7. Bố cục của luận án
1.1.1 Cách xác định và phân loại hàng công nghệ cao
Để xác định một hàng hoá có phải là hàng công nghệ cao hay không, thông thường các nhà nghiên cứu thường dựa vào hàm lượng công nghệ trong hàng hoá đó. Quan điểm về cách xác định hàm lượng công nghệ trong hàng hoá và mức độ hàm lượng công nghệ trong hàng hóa là bao nhiêu để hàng hóa đó được công nhận là hàng công nghệ cao cho đến ngày nay vẫn chưa thống nhất. Tuy nhiên, một cách tổng quát có hai tiêu chí phổ biến để xác định hàm lượng công nghệ của một hàng hóa là chi phí (R&D) và mức độ thâm dụng các yếu tố đầu vào.
(1) Hàng hóa được phân loại dựa vào tiêu chí chi phí R&D của hàng hóa: Theo
Boretsky (1971), hàng công nghệ cao là hàng hóa có chi phí R&D cao. Dựa vào tiêu chí này, Hoa Kỳ đã xây dựng danh mục hàng công nghệ cao đầu tiên trên thế giới vào năm 1971, gọi tắt là DOC1. Danh mục này căn cứ vào hai chỉ tiêu là tỷ tệ chi phí R&D trên tổng giá trị gia tăng của hàng hóa và tỷ lệ lao động được đào tạo về khoa học và kỹ thuật trên tổng lao động. Theo đó, một ngành được xem là ngành công nghệ cao nếu hai tiêu chí này đạt tối thiểu 10%. DOC1 sau đó đã được nâng cấp thành DOC2 vào năm 1977. DOC2 xác định một sản phẩm là hàng công nghệ cao hay thấp dựa trên chi phí R&D trên doanh thu. Trên cơ sở DOC1 và DOC2 và kết quả nghiên cứu của David (1982), Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra DOC3 vào năm 1982. DOC3 căn cứ vào chỉ tiêu chi phí R&D trên doanh thu ở hai cấp độ nhà sản xuất trung gian và nhà sản xuất cuối cùng để phân loại hàng hoá theo hàm lượng công nghệ, từ đó xác định những hàng hóa nhất định là hàng công nghệ cao.
Ngoài DOC1, DOC2 và DOC3, Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ còn đưa ra một danh mục các ngành công nghệ cao dựa trên tiêu chí mức đầu tư cho R&D. Theo đó, một hàng hóa được sản xuất trong ngành có mức đầu tư cho R&D chiếm tối thiểu 3,5% doanh thu và tỷ lệ lao động là nhà khoa học hoặc kỹ sư trong tổng số lao động của ngành đạt tối thiểu 2,5% thì hàng hóa đó được xem là hàng công nghệ cao. OECD cũng phát triển một danh mục phân loại hàng hoá theo hàm lượng công nghệ. Danh
mục đầu tiên được giới thiệu vào năm 1985, gọi tắt là OECD1. OECD1 căn cứ vào tỷ trọng R&D trên sản lượng của mỗi ngành để phân loại hàng hóa được sản xuất trong ngành đó. Cụ thể là, hàng hóa được phân loại thành thành 03 nhóm theo mức độ thâm dụng R&D: (1) Nhóm có mức độ thâm dụng R&D trên 4%; (ii) Nhóm có mức độ thâm dụng R&D từ 1% đến 4%; (iii) Nhóm có mức độ thâm dụng R&D dưới 1%. Danh mục OECD2 được giới thiệu vào năm 1989 cũng dựa trên chỉ tiêu thâm dụng R&D để phân chia hàng hoá thành 03 nhóm gồm nhóm hàng công nghệ cao, nhóm hàng công nghệ trung bình và nhóm hàng công nghệ thấp. OECD3 ra đời năm 1997 dựa vào kết quả nghiên cứu của Hatzichronoglou (1997) chia nhóm hàng công nghệ trung bình thành hai nhóm nhỏ hơn là nhóm hàng công nghệ trung bình cao và nhóm hàng công nghệ trung bình thấp. Tiếp theo, đến năm 2001, OECD nâng cấp các ngành sản xuất thiết bị y tế, thiết bị chính xác và quang học từ nhóm công nghệ trung bình cao lên nhóm công nghệ cao. Đến năm 2007, OECD tiếp tục điều chỉnh danh mục một lần nữa và sử dụng khái niệm thâm dụng R&D trực tiếp và gián tiếp. Ngoài tiêu chí chi phí R&D, OECD còn sử dụng nhiều tiêu chí khác để đo lường hàm lượng công nghệ của hàng hoá. OECD (2005) đề xuất sử dụng các yếu tố như nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới; tầm quan trọng chiến lược của sản phẩm; khoảng thời gian chờ đợi giữa các công đoạn nghiên cứu cơ bản - ứng dụng vào sản xuất - thương mại hoá và sự lạc hậu do các sản phẩm bị chồng chéo; rủi ro; liên kết quốc tế trong hoạt động R&D, sản xuất và thương mại hoá. Tuy nhiên, các yếu tố này thường rất khó được lượng hóa nên được ứng dụng hạn chế trong các nghiên cứu ngày nay. Do đó, cho đến nay chi phí R&D vẫn là tiêu chí chủ yếu để xác định một hàng hóa có phải hàng công nghệ cao hay không.
(2) Hàng hóa còn được phân loại dựa vào mức độ thâm dụng các yếu tố đầu
vào cấu thành nên hàng hóa: Những yếu tố này bao gồm tài nguyên thiên nhiên, lao
động, quy mô sản xuất, khoa học và sự khác biệt. Tiêu biểu cho quan điển này là Lall (2000). Theo Lall (2000), hàng hoá được chia thành bốn nhóm: (i) Hàng hoá dựa vào tài nguyên là những hàng hoá đơn giản và thâm dụng lao động; (ii) Hàng công nghệ thấp là những hàng hoá có công nghệ ổn định, dễ bắt chước; (iii) Hàng công nghệ trung bình là những hàng hoá có công nghệ phức tạp, có mức độ R&D khá cao, đòi hỏi lao động có kỹ năng cao cấp và thời gian đào tạo dài; (iv) Hàng công nghệ cao là
những hàng hoá có công nghệ tiên tiến và thay đổi nhanh, đầu tư cho R&D cao, tập trung chủ yếu vào thiết kế sản phẩm. Trong nhóm này, những hàng hóa được xem là công nghệ tiên tiến nhất đòi hỏi hạ tầng công nghệ phức tạp, kỹ năng kỹ thuật chuyên môn hoá ở mức cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các hãng, giữa các hãng và các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong nhóm hàng công nghệ cao, hàng hoá lại được chia thành hai phân nhóm nhỏ là hàng điện, điện tử và các hàng công nghệ cao khác. Sở dĩ phân chia như vậy là do phân nhóm thứ nhất gồm các hàng hoá thâm dụng lao động, điều này khiến cho chúng thường nằm ở những khu vực được trả lương thấp. Trong khi đó, các hàng hoá ở phân nhóm thứ hai như máy bay, thiết bị chính xác, dược phẩm có mức độ thâm dụng cao kỹ năng, công nghệ và mạng lưới. Do đó, lợi thế so sánh của chúng có nguồn gốc từ yếu tố công nghệ, không phải từ lao động như các hàng hóa thuộc phân nhóm thứ nhất. Cách phân loại theo mức độ thâm dụng các yếu tố đầu vào của Lall (2000) hiện nay được sử dụng rất rộng rãi trong các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu độc lập cũng như các tổ chức quốc tế có uy tín, đặc biệt là WITS-WTO.
Tóm lại, có nhiều cách để quyết định một hàng hoá có phải là hàng công nghệ cao hay không, nhưng tựu chung lại có thể tổng kết như sau: Một hàng hoá được xem là hàng công nghệ cao nếu hàng hoá đó chứa một hàm lượng công nghệ nhất định trong nó. Hàm lượng công nghệ thường được xác định qua một trong hai tiêu chí là chi phí R&D hoặc mức độ thâm dụng các yếu tố đầu vào. Ngoài ra, tiêu chí thâm dụng các yếu tố đầu vào do Lall (2000) đề xuất cũng được áp dụng phổ biến. Theo cách phân loại này hàng công nghệ cao gồm các sản phẩm như hóa chất vô cơ, dược phẩm không phải thuốc, tua bin hơi nước, máy móc và thiết bị điện, máy văn phòng, máy tính, máy thu hình, thiết bị chụp ảnh, thiết bị quang học, thiết bị đo lường - giám sát, thiết bị chuẩn đoán y khoa, máy bay, tàu bay… Luận án sử dụng cách phân loại hàng hoá của Lall (2000) để xác định các mặt hàng cụ thể là hàng công nghệ cao. Bảng 1.1 thống kê các nhóm hàng công nghệ cao ở cấp độ ba chữ số theo Hệ thống phân loại thương mại quốc tế tiêu chuẩn được sửa đổi lần thứ ba (SITC sửa đổi lần 3), dựa trên nghiên cứu của Lall (2000):
Bảng 1.1: Danh mục hàng công nghệ cao
Mã hàng hóa Mô tả hàng hóa
524 Các loại hóa chất vô cơ khác
541 Dược phẩm không phải thuốc
712 Tua bin hơi nước
716 Máy phát điện xoay chiều
718 Máy phát điện và các thành phần của nó
751 Máy văn phòng
752 Thiết bị máy tính
759 Các thành phần và phụ kiện của máy văn phòng
761 Máy thu hình
764 Thiết bị viễn thông
771 Các bộ phận của máy phát điện xoay chiều
774 Các thiết bị chuẩn đoán bằng điện dùng cho y khoa
776 Van và ống điện cực
778 Máy và thiết bị điện
792 Máy bay, tàu bay
871 Thiết bị quang học
874 Thiết bị đo lường, giám sát
881 Thiết bị chụp ảnh
Nguồn: SITC, bản sửa đổi lần 3