a) Đường tổng cầu dốc xuống
Đường tổng cầu cho biết tổng lượng cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế tại mỗi mức giá bất kỳ cho trước. Hình 4.16 cho thấy đường tổng cầu dốc xuống. Điều này có nghĩa là nếu
những nhân tố khác ảnh hưởng tới tổng cầu không thay đổi, chỉ có giá thay đổi; khi đó sự giảm sút mức giá chung của nền kinh tế, ví dụ từ P1 xuống P2, có xu hướng làm cho lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ tăng lên, chẳng hạn từ Y1 lên Y2. Vậy tại sao đường tổng cầu dốc xuống ?
Hình 4.16: Đường tổng cầu dốc xuống
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhớ lại rằng GDP thực tế (Y) bằng tổng của tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (NX):
67
Y = C + I + G + NX
Các thành tố này đều đóng góp vào tổng cầu về hàng hoá và dịch vụ. Tiếp theo, chúng ta giả định hợp lý rằng, chi tiêu của chính phủ được cố định bởi chính sách, tức là theo quyết định tùy ý của chính phủ. Khi đó, ba thành tố còn lại của tổng cầu gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng đều phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, cụ thể là mức giá chung. Bởi vậy, để hiểu tại sao đường tổng cầu dốc xuống, chúng ta phải xem mức giá ảnh hưởng đến lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ cho tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng như thế nào.
(i) Quan hệ giữa mức giá và tiêu dùng hay là Hiệu ứng của cải
Người tiêu dùng luôn luôn sở hữu tiền. Giá trị danh nghĩa của những khoản tiền này cố định song giá trị thực hay sức mua của chúng thì không. Khi mức giá giảm, những số tiền này có giá hơn vì chúng có thể mua được nhiều hàng hoá hơn. Như vậy, sự giảm sút mức giá làm cho người tiêu dùng cảm thấy mình có nhiều của cải hơn và điều này khuyến khích họ mua sắm hay tiêu dùng nhiều hơn. Chi cho tiêu dùng tăng lên có nghĩa là lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ lớn hơn.
Như vậy, giá giảm làm tăng tiêu dùng, thành phần thứ nhất của tổng cầu, qua đó làm tổng cầu và sản xuất tăng lên. Quan hệ giữa mức giá và tiêu dùng trong trường hợp này được gọi là Hiệu ứng của cải.
(ii) Quan hệ giữa mức giá và đầu tư: Hiệu ứng lãi suất.
Theo lý thuyết ưa thích thanh khoản của Keynes (xem trong bài tiền tệ), mức giá là một trong những yếu tố quyết định của lượng cầu về tiền. Khi mức giá thấp hơn, người dân sẽ cần ít tiền hơn cho việc mua hàng hoá và dịch vụ. Như vậy khi mức giá giảm, các hộ gia đình sẽ giảm lượng tiền nắm giữ bằng. Số tiền dư thừa sẽ được người dân đem cho vay dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, một hộ gia đình nào đó có thể dùng số tiền dôi ra của mình để mua trái phiếu có lãi. Hoặc họ có thể gửi vào tài khoản tiết kiệm và ngân hàng lại dùng khoản tiền này để cho vay. Trong những trường hợp như thế này, do các hộ gia đình chuyển một phần số tiền nắm giữ thành các tài sản sinh lãi, họ sẽ làm cho lãi suất giảm xuống. Lãi suất giảm đến lượt nó lại kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào nhà xưởng và thiết bị mới hoặc các hộ gia đình mua nhà ở mới. Do vậy, mức giá thấp hơn làm giảm lãi suất, khuyến khích chi tiêu mua hàng đầu tư và qua đó làm tăng lượng cầuvề hàng hóa và dịch vụ.
Như vậy, giá giảm làm lãi suất giảm xuống và đầu tư (thành phần thứ hai của tổng cầu)
tăng lên, qua đó làm tổng cầu và sản xuất tăng lên. Quan hệ giữa mức giá và đầu tư trong trường hợp này được gọi là Hiệu ứng lãi suất.
(iii) Quan hệ giữa mức giá và xuất khẩu ròng: Hiệu ứng TGHĐ.
Như chúng ta đã học về thị trường tài chính quốc tế trong bài tỷ giá, đối với các nền kinh tế mở có tự do lưu chuyển vốn quốc tế, lãi suất của những khoản đầu tư có độ rủi ro như nhau thì phải bằng nhau. Nếu có chênh lệch lãi suất, lập tức sẽ có hiện tượng di chuyển vốn từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao.
68
Giả sử VN là nền kinh tế có tự do lưu chuyển vốn quốc tế. Nếu mức giá ở VN thấp hơn ở Mỹ, theo theo quy tắc Fischer (i = r + π), lãi suất ở VN sẽ phải thấp hơn lãi suất ở Mỹ. Điều này làm cho một số nhà đầu tư VN muốn chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để có lãi suất cao hơn. Ví dụ, khi lãi suất trái phiếu chính phủ VN giảm (do giá giảm), một quỹ hỗ tương bán trái phiếu chính phủ VN để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Khi quỹ hỗ tương chuyển tài sản ra nước ngoài, nó làm tăng cung về tiền Việt và tăng cầu về đô la trên thị trường ngoại tệ. Sự tăng cung về tiền Việt sẽ làm cho VN đồng giảm giá so với các đồng tiền khác. Vì một đồng tiền Việt giờ đây mua được ít đơn vị ngoại tệ hơn, hàng hoá nước ngoài trở nên đắt hơn hàng hoá và dịch vụ ở VN. Sự thay đổi này trong TGHĐ thực tế (giá tương đối của hàng nội so với hàng ngoại) làm tăng xuất khẩu và làm giảm nhập khẩu. Xuất khẩu ròng (bằng xuất khẩu trừ nhập khẩu) sẽ tăng lên. Tỷ giá thực tế giảm, dẫn đến xuất khẩu ròng tăng và qua đó làm tăng lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ.
Như vậy, giá giảm làm nội tệ mất giá so với ngoại, qua đó làm tăng xuất khẩu và làm giảm nhập khẩu, từ đó làm xuất khẩu ròng (thành phần thứ ba của tổng cầu) tăng lên; kết quả
là tổng cầu và sản xuất tăng lên. Quan hệ giữa mức giá và xuất khẩu ròng trong trường hợp này được gọi là Hiệu ứng TGHĐ.
Tóm lại, có ba lý do lý giải tại sao khi mức giá giảm, lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ tăng: (1) Người tiêu dùng cảm thấy mình có nhiều tài sản hơn nên tăng cầu về hàng tiêu dùng. (2) Lãi suất giảm và điều này kích thích cầu về hàng hoá đầu tư. (3) TGHĐ thực tế giảm, kích thích nhu cầu về xuất khẩu ròng. Vì cả ba lý do này mà đường tổng cầu dốc xuống. Điều quan trọng là cần nhớ rằng, đường tổng cầu cũng giống như các đường cầu khác được xác định khi giữ cho “các yếu tố khác không đổi”. Đặc biệt, cả ba cách lý giải của chúng ta về đường tổng cầu dốc xuống đều giả định rằng cung ứng tiền tệ không thay đổi. Nghĩa là chúng ta đang xét xem sự thay đổi của mức giá ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ trong khi giữ cho lượng tiền trong nền kinh tế không thay đổi. Như chúng ta sẽ thấy, sự thay đổi trong lượng tiền sẽ làm dịch chuyển đường tổng cầu. Hiện tại hãy nhớ rằng đường tổng cầu được vẽ cho một lượng tiền nhất định.
Lưu ý các giả thiết: Khi xây dựng đường cầu nói trên, chúng ta chỉ quan tâm tới quan hệ giữa tổng cầu và mức giá, trong khi trên thực tế, ngoài mức giá, tổng cầu còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác. Do đó, để quan hệ trên tồn tại và ổn định, cần phải có những giả thiết nhất định. Hai giả thiết thường được nói tới đầu tiên là
- Các nhân tố khác ảnh hưởng tới tổng cầu không đổi. - Tổng cung tiền tệ không đổi.
Nếu hai điều kiện trên không được đảm bảo, sẽ có hiện tượng dịch chuyển đường cầu.
Lưu ý các kết luận:
- Không nên coi 3 hiệu ứng trên là các lý thuyết kinh tế khác nhau
- Chúng xuất hiện đồng thời mỗi khi giá biến động để làm tăng tổng cầu khi mức giá giảm và ngược lại.
69
b) Sự chuyển dịch của đường tổng cầu
Tại sao đường tổng cầu có thể dịch chuyển ? Sự dốc xuống của đường tổng cầu cho biết rằng sự suy giảm mức giá làm tăng lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ và ngược lại. Tuy nhiên, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến lượng cầu về hàng hóa và dịch vụ tại một mức giá cho trước. Khi một trong những yếu tố này thay đổi, đường tổng cầu sẽ dịch chuyển. Chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ về những biến cố làm dịch chuyển đường tổng cầu. Chúng ta có thể phân loại chúng theo thành tố chi tiêu trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất.
(i) Sự dịch chuyển phát sinh từ tiêu dùng.
Giả sử người Việt đột nhiên trở nên quan tâm nhiều hơn đến tiết kiệm cho khi nghỉ hưu, và kết quả là họ giảm mức chi tiêu hiện tại. Do lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ tại mỗi mức giá thấp hơn, nên đường tổng cầu dịch chuyển sang trái. Ngược lại, hãy tưởng tượng rằng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán làm cho người ta trở nên giàu có và ít quan tâm đến tiết kiệm hơn. Việc chi tiêu cho tiêu dùng tăng lên phát sinh từ đó có nghĩa là lượng cầu lớn hơn tại mỗi mức giá, do vậy đường tổng cầu dịch chuyển sang bên phải. Vì vậy, bất cứ sự kiện nào làm thay đổi tiêu dùng tại một mức giá nhất định cũng làm dịch chuyển đường tổng cầu.
Một biến chính sách có ảnh hưởng như vậy là mức thuế. Khi chính phủ cắt giảm thuế thì điều đó đã khuyến khích mọi người tiêu dùng nhiều hơn, do đó đường tổng cầu dịch chuyển sang phải. Khi chính phủ tăng thuế, mọi người tiêu dùng ít hơn, và đường tổng cầu dịch chuyển sang bên trái.
(ii) Sự dịch chuyển phát sinh từ đầu tư.
Bất cứ sự kiện nào làm thay đổi đầu tư của cácdoanh nghiệp tại một mức giá nhất định cũng làm dịch chuyển đường tổng cầu. Ví dụ, ngành sản xuất máy tính cho ra mắt một dòng máy có tốc độ cao hơn và nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào các hệ thống máy tính mới này. Do lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ tại mỗi mức giá cao hơn, đường tổng cầu dịch chuyển sang phải. Ngược lại, nếu các hãng bi quan về điều kiện kinh doanh trong tương lai thì họ có thể cắt giảm chi tiêu đầu tư và điều này làm đường tổng cầu dịch chuyển sang trái.
Chính sách thuế cũng có thể ảnh hưởng tới tổng cầu thông qua đầu tư. Như chúng ta đã thấy
trong bài 3, chính sách giảm thuế đầu tư (tức là chính phủ giảm thuế khi các doanh nghiệp chi tiêu cho đầu tư) làm tăng lượng cầu về hàng đầu tư của các doanh nghiệp tại bất kỳ mức giá nào. Bởi vậy, nó làm dịch chuyển đường tổng cầu sang phải. Việc huỷ bỏ chính sách giảm thuế đầu tư làm giảm đầu tư và đường tổng cầu dịch chuyển sang trái.
Một biến chính sách khác có thể ảnh hưởng đến đầu tư và tổng cầu là cung ứng tiền tệ. Như chúng ta sẽ thảo luận đầy đủ hơn trong chương sau, sự gia tăng cung ứng tiền tệ làm cho lãi suất giảm trong ngắn hạn. Điều này làm cho khoản vay trở nên ít tốn kém hơn, nó kích thích chi đầu tư và do đó đường tổng cầu dịch chuyển sang bên phải. Trái lại, khi cung ứng tiền tệ giảm, lãi suất tăng lên, làm cho nhu cầu đầu tư giảm xuống và đường tổng cầu dịch chuyển sang trái. Nhiều nhà kinh tế tin rằng trong suốt lịch sử nước Mỹ, thay đổi trong chính sách tiền tệ là một nguyên nhân quan trọng gây ra sự dịch chuyển trong tổng cầu.
70
(iii) Sự dịch chuyển phát sinh từ chi tiêu của chính phủ.
Một trong những cách trực tiếp mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm dịch chuyển đường tổng cầu là thông qua chi tiêu chính phủ. Ví dụ như quốc hội quyết định giảm mua sắm các hệ thống vũ khí mới. Do lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ thấp hơn tại mọi mức giá, nên đường tổng cầu dịch chuyển sang bên trái. Ngược lại, nếu các chính quyền bang khởi công xây dựng nhiều đường cao tốc hơn, kết quả là lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ cao hơn tại mọi mức giá và đường tổng cầu dịch chuyển sang bên phải.
(iv) Sự dịch chuyển phát sinh từ xuất khẩu ròng.
Bất cứ biến cố nào làm thay đổi xuất khẩu ròng tại một mức giá nhất định đều làm cho đường tổng cầu dịch chuyển. Ví dụ khi châu Âu bước vào thời kỳ suy thoái, nó mua ít hàng hoá hơn từ Việt Nam. Điều này làm giảm xuất khẩu ròng của Việt Nam và dịch chuyển đường tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam sang bên trái. Khi nền kinh tế châu Âu hồi phục và lại mua hàng hoá của Việt Nam, nó sẽ làm dịch chuyển đường tổng cầu sang bên phải.
Xuất khẩu ròng nhiều khi cũng thay đổi do những biến động trong TGHĐ. Giả sử các nhà đầu cơ quốc tế đẩy giá trị đồng đô la lên trên thị trường ngoại tệ. Sự lên giá này của đồng đô la làm cho hàng hoá của Việt Nam đắt đỏ hơn so với hàng ngoại. Điều đó kìm hãm xuất khẩu, khiến đường tổng cầu dịch chuyển sang trái. Ngược lại, sự mất giá của đồng tiền Việt sẽ thúc đẩy xuất khẩu ròng và dịch chuyển đường tổng cầu về bên phải.