a) Quan hệ dương giữa giá cả và sản lượng
Bây giờ chúng ta sẽ phân tích hành vi của tổng cung ngắn hạn. Đây là điểm khác nhau then chốt giữa nền kinh tế trong ngắn hạn và trong dài hạn. Trong mục trên đây, chúng ta đã biết đường tổng cung dài hạn thẳng đứng. Trong mục này, chúng ta sẽ chỉ ra trong ngắn hạn, đường tổng cung là đường dốc lên như trong hình 6. Nghĩa là, trong vòng một hay hai năm, sự gia tăng trong mức giá chung có xu hướng làm tăng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế và sự giảm sút mức giá có xu hướng làm giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ. Yếu tố nào gây ra mối quan hệ thuận này giữa mức giá và sản lượng trong ngắn hạn ? Các nhà kinh tế vĩ mô đã đưa ra ba lý thuyết để giải thích cho sự dốc lên của đường tổng cung ngắn hạn. Trong mỗi lý thuyết đó, một sự không hoàn hảo của thị trường làm cho mặt cung của nền kinh tế trong ngắn hạn có biểu hiện khác với trong dài hạn. Mặc dù các lý thuyết này khác nhau về chi tiết, nhưng chúng có một kết luận chung: lượng cung về sản lượng chệch khỏi mức
75
dài hạn hay tự nhiên khi mức giá chệch khỏi mức giá đã được người dân dự kiến. Cụ thể khi mức giá vượt quá mức dự kiến, sản lượng sẽ vượt quá mức tự nhiên và nền kinh tế được gọi là đang tăng trưởng nóng. Ngược lại, khi mức giá thấp hơn mức dự kiến, sản lượng giảm xuống dưới mức tự nhiên của nó; khi đó nền kinh tế đang tăng trưởng lạnh.
Hình 4.18: Đường tổng cung ngắn hạn dốc lên
Trong ngắn hạn một sự giảm giá từ P1 xuống P2 làm giảm tổng cung từ Y1 xuống Y2. Mối quan hệ thuận này có thể do ba nguyên nhân Nhận thức sai lầm hay ảo tưởng (ảo giác) tiền tệ, Tiền lương cứng nhắc và Giá cứng nhắc. Tuy nhiện, nhận thức sai lầm hay các nhân tố tiền lương và giá cả cứng nhắc chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Theo thời gian, nhận thức, tiền lương và giá cả điều chỉnh, do đó mối quan hệ thuận này chỉ có tính tạm thời.
b) Ba lý thuyết giải thích đường tổng cung dốc lên trong ngắn hạn
(i) Lý thuyết nhận thức sai lầm.Một cách tiếp cận đối với đường tổng cung ngắn hạn là lý thuyết nhận thức sai lầm. Theo lý thuyết này, sự thay đổi trong mức giá chung có thể tạm thời làm cho các nhà cung cấp nhận thức sai lầm về tình hình diễn ra trên các thị trường cá biệt, được họ bán sản phẩm của mình ở đó. Do nhận thức sai lầm trong ngắn hạn, các nhà cung cấp phản ứng lại những thay đổi trong mức giá và phản ứng này dẫn đến đường tổng cungdốc lên trong ngắn hạn.
Để hiểu quá trình này diễn ra như thế nào, chúng ta hãy giả sử mức giá chung giảm xuống dưới mức mà mọi người dự kiến. Khi các nhà cung cấp thấy giá sản phẩm của mình giảm, họ có thể lầm tưởng rằng giá tương đối đã giảm. Ví dụ, người nông dân trồng lúa mì có thể nhận thấy giá lúa mì giảm trước khi biết rằng giá của nhiều hàng tiêu dùng mà họ mua giảm. Từ kết quả quan sát này, họ có thể suy luận rằng giá lúa mỳ là thấp tạm thời và họ có thể phản ứng lại bằng cách cắt giảm lượng lúa mỳ mà họ cung ứng. Tương tự như vậy, công nhân có thể nhận thấy tiền lương danh nghĩa của họ giảm trước khi nhận ra rằng giá hàng hoá mà họ mua giảm.
76
Họ có thể suy luận rằng mức thù lao lao động tạm thời thấp và họ phản ứng bằng cách cắt giảm lượng lao động mà họ cung ứng. Trong cả hai trường hợp, mức giá thấp hơn gây ra nhận thức sai lầm về giá tương đối và nhận thức sai lầm này làm cho các nhà cung cấp phản ứng lại mức giá thấp hơn bằng cách cắt giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ.
(ii) Lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Cách lý giải thứ hai cho đường tổng cung ngắn hạn dốc lên là lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Theo lý thuyết này, đường tổng cung ngắn hạn dốc lên vì tiền lương danh nghĩa điều chỉnh chậm chạp hay “cứng nhắc” trong ngắn hạn. Sự điều chỉnh chậm chạp của tiền lương danh nghĩa có nguyên nhân ở các hợp đồng dài hạn giữa doanh nghiệp và công nhân. Các hợp đồng này thường cố định tiền lương danh nghĩa, đôi khi đến ba năm. Ngoài ra, sự điều chỉnh chậm chạp này còn có thể có nguyên nhân ở các quy chuẩn xã hội hay cảm nhận về sự công bằng, những yếu tố này ảnh hưởng đến việc xác lập mức tiền lương và chậm thay đổi.
Để biết tiền lương danh nghĩa cứng nhắc có ý nghĩa như thế nào đối với tổng cung, chúng ta hãy tưởng tượng ra một doanh nghiệp đồng ý trả cho công nhân mức tiền lương phù hợp với nhận định của anh ta về mức giá. Nếu mức giá (P) thấp hơn dự kiến và tiền lương cứng nhắc ở
W, tiền lương thực tế W/P sẽ tăng lên cao hơn mức mà doanh nghiệp định trả cho công nhân. Do tiền lương chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất, nên tiền lương thực tế tăng có nghĩa là chi phí thực tế tăng. Doanh nghiệp phản ứng lại việc tăng chi phí này bằng cách thuê ít lao động hơn và sản xuất lượng hàng hoá và dịch vụ nhỏ hơn. Nói cách khác, do tiền lương không điều chỉnh ngay theo sự thay đổi mức giá, nên mức giá thấp hơn làm cho việc làm và sản xuất đem lại ít lợi nhuận hơn và điều này làm cho các doanh nghiệp giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ.
(iii) Lý thuyết giá cả cứng nhắc.Gần đây, một số nhà kinh tế vĩ mô đưa ra cách tiếp cận thứ ba đối với đường tổng cung ngắn hạn gọi là lý thuyết giá cả cứng nhắc. Lý thuyết tiền lương cứng nhắc nhấn mạnh rằng tiền lương chậm thay đổi. Lý thuyết giá cả cứng nhắc nhấn mạnh rằng giá cả hàng hoá và dịch vụ cũng chậm điều chỉnh để đáp lại các điều kiện kinh tế thay đổi. Sự thay đổi chậm chạp trong giá cả một phần là do chi phí để điều chỉnh giá cả, gọi là chi phí thực đơn. Những chi phí này, bao gồm chi phí in và phân phối các catalô và thời gian để thay đổi các nhãn giá. Vì lý do này, giá cả và tiền lương có thể cứng nhắc trong ngắn hạn.
Để hiểu các hàm ý của giá cả cứng nhắc đối với tổng cung, chúng ta hãy giả sử rằng mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế thông báo giá cả cho các sản phẩm của họ trước dựa trên những dự báo về các điều kiện kinh tế. Nhưng sau khi giá cả đã được công bố, nền kinh tế trải qua thời kỳ thu hẹp cung ứng tiền tệ nằm ngoài dự kiến và điều này làm giảm mức giá chung trong dài hạn. Mặc dù có thể có một số doanh nghiệp giảm giá ngay để phản ứng lại những thay đổi trong nền kinh tế, song các doanh nghiệp khác có thể tạm thời không điều chỉnh gì cả do không muốn chịu thêm chi phí thực đơn. Vì giá của các doanh nghiệp này quá cao, doanh thu bán của họ giảm xuống. Sự giảm sút doanh thu đến lượt nó lại làm cho các doanh nghiệp này cắt giảm sản xuất và việc làm. Nói cách khác, do không phải tất cả giá cả đều điều chỉnh ngay lập tức khi điều kiện kinh tế thay đổi, nên sự giảm sút bất ngờ của trong mức giá có thể làm cho một số
77
doanh nghiệp có giá bán cao hơn mức mong muốn, và điều này làm giảm doanh số bán ra và lượng hàng hoá và dịch vụ mà các doanh nghiệp sản xuất.
Như vậy, có ba cách lý giải khác nhau về sự dốc lên của đường tổng cung ngắn hạn: (1) nhận thức sai lầm hay ảo tưởng tiền tệ, (2) tiền lương cứng nhắc, (3) giá cả cứng nhắc. Cả ba lý thuyết nói rằng sản lượng sẽ chệch khỏi mức tự nhiên khi mức giá lệch khỏi mức dự kiến. Chúng ta có thể biểu thị nhận định này bằng công thức toán học như sau:
Sản lượng cung ứng = Mức sản lượng tự nhiên + a (Mức giá thực tế - Mức giá dự kiến) Trong đó a là hệ số phản ánh sản lượng phản ứng như thế nào trước sự thay đổi ngoài dự kiến của mức giá. Dĩ nhiên a>0. Có thể viết lại thành công thức toán học như sau
Y = Ỹ + a (P – Pe) với a > 0
Trong đó Ỹ là sản lượng tự nhiên; P là mức giá; Pe là mức giá dự kiến.
Cả ba thuyết lý giải đường tổng cung ngắn hạn đều cho rằng chênh lệch chỉ là tạm thời, ngắn hạn. Cho dù sự dốc lên của đường tổng cung phụ thuộc vào nhận thức sai lầm, tiền lương cứng nhắc hay giá cả cứng nhắc, thì các điều kiện này không phải lúc nào cũng tồn tại. Có thể cuối cùng, khi mọi người điều chỉnh kỳ vọng của họ, nhận thức sai lầm sẽ được sửa đổi, tiền lương danh nghĩa được điều chỉnh và giá cả không còn cứng nhắc nữa. Nói cách khác, trong dài hạn mức giá thực tế và dự kiến bằng nhau và khi đó đường tổng cung thẳng đứng, chứ không còn dốc lên.
Hình 4.19: Quá trình chuyển tổng cung từ ngắn hạn về dài hạn
c) Sự dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn
Đường tổng cung ngắn hạn cho chúng ta biết lượng cung về hàng hoá và dịch vụ tại mỗi mức giá. Chúng ta có thể coi đường này tương tự như đường tổng cung dài hạn, nhưng bị làm cho dốc lên bởi nhận thức sai lầm, tiền lương cứng nhắc và giá cả cứng nhắc. Do đó khi xem xét các yếu tố làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn, chúng ta phải xem xét tất cả các yếu
78
tố làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn, cộng thêm một biến mới - mức giá dự kiến – một yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức sai lầm, tiền lương cứng nhắc và giá cả cứng nhắc.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những hiểu biết của mình về đường tổng cung dài hạn. Như đã thảo luận trong các bài trước, sự dịch chu yển của đường tổng cung dài hạn phát sinh từ những thay đổi trong lao động, tư bản, tài nguyên thiên nhiên, tri thức công nghệ và trong hơn 2 thập kỷ gần đây là hội nhập kinh tế quốc tế. Các biến số này cũng làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn. Ví dụ khi sự gia tăng khối lượng tư bản làm tăng năng suất, cả đường tổng cung ngắn và dài hạn đều dịch chuyển sang phải. Khi sự gia tăng tiền lương tối thiểu làm tăng tỷ lệ thất ngiệp tự nhiên, cả đường tổng cung dài hạn và đường tổng cung ngắn hạn này đều dịch chuyển sang trái. Một biến số mới quan trọng tác động đến vị trí của đường tổng cung ngắn hạn là kỳ vọng của mọi người về mức giá. Như chúng ta đã biết, lượng cung về hàng hoá và dịch vụ trong ngắn hạn phụ thuộc vào nhận thức sai lầm, tiền lương cứng nhắc và giá cả cứng nhắc. Thế nhưng nhận thức, tiền lương và giá cả đều được xây dựng dựa vào kỳ vọng về mức giá. Cho nên khi kỳ vọng thay đổi, đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển
Để làm cho ý tưởng này cụ thể hơn, chúng ta hãy xem xét một lý thuyết cụ thể về tổng cung - đó là lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Theo lý thuyết này, nếu mọi người dự báo mức giá cao, họ sẽ quy định tiền lương cao. Tiền lương tăng làm tăng chi phí của doanh nghiệp, và tại mức giá thực tế bất kỳ cho trước, nó làm giảm lượng hàng hoá và dịch vụ mà các doanh nghiệp cung ứng. Do vậy, khi mức giá dự kiến tăng, tiền lương sẽ tăng, chi phí sẽ tăng và các doanh nghiệp quyết định cung ứng ít hàng hoá và dịch vụ hơn tại bất kỳ mức giá thực tế cho trước nào. Do vậy, đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang trái. Ngược lại, khi mức giá dự kiến giảm, tiền lương sẽ giảm, chi phí sẽ giảm, các doanh nghiệp tăng sản lượng và đường tổng cung ngắn hạn dịch sang bên phải. Lô gích tương tự cũng được áp dụng cho các lý thuyết khác.
Bài học chung là: Sự gia tăng mức giá dự kiến làm giảm lượng cung hàng hoá và dịch vụ. qua đó dịch chuyển đưòng tổng cung ngắn hạn sang bên trái. Sự giảm sút mức giá dự kiến làm tăng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ, qua đó dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn sang phải. Như chúng ta sẽ thấy trong phần sau, ảnh hưởng này của kỳ vọng về mức giá đối với vị trí của đường tổng cung ngắn hạn đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa hành vi của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, kỳ vọng được cố định và nền kinh tế nằm ở giao điểm của đường tổng cầu và đường tổng cung ngắn hạn. Trong dài hạn, kỳ vọng được điều chỉnh và đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển. Sự dịch chuyển này cuối cùng sẽ đưa nền kinh tế đến giao điểm của đường tổng cầu và đường tổng cung dài hạn.