Yêu cầu bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng

Một phần của tài liệu 11.-Luận-án-Pháp-luật-về-bảo-đảm-thực-hiện-hợp-đồng-tín-dụng-bằng-biện-pháp-bảo-lãnh (Trang 39 - 40)

6 Bộ Tư pháp, Tài liệu của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, năm 2014.

2.1.1.1.Yêu cầu bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng

Kinh doanh ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt vì đối tượng kinh doanh là tiền và thu nhập chủ yếu của ngân hàng được tạo ra từ hoạt động tín dụng. Trong khi đó, bất kì một khoản cho vay nào cũng đều chứa đựng những rủi ro nhất định và thường mang tính chất dây chuyền đối với nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội. Một khi có rủi ro xảy ra thì ngân hàng phải chịu tổn thất. Để hạn chế rủi ro thì ngay từ đầu tất cả các khoản cho vay phải có ít nhất hai nguồn trả nợ tách biệt. Do đó bảo đảm tín dụng là một tiêu chuẩn bổ sung những hạn chế của nhà quản trị ngân hàng cũng như phòng ngừa những diễn biến không thuận lợi. Việc ngân hàng nhận bảo đảm tín dụng nhằm hai mục đích: (i) Nếu người vay không trả được nợ thì ngân hàng có quyền bán tài sản cầm cố, thế chấp để thu hồi nợ; (ii) Nhận bảo đảm tín dụng tạo cho ngân hàng lợi thế về tâm lý so với người vay, bởi vì một tài sản khi đã là vật đảm bảo thì buộc người đi vay phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc hoàn trả nợ vay để khỏi phải gán những tài sản giá trị của mình. Yêu cầu bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng là nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện cam kết trả nợ của bên vay, phòng ngừa rủi ro khi phương án trả nợ dự kiến của bên vay không được thực hiện hoặc xảy ra các rủi ro không lường trước được, đồng thời phòng ngừa các trường hợp gian lận trong quan hệ tín dụng. Đối với các tổ chức tín dụng, một khoản cho vay có bảo đảm bằng tài sản sẽ chứa đựng ít rủi ro hơn một khoản cho vay có bảo đảm không bằng tài sản, cho nên, các ngân hàng thường ưa chuộng cho vay có bảo đảm bằng tài sản hơn. Để đưa ra quyết định về việc cho vay có bảo đảm không bằng tài sản hay cho vay có bảo đảm bằng tài sản các ngân hàng thương mại thường dựa vào các tiêu chuẩn như: tính hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng tài

chính của người đi vay, mục đích sử dụng tiền vay, số tiền vay... nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất rủi ro xảy ra.

Về bản chất, các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng ngân hàng là những biện pháp để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với hợp đồng tín dụng, nó có thể là điều kiện bắt buộc trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận của các bên. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, thì các biện pháp này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tín dụng. Bên có nghĩa vụ vẫn phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ và chịu các biện pháp xử lý về tài sản nếu vi phạm (phong tỏa tài khoản, niêm phong tài sản, bị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác để đảm bảo trả nợ...).

Đối với biện pháp bảo lãnh thực hiện hợp đồng tín dụng, theo Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn về bảo đảm tiền vay, pháp luật Việt Nam quy định việc bảo lãnh là bằng tài sản của bên thứ ba, tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự năm 2005, nhằm đa dạng hóa các biện pháp bảo đảm và giảm bớt sự khác biệt so với pháp luật của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định bảo lãnh là biện pháp bảo đảm đối nhân, theo đó, bên bảo lãnh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, đồng thời chuyển bảo lãnh bằng tài sản cụ thể thành cầm cố, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba, kể cả trường hợp bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai cũng chuyển thành thế chấp quyền sử dụng đất.

Một phần của tài liệu 11.-Luận-án-Pháp-luật-về-bảo-đảm-thực-hiện-hợp-đồng-tín-dụng-bằng-biện-pháp-bảo-lãnh (Trang 39 - 40)