P). Đây là một cách khác để biểu thị sự phân tích cổ điển về tăng trưởng và lạm phát.

74

Hình 4.17: Quan hệ giữa tổng cung dài hạn và lạm phát

Tuy nhiên, mục tiêu phát triển đường tổng cầu và tổng cung không phải là để khoác chiếc áo mới cho những kết luận dài hạn. Thay vào đó, nó cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ để phân tích ngắn hạn như sẽ thấy ngay sau đây. Khi xây dựng mô hình ngắn hạn, chúng ta giữ cho phân tích đơn giản bằng cách không xem xét sự tăng trưởng và lạm phát liên tục trong hình 5. Tuy nhiên luôn nhớ rằng, các xu thế dài hạn tạo ra nền tảng cho các biến động ngắn hạn. Biến động ngắn hạn trong sản lượng và mức giá nên được coi là những sai lệch so với xu thế dài hạn diễn ra liên tục

Một phần của tài liệu Bài giảng Kinh tế vĩ mô (Trang 77 - 81)