Khi gặp nhau lần đầu, do đôi bên chưa đủ độ tin cậy, tốt nhất đừng đi quá sâu vào vấn đề, đặc biệt là những vấn đề mà đối phương giấu kín, nếu vô tình khơi ra có thể sẽ khiến cho đối phương khó xử, tạo nên những trở ngại trong quá trình giao tiếp.
Q. vừa tốt nghiệp đại học, do có mối quan hệ quen biết nên được giới thiệu gặp mặt giám đốc điều hành một doanh nghiệp lớn với hi vọng có thể có được một công việc tại đó. Tối hôm ấy, Q. vừa gặp mặt giám đốc và vợ của ông ấy liền tán thưởng: “Vợ giám đốc nhan sắc thật là quý phái, tôi nghĩ các cháu nhất định cũng đẹp như bố mẹ, không biết giám đốc có mấy cháu rồi?”
Lời nói vừa dứt, khuôn mặt hai vợ chồng giám đốc liền biến sắc, bà vợ vội vàng rời khỏi chỗ đó, quay đi nói chuyện với những khách quý khác còn giám đốc thì buồn bực không sao nói nên lời. Hóa ra hai vợ chồng họ phiền muộn bao năm nay cũng bởi chuyện không thể có con, câu hỏi của Q. vô hình chung đã khoét sâu thêm vào nỗi đau của hai vợ chồng họ.
Đương nhiên, Q. không còn cơ hội tìm được việc làm ở doanh nghiệp đó nữa.
Khi nói chuyện với người lần đầu tiên gặp mặt, tốt nhất nên tránh những chuyện mà bản thân mình không nắm rõ nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc và khiến cho đối phương không vui.
Tình huống giao tiếp
Cho dù là bạn bè thân thiết đã lâu thì vẫn có một số vấn đề thật sự không nên đem ra làm chủ đề bàn luận, ví dụ như chuyện phòng the, bí mật từ ngày xưa của ai đó hay số tiền tiết kiệm ở ngân hàng... tất cả đều có thể khiến bạn bị coi là kẻ đáng ghét!
Tuy nhiên, sẽ là rất hiệu quả để khởi đầu câu chuyện khi bạn đề cập tới những kinh nghiệm và góp ý có lợi cho việc đầu tư làm giàu.