Phân loại chi phí

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-dang-nguyen-manh_1 (Trang 35 - 37)

7. Kết cấu luận án

1.1.2.Phân loại chi phí

Chi phí được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, mỗi tiêu thức phân loại đều có ý nghĩa đối với nhà quản trị trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm soát, đánh giá và ra quyết định về từng loại chi phí. Trong phạm vi của luận án, liên quan trực tiếp đến nội dung của đề tài, tác giả tập trung khái quát một số tiêu thức phân loại chi phí sản xuất kinh doanh có mối quan hệ trực tiếp với KTQTCP như sau:

1.1.2.1. Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động

Theo tiêu thức phân loại này, chi phí sản xuất kinh doanh được chia thành hai dạng cơ bản là chi phí sản xuất và chi phí ngoài sản xuất. Chi phí sản xuất bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung. Chi phí ngoài sản xuất là các khoản chi phí phát sinh ngoài khu vực sản xuất của doanh nghiệp như: Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Phân loại chi phí sản xuất kinh doanh theo chức năng hoạt động là cơ sở để tập hợp chi phí, lập báo cáo giá thành sản phẩm, đồng thời cung cấp thông tin phục vụ công tác kiểm soát, đánh giá chi phí hoạt động của mỗi doanh nghiệp.

1.1.2.2. Phân loại chi phí theo mối quan hệ với thời kỳ tạo ra kết quả

Theo đó các chi phí sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp được chia thành hai loại chính là chi phí sản phẩm và chi phí thời kỳ.

Chi phí sản phẩm là những khoản chi phí gắn liền với quá trình sản xuất ra sản phẩm hoặc mua hàng hóa vào trong kỳ để bán. Khác với chi phí sản phẩm, chi phí thời kỳ là các chi phí phát sinh không liên quan đến việc sản xuất chế tạo sản phẩm, mà tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh hàng kỳ của doanh nghiệp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tiêu thức phân loại này không những chỉ rõ mối quan hệ tổng thể giữa từng khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động mà còn giúp doanh nghiệp đánh giá được tầm quan trọng, sự tác động của từng khoản mục chi phí với kết quả kinh doanh của từng dòng sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà doanh nghiệp cung cấp.

1.1.2.3. Phân loại chi phí theo mối quan hệ với mức độ hoạt động hay cách ứng xử của chi phí

Về bản chất phân loại chi phí theo cách ứng xử chính là căn cứ vào mối quan hệ giữa chi phí với quy mô hoạt động để phân loại. Theo tiêu thức phân loại này chi phí sản xuất kinh doanh được phân loại theo cách ứng xử thành ba loại là: Định phí, biến phí và chi phí hỗn hợp. Theo đó, biến phí về cơ bản là những chi phí thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi mức hoạt động của doanh nghiệp. Định phí nhìn chung là những chi phí không thay đổi về tổng số khi mức độ hoạt động thay đổi trong phạm vi nhất định. Chi phí hỗn hợp là những khoản chi phí mà bao gồm cả các yếu tố của định phí và biến phí.

Đây được xem là một trong những tiêu thức phân loại chi phí quan trọng nhất của KTQT, nhờ vào đó nhà quản trị có thể đưa ra một loạt các quyết định kinh doanh như đầu tư, định giá bán sản phẩm, lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu, xác định điểm hòa vốn, lợi nhuận biên… một cách khoa học, hợp lý, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của doanh nghiệp.

1.1.2.4. Phân loại theo theo khả năng quy nạp vào đối tượng chịu chi phí

Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất kinh doanh gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp là chi phí liên quan trực tiếp đến việc sản xuất một loại sản phẩm, công việc, lao vụ, dịch vụ hoặc một hoạt động mà có thể hạch toán trực tiếp cho những đối tượng chịu chi phí đó. Chi phí gián tiếp là những chi phí liên quan đến nhiều sản phẩm, công việc, lao vụ, dịch vụ, nhiều đối tượng khác nhau nên phải tập hợp chung sau

đó phân bổ cho từng đối tượng bằng những tiêu thức phân bổ nhất định.

Tiêu thức phân loại này giúp doanh nghiệp phân nhóm, quản trị có hiệu quả từng loại chi phí. Đặc biệt là với các chi phí gián tiếp, liên quan đến nhiều loại sản phẩm, công việc, dịch vụ cần lựa chọn các tiêu thức phân bổ chi phí hợp lý để hỗ trợ việc tính giá thành, giá bán sản phẩm ngày càng hoàn thiện.

1.1.2.5. Phân loại chi phí phục vụ cho việc ra quyết định

Cách phân loại chi phí này còn được gọi là nhận diện chi phí trong lựa chọn phương án đầu tư, theo đó có ba loại chi phí là: chi phí cơ hội, chi phí chênh lệch và chi phí chìm. Việc phân loại chi phí tiêu tiêu thức này giúp doanh nghiệp xác định được các thông tin chi phí cần thiết và không cần thiết để đánh giá toàn diện hiệu quả của các phương án trước khi đưa ra các quyết định cụ thể trong hoạt động kinh doanh.

1.1.2.6. Phân loại chi phí theo thẩm quyền ra quyết định

Theo cách phân loại này chi phí sản xuất kinh doanh được chia thành chi phí kiểm soát được và không kiểm soát dược vì gắn liền với trách nhiệm của các cấp quản lý trong doanh nghiệp. Cách phân loại này giúp từng bộ phận trong doanh nghiệp chủ động áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát, tiết giảm chi phí bộ phận nhằm tối ưu hóa các chi phí phát sinh tại doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề để thực hiện kế toán trách nhiệm trong mỗi doanh nghiệp.

Chúng ta có thể hình dung các tiêu thức phân loại chi phí với từng chi phí cụ thể theo Sơ đồ 1.1 (trang kế bên).

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-dang-nguyen-manh_1 (Trang 35 - 37)