5.1 Cách tiếp cận
Luận án sử dụng cách tiếp cận biên ngẫu nhiên do Farrel (1957) đề xuất với mục đích ban đầu là xác định hiệu quả sản xuất. Ý tưởng của cách tiếp cận biên ngẫu nhiên là trong thực tế kết quả sản xuất các doanh nghiệp luôn nhỏ hơn mức tối đa có thể đạt được (mức biên), làm cho hiệu quả sản xuất luôn nhỏ hơn 100%. Nói cách khác, sản xuất thực tế luôn thấp hơn mức sản xuất tối đa có thể đạt được do yếu tố phi hiệu quả sản xuất gây ra. Trên cơ sở đó, cách tiếp cận biên ngẫu nhiên được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, các nhà nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận biên ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả xuất khẩu và
xác định tiềm năng xuất khẩu (biên xuất khẩu). Kế thừa những kết quả nghiên cứu đi trước, luận án cũng vận dụng cách tiếp cận này để đo lường tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam. Nói cách khác, trong giới hạn của luận án này, tiềm năng xuất khẩu được xem là mức xuất khẩu tối đa mà một quốc gia có thể đạt được với các yếu tố đầu vào cho trước. Do đó, tiềm năng xuất khẩu luôn lớn hơn xuất khẩu thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc, tồn tại một khoảng cách giữa tiềm năng xuất khẩu và xuất khẩu thực tế, gọi tắt là khoảng cách xuất khẩu.
Tiềm năng xuất khẩu được chia làm hai phần: tiềm năng xuất khẩu đã khai thác và tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác do phi hiệu quả xuất khẩu gây ra. Về mặt bản chất, tiềm năng xuất khẩu đã khai thác chính là xuất khẩu thực tế đã đạt được. Trong khi đó, tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác chính là xuất khẩu chưa đạt được, hay khoảng cách giữa xuất khẩu thực tế và tiềm năng xuất khẩu. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của các quốc gia sẽ được cụ thể hoá thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đến mức tiềm năng. Có hai cách để đạt được mục tiêu này: Một là, tăng thành phần tiềm năng xuất khẩu đã khai thác hay tăng hiệu quả xuất khẩu hiện tại; Hai là, giảm tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác hay giảm phi hiệu quả xuất khẩu hiện tại. Luận án chọn cách tiếp cận thứ hai – giảm tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác, đồng nghĩa với giảm phi hiệu quả xuất khẩu. Cách tiếp cận này cũng được nhiều nhà nghiên cứu về tiềm năng xuất khẩu áp dụng. Do đó, thay vì phân tích tác động của các yếu tố đến tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam, luận án sẽ phân tích tác động của các yếu tố đến phi hiệu quả xuất khẩu của hàng công nghệ cao của Việt Nam. Các yếu tố được xem xét bao gồm hai nhóm: (i) Nhóm các yếu tố phản ánh chính sách tự do kinh tế của Việt Nam với tư cách là nước xuất khẩu; (ii) Nhóm các yếu tố then chốt đối với xuất khẩu hàng công nghệ cao như chất lượng nguồn nhân lực, khả năng R&D và nguồn vốn FDI.
5.2 Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng kết hợp phương pháp thống kê mô tả với phương pháp định lượng để phân tích tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam: Trước hết, phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để thu thập, xử lý và trình bày một cách hệ thống các dữ liệu nhằm phản ánh một bức tranh tổng thể về tiềm năng xuất
khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam ở nhiều khía cạnh như khả năng cung ứng, chất lượng các yếu tố đầu vào, thị trường xuất khẩu, chất lượng xuất khẩu, khả năng cạnh tranh, nguồn gốc tăng trưởng xuất khẩu... Tiếp theo, phương pháp định lượng được sử dụng để phân tích tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam theo hai bước:
(i) Bước thứ nhất là ước lượng tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam và các chỉ tiêu liên quan như tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác, hiệu quả xuất khẩu và phi hiệu quả xuất khẩu. Luận án sử dụng cách tiếp cận biên ngẫu nhiên trên cơ sở mô hình trọng lực kết hợp với phương pháp ước lượng tham số MLE để xác định tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam và tính toán các chỉ tiêu liên quan.
(ii) Bước thứ hai là đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam. Các yếu tố được xem xét được chia thành hai nhóm: Nhóm các yếu tố phản ánh chính sách tự do kinh tế của Việt Nam với tư cách là nước xuất khẩu và chính sách tự do thương mại của nước nhập khẩu; Nhóm thứ hai gồm các yếu tố then chốt của xuất khẩu hàng công nghệ cao bao gồm chất lượng nguồn nhân lực, khả năng R&D và nguồn vốn FDI. Luận án sử dụng phương pháp ước lượng tác động ngẫu nhiên (RE) để đánh giá các tác động này.