7. Bố cục của luận án
1.1.2 Khái niệm tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao
Theo Fingerman và cộng sự (2017), tiềm năng xuất khẩu là khả năng về các nguồn lực để thực hiện xuất khẩu như tài chính, tài nguyên thiên nhiên, con người, khoa học công nghệ… Abdimomynova (2018) lại cho rằng tiềm năng xuất khẩu
không chỉ gồm tiềm năng về các nguồn lực phục vụ xuất khẩu mà còn bao hàm tiềm năng về thị trường và khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Nhìn chung, những cách định nghĩa kể trên đều mang tính định tính, khó ước lượng và xác định chính xác tiềm năng xuất khẩu là bao nhiêu. Theo Kalirajan (1999), tiềm năng xuất khẩu là mức xuất khẩu tối đa mà một quốc gia có thể đạt được với các yếu tố ảnh hưởng cho trước và các yếu tố hạn chế xuất khẩu ở mức tối thiểu. Dựa trên quan điểm này, Sultan và Munir (2015) chỉ ra rằng khoảng cách giữa mức xuất khẩu thực tế đạt được và mức xuất khẩu tối đa chính là tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác. Cách định nghĩa này làm cho tiềm năng xuất khẩu có thể đo lường được, nhưng dựa vào đó không thấy được nguồn gốc của tiềm năng xuất khẩu. Mặc dù còn hạn chế nhưng quan điểm của Kalirajan (1999) vẫn được nhiều nhà nghiên cứu như Amstrong (2007), Miankhel và cộng sự (2009), Deluna và Cruz (2014)… ủng hộ.
Để hiểu rõ bản chất của tiềm năng xuất khẩu cần xem xét mục tiêu thực sự của các quốc gia. Các quốc gia mong muốn thúc đẩy xuất khẩu để hưởng lợi ích do hoạt động này mang lại, vì thế các quốc gia có xu hướng lựa chọn những thị trường có tiềm năng cao hoặc những thị trường còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác nhằm khai thác tối đa lợi ích mà thị trường đó mang lại (Mandal, Shukla và Siddiqui, 2018). Theo ITC (2019), tiềm năng xuất khẩu là một tín hiệu của tăng trưởng xuất khẩu. Tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác ở mức cao ám chỉ còn nhiều cơ hội đạt được lợi ích tăng thêm nhờ tăng trưởng xuất khẩu. Vì thế, mong muốn khai thác tiềm năng sẽ khiến các nước gia nhập WTO (Prasad, 2002) và đầu tư thêm cho công nghệ (Pham và cộng sự, 2019) để tận dụng cơ hội. Như vậy, mục tiêu của các quốc gia không phải là tăng tiềm năng xuất khẩu mà là khai thác tiềm năng xuất khẩu hay thúc đẩy xuất khẩu đạt mức tiềm năng. Nói cách khác, tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác là động lực để các quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai. Mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa mức xuất khẩu thực tế với tiềm năng xuất khẩu khiến các quốc gia nỗ lực để giảm mức phi hiệu quả xuất khẩu. Do đó, các nghiên cứu thường phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phi hiệu quả xuất khẩu làm căn cứ để đề xuất giải pháp nhằm giảm mức phi hiệu quả xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu đạt mức tiềm năng (Deluna và Cruz, 2014).
Trên cơ sở các quan điểm khác nhau về tiềm năng xuất khẩu, đồng thời xuất phát từ mong muốn đưa ra một khái niệm chung có thể phản ánh đầy đủ cả các khía cạnh của tiềm năng xuất khẩu, cũng như xác định được chính xác mục tiêu của các quốc gia trong khai thác tiềm năng xuất khẩu, luận án đưa ra khái niệm về tiềm năng xuất khẩu như sau: “Tiềm năng xuất khẩu của một quốc gia là mức xuất khẩu tối đa
mà quốc gia đó có thể đạt được với các yếu tố cung, cầu và các yếu tố khuyến khích hoặc cản trở xuất khẩu cho trước”. Khái niệm này vừa phản ánh được nhiều mặt của
tiềm năng xuất khẩu, vừa khiến cho tiềm năng xuất khẩu có thể định lượng được. Trên cơ sở khái niệm về tiềm năng xuất khẩu nói chung, tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao có thể được định nghĩa như sau: “Tiềm năng xuất khẩu hàng công
nghệ cao của một quốc gia là mức xuất khẩu hàng công nghệ cao tối đa mà quốc gia đó có thể đạt được với các yếu tố cung, cầu và các yếu tố khuyến khích hoặc cản trở xuất khẩu cho trước”. Về mặt bản chất tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao có
thể được hiểu một cách đơn giản là “khả năng tăng trưởng của xuất khẩu hàng công
nghệ cao trong tương lai”. Khả năng tăng trưởng có giới hạn là mức tối đa. Nó có
thể đạt được bằng cách tăng các yếu tố khuyến khích đến mức tối đa hoặc giảm các yếu tố cản trở đến mức tối thiểu.
Cũng theo khái niệm này thì tiềm năng xuất khẩu sẽ gồm hai thành phần: tiềm năng xuất khẩu đã khai thác và tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác. Khái niệm tiềm năng xuất khẩu gắn liền với khái niệm hiệu quả và phi hiệu quả xuất khẩu. Trong đó, hiệu quả xuất khẩu chính là tỷ lệ giữa xuất khẩu đã khai thác hay xuất khẩu thực tế và tiềm năng xuất khẩu, còn phi hiệu quả xuất khẩu là nguyên nhân làm cho tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác… Từ khái niệm về hiệu quả xuất khẩu, có thể rút ra khái niệm về hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao như sau: “Hiệu quả xuất
khẩu hàng công nghệ cao là tỷ lệ giữa xuất khẩu hàng công nghệ cao đã khai thác hay xuất khẩu hàng công nghệ cao thực tế và xuất khẩu hàng công nghệ cao tiềm năng”. Phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao là nguyên nhân gây ra tiềm năng
xuất khẩu hàng công nghệ cao chưa được khai thác. Hiệu quả và phi hiệu quả xuất khẩu có mối quan hệ với nhau giúp đo lường thành phần này thông qua thành phần kia, chi tiết được trình bày ở phần sau của luận án.