Dựa trên cơ sở lý luận về tiềm năng xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng công nghệ cao nói riêng, luận án đã phân tích tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam. Một số đóng góp của luận án bao gồm:
Thứ nhất, luận án đã phân tích tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của
Việt Nam trên một số khía cạnh như khả năng cung ứng, chất lượng các yếu tố đầu vào, thị trường xuất khẩu, chất lượng xuất khẩu, khả năng cạnh tranh, nguồn gốc tăng trưởng xuất khẩu... Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao, tuy nhiên tiềm năng này còn hạn chế những hạn chế nhất định, đặc biệt về chất lượng xuất khẩu.
Thứ hai, luận án đã ước lượng được tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam, đồng thời tính toán được một số chỉ tiêu liên quan như tiềm năng xuất
khẩu chưa khai thác, hiệu quả và phi hiệu quả xuất khẩu. Nhìn chung, tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam còn rất lớn chỉ với gần 30% tiềm năng được khai thác, tương ứng với mức phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao lên tới 70%.
Thứ ba, luận án đã đánh giá được tác động của các yếu tố đến phi hiệu quả xuất
khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam, nguyên nhân làm cho tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam chưa được khai thác hết. Các yếu tố bao gồm chính sách tự do kinh tế của Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng R&D và nguồn vốn FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách tự do hóa các lĩnh vực thương mại, kinh doanh và tiền tệ cũng như việc tham gia các FTA (ngoài WTO) có tác động làm giảm phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện và tăng trưởng nguồn vốn FDI là những yếu tố giúp Việt Nam giảm phi hiệu quả xuất khẩu hàng công nghệ cao.
Những đóng góp kể trên sẽ là căn cứ để đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể là: Tiếp tục thực hiện tự do kinh tế hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh và tiền tệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện năng lực nội tại thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với thu hút nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn FDI) để khai thác tốt hơn tiềm năng xuất khẩu hàng công nghệ cao.