7. Bố cục của luận án
4.1.1 Bối cảnh quốc tế
4.1.1.1 Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay đã trở thành một xu hướng chủ đạo và một thực tế hiển nhiên trong nền kinh tế thế giới. Nhờ đó, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế được thừa nhận, ủng hộ tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Quá trình đó khiến cho các nền kinh tế quốc gia tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành nên các thị trường rộng lớn vượt ra khỏi biên giới quốc gia và khu vực. Quá trình đó cũng tất yếu tạo cơ hội cho các quốc gia biết nắm giữ, tận dụng cơ hội để khai thác tốt hơn những lợi thế sẵn có, đồng thời bù đắp những bất lợi thế của mình, qua đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển kinh tế. Có thể nói, xu hướng này mang lại lợi ích cho tất cả các nước, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế. Bởi vì, mỗi quốc gia đều có những lợi thế so sánh riêng, và toàn cầu hóa kinh tế giúp cho mỗi quốc gia tận dụng được những lợi thế đó để mang lại lợi ích cho mình, cũng như làm tăng tổng lợi ích cho toàn thế giới.
Xu hướng toàn cầu hóa tạo áp lực buộc các quốc gia hạ thấp rào cản liên quan đến thương mại, đầu tư, vốn và lao động; giúp cho luồng hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động dễ dàng di chuyển theo quy luật cung cầu về những mặt hàng này. Hàng công nghệ cao là những mặt hàng thâm dụng công nghệ tiên tiến và lao động được đào tạo, có kỹ năng; đồng thời yêu cầu vốn đầu tư cao hơn hẳn các hàng hóa khác. Do đó, một thị trường toàn cầu đối với các nguồn lực đầu vào kể trên trên càng tự do thì sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ cao trên thị trường thế giới càng tăng trưởng. Nhờ đó, các nước đang phát triển không có lợi thế về các yếu tố mà hàng công nghệ cao thâm dụng như Việt Nam vẫn có cơ hội tận dụng thế mạnh sẵn có để khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao, đồng thời tham gia ngày càng sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu hàng công nghệ cao như sản
xuất các linh phụ kiện, thiết kết sản phẩm nhờ vào những nỗ lực đầu tư cho hoạt động R&D.
4.1.1.2 Xu hướng các quốc gia giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong ba thập niên gần đây mà thế giới gọi là “thần kỳ Trung Quốc” đã đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu ở gần như tất cả các hàng hóa, đồng thời khiến cho nền kinh tế thế giới phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc. Để đạt được thành công này, Trung Quốc đã tận dụng rất tốt những lợi thế sẵn có, đặc biệt là lợi thế về lực lượng lao động đông đảo trong giai đoạn đầu thực hiện mở cửa nền kinh tế. Nhờ đó, Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu hàng công nghệ cao, Trung Quốc là một trong số những quốc gia đầu tiên chú trọng và đầu tư rất lớn cho hoạt động R&D bên cạnh thu hút nguồn vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, Trung Quốc cũng là một trong số ít quốc gia không chỉ thoát khỏi cái bẫy gia công mà còn làm chủ nhiều khâu quan trọng và giá trị cao trong chuỗi cung ứng, trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới rất nhiều mặt hàng công nghệ cao. Trung Quốc càng thành công thì thế giới càng phụ thuộc vào quốc gia này. Điều này đặt ra nguy cơ lớn cho các quốc gia khác, ở cả góc độ là đối tác và đối thủ cạnh tranh với quốc gia này.
Ở góc độ là đối tác của Trung Quốc, việc phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc khiến hàng công nghệ cao của các nước khó đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, nguy cơ bị phía Trung Quốc ép giá hoặc rủi ro xảy ra khi nguồn cung tại Trung Quốc gặp sự cố khiến cho các quốc gia ngày càng muốn đa dạng hóa nguồn cung, thay vì phụ thuộc quá mức vào nước này. Ở góc độ đối thủ cạnh tranh, sự thống trị của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, mặt hàng khiến các quốc gia vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Áp lực từ Trung Quốc khiến cho các quốc gia này muốn đa dạng hóa nguồn cung và có xu hướng hợp tác với nhau trên các diễn đàn thương lượng về thương mại, kinh tế quốc tế để giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Quá trình này ngày càng lan rộng và dần trở thành xu hướng tại nhiều nơi trên thế giới.
Đối với Việt Nam, một mặt chúng ta tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc khác, quá trình chuyển hướng dòng hàng hóa và vốn ra khỏi Trung Quốc đem lại cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu hàng công nghệ cao. Cơ hội đến từ hai hướng. Một là, Việt Nam trở thành điểm đến mới để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc nhằm để phân tán rủi ro. Hai là, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều quốc gia chuyển sang nhập khẩu hàng công nghệ cao từ Việt Nam để tránh các rào cản thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cả hai hướng đều mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao trong thời gian tới.
4.1.1.3 Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nòng cốt là công nghệ thông tin, công nghệ số hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy thương mại quốc tế một cách công bằng, không phân biệt trình độ phát triển. Chính vì vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho các quốc gia đang phát triển, những quốc gia theo sau như Việt Nam một cơ hội công bằng hơn so với những quốc gia phát triển, những quốc gia đi trước trong việc khai thác tiềm năng xuất khẩu mặt hàng thâm dụng công nghệ, vốn và lao động có kỹ năng như hàng công nghệ cao.
Thực tế cho thấy, những quốc gia xuất khẩu hàng công nghệ cao lớn nhất thế giới hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… trong quá khứ đều từng là những quốc gia theo sau, lạc hậu về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu vốn… Nhờ định hướng đúng đắn và mạnh mẽ trong nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, khả năng R&D và cả tận dụng cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại mà các quốc gia này đã đạt được thành công vượt trội, trở thành những nhà xuất khẩu hàng công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng này cũng sẽ làm cho nhu cầu về các thiết bị công nghệ nền tảng như viễn thông, máy tính… tăng cao, kéo theo đó là các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất những mặt hàng này tăng theo. Đây cũng chính là những mặt hàng công nghệ cao mà Việt Nam đang có thế mạnh. Vì vậy, cách mạng công nghiệp
lần thứ tư chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao trong thời gian tới.
4.1.1.4 Bất ổn định địa chính trị
Những bất ổn địa chính trị có xu hướng leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, điển hình là khu vực biển Đông ở châu Á và châu Âu. Đặc biệt sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử tổng thống năm 2020 đánh dấu kết thúc thời kỳ “nước Mỹ trên hết” hứa hẹn sẽ có tác động tích cực đến sự ổn định tại khu vực Đông Á nói riêng, trong đó có Việt Nam và toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn vẫn tồn tại, có khả năng đe doạ thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.
Trước hết, sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ dẫn đến Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm cho mục tiêu hình thành một thị trường thống nhất chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn thế giới bị phá sản, đồng thời cơ hội để Việt Nam tham gia vào một chuỗi giá trị mới với các nước thành viên TPP cũng là những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng mất đi. Điều này sẽ làm giảm cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam sang một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ. Ngay cả khi TPP được thay thế bằng một hiệp định khác là CPTPP thì sự vắng mặt của nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ cũng khiến cho giá trị thực tiễn và tác động lan tỏa của CPTPP kém hơn so với TPP. Tiếp theo, những bất ổn địa chính trị tại khu vực Đông Á và biển Đông, kết hợp với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sự ổn định về chuỗi giá trị hàng hóa ở những khâu, những mặt hàng mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ nhiều khâu quan trọng, trong đó có hàng công nghệ cao. Đối với Việt Nam, do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng của Trung Quốc nên sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nếu nguồn cung bị gián đoạn. Điều đó khiến cho khả năng khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam có thể phải đối mặt với thách thức do những bất ổn địa chính trị khu vực gây ra. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, sự bất ổn tại một số khu vực trên thế giới cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng được xem là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu hàng công nghệ cao.
4.1.1.5 Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ
Toàn cầu hóa đã giúp nhiều quốc gia tăng trưởng, phát triển mạnh về kinh tế, thậm chí trở thành những cường quốc kinh tế mới, điển hình là Trung Quốc. Tuy nhiên, những mặt trái của toàn cầu hóa là lý do khiến cho nhiều quốc gia từ chỗ hoài nghi đến phản đối quá trình này và dần dần phong trào phản đối toàn cầu hóa trở thành một xu hướng. Kết quả là chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang trỗi dậy ở một số quốc gia và khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu. Ở Bắc Mỹ, chính sách “nước Mỹ trên hết” từ thời Tổng thống Donald Trump đã mở đầu cho việc nước này rút khỏi một loạt hiệp định thương mại và thể hiện sự phản đối một loạt hiệp định thương mại và tổ chức hợp tác quốc tế khác, trong đó có cả WTO. Ở châu Âu, nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh kinh tế lớn nhất thế giới sau sự kiện Brexit năm 2016. Những sự kiện này là khởi đầu cho chủ nghĩa bảo hộ kinh tế quay trở lại.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia đã khiến cho họ tăng cường các rào cản thương mại nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất và việc làm trong nước. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng bị hạn chế ở những mức độ nhất định nhằm giữ chúng ở lại trong nước. Những thay đổi này sẽ tác động, cản trở chuyển dịch hàng hóa, vốn đầu tư trên thế giới nói chung và tại một số khu vực nói riêng. Đối với Việt Nam, hàng công nghệ cao của Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường đề cao chủ nghĩa bảo hộ hơn trước sẽ gặp khó khăn vì phải vượt qua những rào cản mới. Điều đó cản trở Việt Nam khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao trong thời gian tới.
4.1.1.6 Nguy cơ dịch bệnh
Sự gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau trong những mối quan hệ kinh tế chồng chéo giữa các quốc gia vừa là một yếu tố đảm bảo sự ổn định về mặt an ninh, chính trị và tăng khả năng đối phó với các vấn đề toàn cầu một cách hiệu quả, tuy nhiên điều này cũng đồng thời dẫn đến những tác động dây chuyền có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hệ thống kinh tế thế giới khi có một sự kiện bất lợi xảy ra ở một khâu nào đó, ví dụ như sự lây lan dịch bệnh vượt khỏi phạm vi một quốc gia.
Hội nhập và toàn cầu hóa khiến cho dịch bệnh dễ dàng lây lan ra các quốc gia, châu lục trên toàn thế giới. Tác động tức thì khi một dịch bệnh bùng phát tại một quốc gia là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại quốc gia đó bị đình trệ, kéo theo là tác động dây chuyển ở các mức độ khác nhau đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tùy thuộc vào tầm quan trọng của quốc gia đó. Vai trò của quốc gia đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu càng lớn thì ảnh hưởng của sự gián đoạn tại quốc gia đó đến chuỗi cung ứng càng nghiêm trọng.
Trong đợt dịch COVID - 19 bùng phát khắp thế giới từ đầu năm 2020, gần như tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Tất cả các khâu của quá trình xuất khẩu hàng hóa đều bị ảnh hưởng, từ sản xuất, vận chuyển, làm thủ tục hải quan… đều bị ngưng trệ hoặc kéo dài, làm phát sinh rất nhiều chi phí và rủi ro liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp và ngắn hạn, dịch bệnh bùng phát còn gây ra những tác động trong dài hạn đến luồng dịch chuyển hàng hóa trên thế giới.
Đối với một quốc gia có xuất khẩu phụ thuộc chặt chẽ vào gia công và đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì các doanh nghiệp xuất khẩu phải có những phương án đối phó với những rủi ro bất khả kháng do dịch bệnh mang lại như thiếu nguồn cung để sản xuất dẫn đến không hoàn thành hợp đồng đã ký; hàng hóa sản xuất xong nhưng không thể giao hàng đúng hạn làm phát sinh chi phí lưu kho bãi, chi phí chờ làm thủ tục hải quan; đối tác nhập khẩu gặp khó khăn về tài chính không thể thanh toán hợp đồng đúng hạn; hàng hóa bị hư hỏng, thất lạc trong quá trình vận chuyển do thiếu lao động tại cảng, tàu… trong thời gian các quốc gia thực hiện phong tỏa xã hội… Ở một góc độ khác, dịch bệnh toàn cầu có thể làm tăng nhu cầu đối với các mặt hàng chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân toàn cầu. Đây là cơ hội để gia tăng xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ cao liên quan đến nhu cầu này, cụ thể là các loại dược phẩm không phải thuốc của Việt Nam.
4.1.1.7 Tác động của biến đổi khí hậu
Biến đối khí hậu là vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới đặc biệt là trong những thập niên gần đây. Biến đổi khí hậu có thể gây ra hoặc
làm tăng mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng tự nhiên thông thường như bão, lũ lụt, lở đất… thậm chí tạo ra những thảm họa thiên nhiên chưa từng có trong lịch sử gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của con người và làm gián đoạn quá trình sản xuất, kinh doanh của các nền kinh tế, điển hình là trận sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, những siêu bão hàng năm với mức độ gây thiệt hại càng ngày càng tăng tại