Bạn đã bao giờ nghe kịch trên radio chưa? Mặc dù, chúng ta không nhìn thấy những biểu cảm thể hiện trên khuôn mặt người diễn kịch nhưng qua âm thanh chúng ta có thể hiểu được tâm trạng của họ, từ đó mà hòa vào vở kịch. Bất luận là kịch phát thanh, kịch trên sân khấu hay trên ti vi, phim ảnh, một diễn viên giỏi phải thể hiện được tâm trạng buồn, vui, yêu thương, giận hờn, ngoài sự biểu hiện của khuôn mặt và ngôn ngữ cử chỉ còn cần phải có “sự thể hiện của âm thanh”.
Giả sử một người bạn tường thuật lại cho bạn chuyến đi du lịch một ngày của họ, nội dung như sau: “Tuần trước, tôi với bạn gái cùng lên dãy A Lý Sơn ngắm mặt trời mọc, khi mặt trời vừa từ từ ló ra sau làn mây, tỏa ra một vầng ánh sáng ấm áp, chúng tôi liền cao hứng hét lớn. Cảnh mặt trời mọc khi ấy thật khó mà quên được."
Hãy thử nghĩ xem, cảnh đẹp như thế này, nếu như cậu bạn ấy dùng giọng nói
đều đều để miêu tả thì chắc chắn là không thể nào truyền tải hết vẻ đẹp của nó tới người nghe, thậm chí còn khiến cho mọi người nghĩ rằng, cảnh mặt trời mọc trên núi A Lý Sơn chẳng đẹp một chút nào.
Ngữ điệu nói chuyện có khả năng thể hiện tình cảm, khiến người nghe tiếp thu một cách rõ ràng thông tin mà bạn muốn truyền đạt. Ngữ điệu rời rạc, không có sự biến đổi thì khó có thể thể hiện sự sinh động của nội dung, sẽ khiến người nghe cảm thấy khô khan vô vị, không có cảm hứng nghe, làm giảm hiệu quả giao tiếp.