Các yếu tố ảnh hưởng trong mô hình trọng lực biên ngẫu hiên

Một phần của tài liệu Luận án phân tích tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của việt nam (Trang 51 - 56)

7. Bố cục của luận án

1.1.4 Các yếu tố ảnh hưởng trong mô hình trọng lực biên ngẫu hiên

Như đã trình bày ở phần trên, tiềm năng xuất khẩu sẽ được ước lượng thông qua mô hình trọng lực biên ngẫu nhiên. Kết quả ước lượng bằng mô hình trọng lực biên ngẫu nhiên không chỉ bao gồm tiềm năng xuất khẩu mà còn có các chỉ tiêu liên quan như hiệu quả và phi hiệu quả xuất khẩu. Luận án sẽ tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố đến phi hiệu quả xuất khẩu. Như vậy, sẽ có hai bước hay hai mô hình nhỏ gồm có: mô hình ước lượng tiềm năng xuất khẩu và mô hình đánh giá tác động của các yếu tố đến phi hiệu quả xuất khẩu. Ở phần tiếp theo, luận án sẽ lần lượt trình bày tác động của các yếu tố trong hai mô hình này:

1.1.4.1 Mô hình ước lượng tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao

Mô hình ước lượng tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao bao gồm ba nhóm yếu tố cơ bản theo mô hình trọng lực truyền thống: Trước hết, về phía cung có hai yếu tố là quy mô kinh tế và quy mô dân số của nước xuất khẩu; Tiếp theo, về phía cầu có hai yếu tố là quy mô kinh tế và quy mô dân số của nước nhập khẩu; Cuối cùng, nhóm các yếu tố khuyến khích hoặc cản trở xuất khẩu mang tính chất tự nhiên

gồm có khoảng cách địa lý và vị trí tiếp giáp biển của nước nhập khẩu. Mối quan hệ và chiều hướng tác động của các yếu tố có thể được giải thích như sau:

- Quy mô kinh tế

Quy mô kinh tế phản ánh khía cạnh cung và cầu của xuất khẩu. Quy mô kinh tế thường được đo lường bằng chỉ số GDP. Về phía cung, quy mô kinh tế của nước xuất khẩu thể hiện khả năng sản xuất hay cung ứng hàng hàng xuất khẩu. Do đó, có thể giả định rằng quy mô kinh tế nước xuất khẩu càng cao thì xuất khẩu hàng hóa càng lớn. Giả thuyết này được ủng hộ bởi kết quả nghiên cứu của Kabaklarli và cộng sự (2007) và Mehrara và cộng sự (2017).

Về phía cầu, quy mô kinh tế của nước nhập khẩu phản ánh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Nói cách khác, quy mô kinh tế của nước nhập khẩu càng lớn thì xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đó càng cao. Tác động kéo của yếu tố này đến xuất khẩu đã được công nhận trong rất nhiều nghiên cứu về thương mại song phương nói chung và xuất khẩu nói riêng. Trong các nghiên cứu có ước lượng tiềm năng xuất khẩu, tác động này cũng được thừa nhận trong nghiên cứu của Amstrong và cộng sự (2007), Deluna và Cruz (2014), Pham và cộng sự (2019)…

- Quy mô dân số:

Tương tự yếu tố quy mô kinh tế, quy mô dân số cũng phản ánh cả hai khía cạnh cung và cầu của xuất khẩu hàng hóa. Ở khía cạnh cung, nước xuất khẩu có quy mô càng lớn thì khả năng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa càng cao. Hơn nữa, nguồn lực lao động dồi dào thường kèm theo chi phí lao động giá rẻ, điều này sẽ tạo điều kiện giảm giá hàng xuất khẩu, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Ở chiều hướng ngược lại, quy mô dân số thể hiện cầu của nước ngoài về hàng hóa xuất khẩu của một nước. Nói tóm lại, quy mô dân số càng lớn thì khả năng xuất khẩu và

cầu đối với hàng xuất khẩu càng lớn (Huang và cộng sự, 2017; Rahman và cộng sự, 2017).

- Khoảng cách địa lý giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu:

Khoảng cách giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu càng xa thì chi phí vận chuyển hàng hóa càng lớn (Deluna và Cruz, 2014; Atif và cộng sự, 2016). Ngoài ra,

khoảng cách càng lớn thì co giãn theo giá của hàng xuất khẩu càng lớn, dẫn đến xuất khẩu giảm (Bhattacharya và Bhattacharya, 2007). Vì vậy, có thể giả định rằng khoảng cách địa lý có tác động ngược chiều với xuất khẩu.

- Vị trí tiếp giáp biển của nước nhập khẩu:

Quốc gia có vị trí địa lý tiếp giáp biển có lợi thế về giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển. Do đó, trong trường hợp này chi phí vận tải hàng hóa sẽ giảm so với trường hợp một quốc gia không tiếp giáp biển. Lợi thế về chi phí sẽ giúp giảm giá hàng hóa được xuất khẩu vào các quốc gia đó. Giá cả giảm là lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa tại thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang những nước tiếp giáp biển. Do đó, có thể suy luận rằng xuất khẩu hàng hóa sang các nước có vị trí tiếp giáp biển cao hơn so với xuất khẩu hàng hóa sang các nước không có vị trí tiếp giáp biển (Limao và Venables, 2001; Marteau và cộng sự, 2007).

1.1.4.2 Mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao

a) Nhóm các yếu tố phản ánh chính sách tự do kinh tế

- Tự do thương mại:

Ảnh hưởng của các rào cản thương mại, được đo lường bởi mức độ tự do thương mại lên thương mại song phương đã được đề cập rất nhiều trong lý thuyết về thương mại quốc tế. Các rào cản thương mại bao gồm rào cản thuế quan và rào cản phi thuế quan làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, qua đó làm tăng giá bán và giảm số lượng hàng hóa nhập khẩu (Khorana và Narayanan, 2017). Do đó, các rào cản thương mại sẽ làm giảm thương mại song phương. Đối với nước xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào gia công thì việc thực hiện tự do hóa thương mại, giảm rào cản với các đầu vào được nhập khẩu có tác động giảm chi phí và giá thành hàng xuất khẩu, qua đó giảm mức độ phi hiệu quả xuất khẩu. Tóm lại, tự do thương mại tại nước xuất khẩu có tác động giảm phi hiệu quả xuất khẩu.

- Tự do kinh doanh:

Tự do kinh doanh ám chỉ những khó khăn và chi phí mà doanh nghiệp phải trải qua từ khi bắt đầu, vận hành đến khi đóng cửa một doanh nghiệp, đồng thời phản ánh hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh. Hussain và Haque (2016) cho rằng chính sách tự do kinh doanh là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia có mức độ tự do kinh doanh càng cao thì doanh nghiệp càng tiết kiệm được nhiều chi phí hoạt động, qua đó giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh về giá, tăng hiệu quả xuất khẩu. Tóm lại, mức độ tự do kinh doanh càng cao của cả nước xuất khẩu và nhập khẩu thì phi hiệu quả xuất khẩu càng giảm.

- Tự do tiền tệ:

Tự do tiền tệ phản ánh hiệu quả can thiệp của chính phủ nhằm đạt mục tiêu ổn định về giá cả. Theo đó, chính phủ càng ít can thiệp thì lĩnh vực tiền tệ càng được xem là tự do. Giá cả ổn định giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh, qua đó giảm bớt những chi phí liên quan đến rủi ro liên quan đến biến động giá trên thị trường. Do đó, có thể đặt giả thuyết rằng tự do tiền tệ tại nước xuất khẩu hay nước nhập khẩu càng tăng thì phi hiệu quả xuất khẩu càng giảm (Amstrong, 2007; Miankhel và cộng sự, 2009; Deluna và Cruz, 2014; Atif và cộng sự, 2016).

- Nước xuất khẩu và nhập khẩu cùng là thành viên của các FTA:

Các FTA là những định chế thương mại quốc tế với một hệ thống các quy định về việc bãi bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại đa phương, bao gồm cả rào cản thuế quan và phi thuế quan. Việc cùng là thành viên của các FTA sẽ khiến hàng hóa được xuất nhập khẩu một cách dễ dàng, tránh được các rào cản thương mại. Do đó, việc nước xuất khẩu và nước nhập khẩu cùng là thành viên FTA có thể giảm phi hiệu quả xuất khẩu (Miankhel và cộng sự, 2009; Deluna và Cruz, 2014). Đặc biệt, luận án đưa riêng WTO là một yếu tố ảnh hưởng đến phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam, bên cạnh các FTA nói chung với kỳ vọng rằng WTO sẽ có tác động làm giảm phi hiệu quả xuất khẩu (Kumbhakar và cộng sự, 2015; Atif và cộng sự, 2016).

b) Nhóm các yếu tố then chốt đối với xuất khẩu hàng công nghệ cao

Luận án sẽ xem xét tác động của các yếu tố như chất lượng nguồn nhân lực, FDI, khả năng R&D đến phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam với tư cách là nguyên nhân gây ra tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác. Luận án chọn nghiên cứu những yếu tố này sở dĩ vì đây chính là những nguồn lực đầu vào quan trọng đối với xuất khẩu hàng công nghệ cao. Đặc biệt, ở những quốc gia đang phát triển với đặc điểm khan hiếm vốn và trình độ công nghệ chưa cao thì nguồn vốn FDI là một kênh quan trọng có vai trò thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghệ cao. Gokmen và Turen (2013) đã chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ dài hạn (quan hệ nhân quả) bên cạnh mối quan hệ ngắn hạn giữa các yếu tố như sự phát triển con người, tự do kinh tế, FDI và xuất khẩu hàng công nghệ cao. Mặc dù chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố trên đến phi hiệu quả xuất khẩu, tuy nhiên có thể giải thích bằng lí luận các ảnh hưởng trên như sau:

- Chất lượng nguồn nhân lực:

Nguồn nhân lực là yếu tố đầu vào quan trọng, phản ánh nguồn vốn dựa trên kiến thức. Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì nguồn lực con người giúp cải thiện chất lượng hàng hóa, năng suất lao động, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghệ cao (Mehrara và cộng sự, 2017). Ngoài ra, theo Barlevy (2004) và Tebaldi (2011), hàng công nghệ cao là hàng hóa thâm dụng lao động có kỹ năng (thâm dụng nguồn lực con người) nên nguồn nhân lực đóng vai chính trong việc giải thích xuất khẩu hàng công nghệ cao. Còn theo Gokmen và Turen (2013), nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ hấp thụ tốt các công nghệ được chuyển giao thông qua hoạt động FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng công nghệ cao. Nói tóm lại, chất lượng nguồn nhân lực là động lực chính thúc đẩy khai thác tốt hơn tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác của hàng công nghệ cao của Việt Nam.

- Khả năng R&D:

Theo Kizilkaya và cộng sự (2016), hoạt động R&D hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất và tạo ra những công nghệ sản xuất mới, qua đó làm tăng khả năng cạnh tranh và tăng xuất khẩu hàng công nghệ cao. Sandu và Ciocanel (2014) so sánh ảnh hưởng của chi phí R&D tại khu vực tư nhân và chi phí R&D tại khu vực

công cộng đến xuất khẩu hàng công nghệ cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy chi phí R&D cao nhưng không được hỗ trợ bởi chất lượng thể chế tốt cũng không thúc đẩy được xuất khẩu hàng công nghệ cao (Mehrara và cộng sự, 2017). Theo Fingerman và cộng sự (2017), tiềm năng khoa học công nghệ hay R&D là một bộ phận của tiềm năng xuất khẩu. Nhìn chung, khả năng R&D là yếu tố giúp khai thác tốt hơn tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác của hàng công nghệ cao của Việt Nam.

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là kênh thực hiện chuyển giao công nghệ sang nước xuất khẩu (Gokmen và Turen, 2013; Mehrara và cộng sự, 2017), qua đó nâng cao trình độ công nghệ và khả năng sản xuất hàng công nghệ cao. Ngoài ra, thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài thì trình độ phát triển con người của một quốc gia được nâng lên, gián tiếp ảnh hưởng đến ngành công nghệ cao và xuất khẩu hàng công nghệ cao (Gokmen và Turen, 2013). Nói tóm lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu hàng công nghệ cao (Kabaklarli và cộng sự, 2017; Tebaldi, 2011). Vì vậy, trong dài hạn có thể kỳ vọng rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp các quốc gia khai thác tốt hơn tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác của hàng công nghệ cao của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận án phân tích tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của việt nam (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)