7. Bố cục của luận án
4.3.1 Tăng cường tự do kinh tế
4.3.1.1 Tự do hóa thương mại
Mặc dù chỉ số tự do thương mại chung của Việt Nam thấp nhưng mức độ tự do hóa đối với các mặt hàng công nghệ cao của Việt Nam so với các mặt hàng như phương tiện giao thông, nông sản (những mặt hàng nhạy cảm cần được bảo hộ theo chính sách và định hướng hiện tại của Việt Nam)… ở mức khá cao. Nhiều mặt hàng công nghệ cao nhập khẩu vào Việt Nam chỉ chịu thuế suất thông thường 5%, thuế suất ưu đãi theo các FTA là 0%. Trừ một số mặt hàng thuộc nhóm máy điện, thiết bị điện có mức thuế ưu đãi khá cao, khoảng 20-30%. Như vậy, để thuận lợi cho xuất khẩu hàng công nghệ cao, Việt Nam cần hạ thấp rào cản trực tiếp đối với các linh phụ kiện để sản xuất hàng công nghệ cao, đặc biệt là nhóm hàng điện, điện tử. Những rào cản này sẽ được giảm theo đúng lộ trình cắt giảm đã cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Ngoài ra, trong quá trình đàm phán các FTA khác, Việt Nam cũng nên chủ động cam kết giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan liên quan đến hàng công nghệ cao. Việc cắt giảm này không chỉ tác động tích cực đến xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam thông qua giảm chi phí đầu vào và chi phí sản xuất; mà còn tạo áp lực lên các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải cải thiện khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghệ cao ra nước ngoài.
Vấn đề chỉ còn là làm thế nào để tự do hóa thương mại nhưng không khiến Việt Nam bị lún sâu hơn vào tình trạng gia công xuất khẩu. Một giải pháp phổ biến cho vấn đề này mà các nước như Trung Quốc, Thái Lan đã áp dụng thành công là đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Dựa vào đó, doanh nghiệp trong nước có thể tự cung cấp, qua đó tự chủ các nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào phục vụ sản xuất hàng công nghệ cao, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu, nhờ đó giảm tỷ lệ gia công, đồng thời tăng giá trị nội địa cho hàng công nghệ cao xuất khẩu.
4.3.1.2 Tự do hóa kinh doanh
Mức độ tự do hoá kinh doanh phản ánh hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh, được đo lường thông qua số lượng thủ tục, thời gian, chi phí để thành lập doanh nghiệp, để lấy được giấy phép hoặc giải thể doanh nghiệp. Do đó, để cải thiện mức độ tự do hoá trong lĩnh vực kinh doanh, cần phải cải tiến quy trình thủ tục theo hướng giảm bớt, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, qua đó cắt giảm số lượng, thời gian và chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để xin giấy phép kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp và trong quá trình hoạt động. Loại bỏ những khó khăn này sẽ tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tập trung khai thác tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghệp cao.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy trình liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ giảm 20% số quy định và 20% chi phí để tuân thủ quy định của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh. Để đạt được mục tiêu này, các bộ ngành có liên quan đang tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện liên quan đến công tác quản lý kinh doanh thuộc quyền hạn của mình.
Không chỉ đơn giản hoá các thủ tục về đăng ký và xin giấy phép kinh doanh, các thủ tục liên quan đến giải thể doanh nghiệp cũng phải được cải tiến. Tương tự như xin thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, các thủ tục để chấm dứt hoạt động kinh doanh cần được thay đổi theo hướng giảm bớt số lượng thủ tục, giảm thời gian và chi phí để hoàn thành thủ tục. Ngoài ra, các thủ tục giải thể cần phải đảm bảo giúp doanh nghiệp có thể thu hồi tài sản còn lại, thể hiện ở tỷ lệ thu hồi sau khi giải thể.
Ngoài ra, cần chú ý việc cắt giảm quy định, thủ tục không cần thiết phải thực hiện triệt để, không để tình trạng bổ sung quy định mới về điều kiện kinh doanh vào các quy định mới ban hành nhưu bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hàng hoá như thực tế xảy ra trong thời gian qua tại Việt Nam.
Bên cạnh việc cắt giảm các thủ tục kinh doanh, Việt Nam cần phải tích cực hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình thủ tục, tiến tới
số hoá các công đoạn trong quy trình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, xin cấp phép, xin giấy phép xuất nhập khẩu…. Đây là giải pháp vừa giúp cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, vừa tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh.
Việt Nam cũng nên học hỏi các quốc gia khác, điển hình là Singapore trong việc tạo kết nối thường xuyên và thực chất với doanh nghiệp qua nhiều kênh, qua đó tạo lập và duy trì đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ cao với cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời nắm bắt, giải đáp và giải quyết các vấn đề, khó khăn phát sinh trong thực tế liên quan đến quy trình, thủ tục quản lý Nhà nước. Vấn đề này đã nằm trong các giải pháp định hướng của Việt Nam, tuy nhiên việc triển khai trong thực tế đạt hiệu quả chưa cao.
Cuối cùng, việc đơn giản hoá, cải tiến quy trình, quy định quản lý kinh doanh phải đi kèm với khâu truyền thông mãnh mẽ để doanh nghiệp nhanh chóng nhận được, hiểu được các quy định mới và kịp thời điều chỉnh, chuẩn bị và đáp ứng các quy định mới. Nếu không, việc đổi mới có thể có tác dụng ngược lại, khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian và chi phí để cập nhật và thay đổi hoạt động kinh doanh để phù hợp với sự thay đổi của các quy định quản lý của Nhà nước.
4.3.1.3 Tự do hoá tiền tệ
Về cơ bản, mục tiêu trong quản lý lĩnh vực tiền tệ của các quốc gia là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nhưng mục tiêu giữ ổn định giá cả, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế còn quan trọng hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô bị tác động nặng nề bởi những cú sốc lớn như thảm hoạ tự nhiên hay các dịch bệnh toàn cầu. Bởi lẽ, trong những hoàn cảnh đó, mục tiêu giảm can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực tiền tệ để cải thiện mức độ tự do tiền tệ sẽ không phải là ưu tiên so với mục tiêu duy trì sự ổn định của giá cả. Khi đó, vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ sẽ phát huy tác dụng thông qua các chính sách, biện pháp can thiệp phù hợp như giảm lãi suất, cung cấp các khoản vay ngắn hạn, giúp các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản, cung cấp các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ cao…
Tuy nhiên, trong dài hạn, khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định thì việc tăng mức độ tự do tiền tệ bằng cách việc nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, đồng thời giảm can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực này sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp khai thác tiềm năng xuất khẩu tốt hơn.