Áp dụng mô hình Osterwalder tại các doanh nghiệpbán lẻ VN

Một phần của tài liệu 20150608 Ky yeu TT BL (Trang 78 - 81)

2.1. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp bán lẻ VN

* Thế mạnh chủ yếu:

- Các doanh nghiệp bán lẻ Việt có khả năng am hiểu sâu thị trường nội địa, nắm bắt kịp thời những nhu cầu địa phương, thói quen chi tiêu của khách hàng…

- Doanh nghiệp Việt luôn có lợi thế trong việc sở hữu nhiều điểm bán thuận lợi, làm bệ phóng vững chãi cho quá trình phát triển kinh doanh bán lẻ.

- Các doanh nghiệp Việt luôn nhận được sự ủng hộ, tin yêu của người tiêu dùng trong nước, bởi tinh thần yêu chuộng hàng Việt Nam chất lượng cao của người Việt.

* Điểm yếu mấu chốt:

-Vấn đề tài chính: hầu hết các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn vốn với doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ trung bình khoảng 20 tỉ USD/năm - một con số còn rất khiêm tốn; trong khi những tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Metro và Bourbon đều có mức vốn là 120 triệu USD.

- Về hậu cần: Hệ thống phân phối hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần chuyên nghiệp. Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam, vẫn diễn ra tình trạng trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong các dịp lễ tết; việc phân phối hàng hóa còn mang tính thụ động, không đảm bảo kịp lúc, đúng nhu cầu.

-Tính chuyên nghiệp: Phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn đang loay hoay bế tắc trong kinh doanh, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa chú trọng đến quy mô, cảnh quan môi trường, đồng thời cũng không mấy quan tâm đến thương hiệu và sản phẩm của mình.

- Vấn đề con người: Đội ngũ nhân viên còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp trong quá trình làm việc

2.2. Áp dụng mô hình Osterwalder

Việc áp dụng mô hình Osterwalder phải dựa trên việc khai thác các thế mạnh, đồng thời khắc phục những vấn đề còn tồn tại, theo đó, mô hình Osterwalder có thể được vận dụng vào các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam theo hướng sau:

- Với thế mạnh “sân nhà”, doanh nghiệp Việt luôn có lợi thế trong việc sở hữu nhiều điểm bán thuận lợi, điều này cho phép các doanh nghiệp bán lẻ nội cạnh tranh dựa trên giải pháp giá trị gia tăng bằng sự tiện ích cho khách hàng.

- Giải pháp cho khách hàng là giá rẻ mỗi ngày dựa trên việc tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với những nhà cung cấp tốt.

- Giải pháp tiện nghi và tiện ích cho khách hàng với những khu bán hàng hiện đại, để khách hàng có thể chọn là nơi dừng chân mua sắm một lần với những chủng loại hàng hóa đa dạng và chất lượng.

- Với nguồn nhân lực dồi dào, các doanh nghiệp nội có thể phát triển hệ thống bán hàng trực tiếp; thường xuyên trao đổi với khách hàng qua các phương tiện truyền thông chi phí thấp, đặc biệt là mạng internet.

-Tập trung vào 3 hoạt động then chốt: Mua hàng hóa, phân phối và kiểm soát chi phí.

- Phát triển các nguồn lực chính yếu bao gồm kho bãi và hậu cần, con người.

- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung ứng, xem họ như là một thành phần của chuỗi giá trị và tận dụng lợi thế mua nhiều với giá thấp.

- Dòng doanh thu chủ yếu được tạo ra từ bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể theo đuổi chiến lược phát triển nhãn hàng riêng của doanh nghiệp mình.

- Cấu trúc chi phí nên tập trung vào việc giảm thiểu chi phí và tiết kiệm dựa trên quy mô lớn; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Áp dụng mô hình Osterwalder trong kinh doanh bán lẻ tại các doanh nghiệp Việt Nam được xem như một quá trình chuyển đổi, giúp doanh nghiệp thích nghi với sự biến động của môi trường kinh doanh. Hiệu quả của sự đổi mới này phụ thuộc chủ yếu vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là theo xu hướng chuyển từ một tổ chức hướng nội sang hướng ngoại, lấy khách hàng làm đối tượng trọng tâm, hoạch định một chiến lược kinh doanh rõ ràng với mục tiêu phục vụ khách hàng là chính yếu. Trong tiến trình thay đổi đó, vai trò của con người nói chung và các nhà quản trị nói riêng trở nên hết sức quan trọng. Họ phải là những nhà lãnh đạo xuất sắc, có thể cảm nhận, dự báo và đánh giá khá chuẩn xác về biến động của môi trường kinh doanh bên ngoài và mầm mống vấn đề bên trong tổ chức để chủ động đề xuất những thay đổi thích hợp và trực tiếp dẫn dắt doanh nghiệp trong suốt quá trình thay đổi này.

Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng gay gắt, đặc biệt là trước sự “đổ bộ” hàng loạt của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã kéo theo nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt phải gồng mình đối phó. Đồng thời đây cũng được coi là cơ hội để tự đánh giá và làm mới chính mình thông qua quá trình đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, đem lại một “diện mạo” mới đầy sức sống cho doanh nghiệp nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://facts.baomoi.com 2. http://Marketing24h.com 3.http://vietnamnet.vn 4.http://www.bvsc.com.vn 5.http://www.cbrevietnam.com 6.http://www.tapchitaichinh.vn

7. Sam Walton, Vua Bán Lẻ - Chiến Lược Thống Lĩnh Thị Trường Bán Lẻ, NXB Lao động Xã hội, 2013

8. Willard N.Ander&Neil Z.Stern, Nghệ thuật bán lẻ, NXB Tổng hợp Tp HCM, 2012

Một phần của tài liệu 20150608 Ky yeu TT BL (Trang 78 - 81)