Nhận diện và phân loại chi phí trong các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-dang-nguyen-manh_1 (Trang 84 - 87)

7. Kết cấu luận án

2.1.6. Nhận diện và phân loại chi phí trong các doanh nghiệp

Phân loại chi phí là công việc đầu tiên, có vai trò quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát chi phí tại từng khâu, bộ phận trong mỗi doanh nghiệp, là cơ sở cho quá trình hỗ trợ các chức năng quản trị. Theo số liệu khảo sát bộ phận kế toán tại 30 doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, kết quả cho thấy:

Bảng 2.2: Kết quả khảo sát tiêu thức phân loại chi phí trong doanh nghiệp Tiêu thức phân loại chi phí Kết quả

1. Theo chức năng hoạt động 30/30

2. Theo mối quan hệ với thời kỳ tạo ra kết quả 30/30

3. Theo mối quan hệ với mức độ hoạt động 05/30

4. Theo khả năng quy nạp vào đối tượng chịu chi phí 30/30

5. Phục vụ cho việc ra quyết định -

6. Thẩm quyền ra quyết định 01/30

(Nguồn: Tổng hợp kết quả nghiên cứu của tác giả) Như vậy, tại tất cả các doanh nghiệp

sản xuất gốm sứ xây dựng trên địa bàn tỉnh đều sử dụng các tiêu thức phân loại chi phí cơ bản là: Phân loại theo chức năng; phân loại theo mối quan hệ với thời kỳ tạo kết quả và phân loại theo khả năng quy nạp vào đối tượng chịu chi phí. Đây cũng là những tiêu thức phân loại mang tính truyền thống, có tính kế

thừa, tạo thuận lợi cho việc tập hợp chi phí, tính giá thành, lập báo cáo chi phí sản xuất, lập và trình bày thông tin về chi phí trên Báo cáo tài chính theo luật định (Phụ lục 2.4).

Khảo sát cũng cho thấy, đã có 5/30 doanh nghiệp xác nhận đã phân loại chi phí theo mối quan hệ với mức độ hoạt động và đây đều là các phiếu trả lời tại công ty cổ phần. Đi sâu nghiên cứu khi phỏng vấn thêm ở bộ phận kế toán, tác giả nhận thấy việc phân loại chi phí thành biến phí và định phí mới dừng lại ở mức tổng thể, chưa đi vào chi tiết từng nội dung chi phí của doanh nghiệp. Do đó khả năng ứng dụng của cách phân loại này vào các công việc cụ thể của kế toán quản trị chi phí vẫn rất hạn chế.

Bước đầu đã có 1/30 doanh nghiệp phân loại chi phí theo thẩm quyền ra quyết định là tại công ty TNHH sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh nhưng mới chỉ dừng lại ở một số chi phí sửa chữa nhỏ bằng cách giao quyền trực tiếp cho trưởng bộ phận liên quan đến hoạt động của một số nhà máy trong công ty.

Chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ trên địa bàn tỉnh bao gồm nhiều loại. Nếu căn cứ vào chức năng hoạt động hay mối quan hệ với quá trình sản xuất, chi phí trong các doanh nghiệp bao gồm:

Chi phí sản xuất: Chi phí này gồm chi phí NVLTT, chi phí NCTT và chi phí sản xuất chung.

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là những chi phí cấu thành nên thực thể sản phẩm gốm, sứ xây dựng, gồm: Nguyên liệu chính như: Đất sét, cao lanh, trường thạch, thạch anh, hoạt thạch, men sứ. Vật liệu phụ như: dầu diezen, dầu nhớt, nước thủy tinh, bi nghiền, tan xoa, phụ gia khác. Các chi phí nhiên liệu như chi phí khí đốt, điện năng. (Phụ lục 2.5)

Tuy vậy khoản mục chi phí này tại một số các doanh nghiệp khác nhau là không hoàn toàn giống nhau. Tại một số công ty TNHH, điển hình là Công ty TNHH sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh, tại đây khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp chỉ bao gồm chi phí của các nguyên vật liệu chính sản xuất sản phẩm sứ và chi phí xuất thạch cao để sản xuất các khuôn con cho từng mã sản phẩm (Phụ lục 2.6). Hoặc tại công ty cổ phần gốm sứ Long Hầu, khoản mục này còn bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển, bốc xếp của nguyên vật liệu doanh nghiệp mua về trong kỳ. Điều này vừa làm sai lệch thông tin chi phí trực tiếp trong tổng chi phí sản xuất, vừa làm ảnh hưởng đến giá trị nguyên vật liệu đang tồn trong kho của doanh nghiệp.

Chi phí nhân công trực tiếp: Nhìn chung khoản mục chi phí này tại các doanh nghiệp chỉ bao gồm chi phí tiền lương và các khoản trích theo lương của công nhân trực

tiếp sản xuất. Trong đó chi phí tiền lương là tổng tiền lương các bộ phận tính theo lương khoán cho từng công đoạn tính cho 1 sản phẩm gốm, sứ hoàn thiện. Các khoản trích theo lương của công nhân trực tiếp sản xuất như BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ được tính vào chi phí theo quy định của nhà nước nhưng với mức đóng bình quân cho người lao động tương đối thấp (Phụ lục 2.7). Các khoản khác liên quan đến công nhân trực tiếp sản xuất như: Chi phí thuốc phòng bệnh; chi phí đào tạo; lương phép….được tính vào khoản mục chi phí sản xuất chung.

Đặc biệt tại một số công ty trong đó có công ty TNHH sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh, công ty TNHH thủy tinh, gốm sứ Việt Tiệp…chi phí nhân công trực tiếp chỉ có chi phí tiền lương phải trả cho công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm, không bao gồm các khoản khác kể cả các khoản trích theo lương. (Phụ lục 2.8)

Chi phí sản xuất chung: Về mặt lý thuyết đây là các chi phí sản xuất phát sinh liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất ở các phân xưởng mà không phải là 2 loại chi phí

sản xuất kể trên. Qua khảo sát, nội dung khoản mục chi phí này có nhiều điểm khác biệt tại mỗi doanh nghiệp nhưng về cơ bản vẫn bao gồm:

+ Chi phí nhân viên phân xưởng: Chi phí này bao gồm: Chi phí về tiền lương; tiền công; các khoản phụ cấp; tiền ăn ca, ăn trưa; các khoản trích theo lương của bộ phận nhân viên quản lý phân xưởng; nhân viên cơ điện; công nhân vệ sinh công nghiệp; nhân viên bảo vệ; nhà ăn.

Chi phí nguyên vật liệu dùng chung tại phân xưởng: Bao gồm các chi phí về phụ tùng thay thế để phục vụ cho hoạt động sản xuất tại các phân xưởng. Tại Công ty TNHH SXKD sứ Hảo Cảnh yếu tố chi phí này bao gồm cả các chi phí về nhiên liệu, khí đốt phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm gốm, sứ xây dựng.

Chi phí công cụ, dụng cụ dùng chung tại phân xưởng: Bao gồm chủ yếu là các chi phí về các loại khuôn mẫu đúc như: Khuôn đầu mẫu; khuôn sứ dân dụng; khuôn sứ vệ sinh . Bên cạnh đó còn các chi phí về công cụ, dụng cụ khác phục vụ sản xuất như chi phí xô đổ rót; chi phí dây cu roa; chi phí mua chổi vệ sinh…

+ Chi phí khấu hao TSCĐ phục vụ sản xuất và quản lý sản xuất: Bao gồm khấu hao TSCĐ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm sứ và khấu hao những TSCĐ phục vụ cho hoạt động quản lý sản xuất.

+ Chi phí dịch vụ mua ngoài: Bao gồm chi phí tiền điện, nước, điện thoại, sửa chữa TSCĐ tại phân xưởng.

+ Chi phí khác bằng tiền như: Chi sơ kết, tổng kết phân xưởng; chi đào tạo mới – học tay nghề, nước uống…(Phụ lục 2.9)

Các chi phí ngoài sản xuất: Bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp

Nội dung chi phí bán hàng có chi phí về tiền lương, các khoản trích theo lương của nhân viên bán hàng. Chi phí vật liệu dùng cho bán hàng như vật liệu dùng để đóng gói sản phẩm sứ vệ sinh, chi phí nắp nhựa, phụ kiện bán hàng, chi phí catalogue. Chi phí dụng cụ dùng cho hoạt động hỗ trợ bán hàng (tại các đại lý, kênh phân phối). Chi phí khấu hao TSCĐ ở bộ phận bán hàng, chi phí quảng cáo, tiếp thị, chi phí về dịch vụ mua ngoài và một số chi phí khác của bộ phận bán hàng. (Phụ lục 2.10)

Với chi phí quản lý doanh nghiệp, có các loại chi phí như: Chi phí nhân viên quản lý gồm: tiền lương, các khoản trích theo lương, chi phí hội họp, kiểm tra sổ sách, tập huấn, thực hiện công tác kiểm kê của bộ phận quản lý. Tại công ty cổ phần gốm sứ Long Hầu còn bao gồm cả chi phí quà tết của cán bộ công nhân viên toàn doanh nghiệp. Chi phí vật liệu, công cụ dụng cụ, khấu hao tài sản cố định dùng cho bộ phận quản lý. Các chi phí liên quan đến thuế và phí như chi phí thuế môn bài, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất. Các chi phí dự phòng các khoản phải thu. Chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác ở bộ phận quản lý như: tiền điện, nước, điện thoại, chi phí nạo vét, vận chuyển rác thải công nghiệp, chi phí đánh giá chất lượng sản phẩm sứ vệ sinh. (Phụ lục 2.11)

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-dang-nguyen-manh_1 (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w