Khái niệm về văn bia

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu CHỮ nôm KHẮC TRÊN BIA đá (từ THẾ kỷ XII đến đầu THẾ kỷ XX) (Trang 27 - 29)

Ở các nước phương Đông, văn bia xuất hiện từ khá sớm, bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản (những nước có sử dụng khối chữ vuông). Theo ý kiến của Tần Công Vương Xuân Nguyên thì văn bia xuất hiện vào thời Đông Hán1. Theo ý kiến của Chu Kiếm Tâm, nhà nghiên cứu kim thạch người Trung Quốc ghi trong cuốn Kim thạch học: Sử ký, Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ ghi việc Thuỷ Hoàng (221-207 TCN) có 6 khắc thạch: "Lên Trâu Dịch, lên Thái Sơn, lên Lang Nha, lên Chi Phù, lên Kiệt Thạch, lên Cối Khê, nhiều thuyết cho là khắc vào núi đá hoặc khắc vào tấm đá rồi dựng lên. Lại nói việc Nhị Thế (207-136 TCN) tuần du các quận huyện phía đông đều có khắc lên tấm đá mà Thuỷ Hoàng đã dựng... Cái tên khắc thạch bắt đầu từ đó". Cũng theo sự chỉ dẫn của Chu Kiếm Tâm, trong Ngữ thạch của Diệp Xương Xí có ghi: "Tất cả nội dung khắc trên đá đều gọi là văn bia bắt đầu từ đời Hán về sau"; hay trong Tạp cổ lục của Âu Dương Tu cũng ghi: "Từ Hậu Hán về sau mới có văn bia, tìm văn bia trong bia thời Tiền Hán chưa thể thấy được. Như vậy văn bia từ Hậu Hán mới xuất hiện"2.

Như vậy, khái niệm văn bia là chỉ bài văn được khắc trên bia đá. Tuy nhiên, cũng là bài kí cùng loại, ở những dạng thức tồn bản khác nhau có thể mang những tên gọi không hoàn toàn tương đồng. Chẳng hạn khi được khắc vào vách đá nó được gọi là ma nhai hoặc khắc thạch, bia dựng ở tháp gọi là tháp bi, bia mộ gọi là mộ bi, mộ chí, mộ biểu, thần đạo bi... Dù vậy, hình thức thể loại về căn bản không có sai khác

1 Tần Công Vương Xuân Nguyên: Tần thuyết bi kí, Trung Quốc Thanh niên xuất bản xã, Bắc Kinh, 1977, tr.26

lớn. Như vậy, thuật ngữ văn bia, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các bài kí được dùng để khắc trên bia đá, ma nhai... vì thế, khi nói đến bia đá, chủ yếu nói đến hai dạng thức hình thể để thể hiện là bia ma nhai và bia đá hình khối.

Văn bia Việt Nam ra đời trong mối quan hệ văn hóa vùng, có sự tiếp nhận ảnh hưởng của truyền thống sáng tạo văn bia ở Trung Quốc, nhưng lại mang nét đặc trưng bản sắc của truyền thống văn hóa dân tộc. Những văn bia sớm ở nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc hiện nay tìm thấy quá ít ỏi. Trước đây, tấm bia 大 隨 九 䊷 郡 寶 安 道 場 之 碑 文Đại Tùy Cửu Chân quận bảo an đạo tràng chi bi văn đặt tại làng Trường Xuân xã Đông Minh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, dựng năm Đại Nghiệp thứ 14 (618) được các học giả Việt Nam xem là tấm bia cổ nhất hiện còn giữ được. Nhưng gần đây, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng nhiều nhà khoa học khác đã tham gia thẩm định và nghiên cứu tấm bia cổ nhất ở Việt Nam mới được phát hiện có niên hiệu đời Tùy (601) ở Bắc Ninh. Đây là một sự kiện hết sức ý nghĩa về giá trị tư liệu đối với Bi ký học Việt Nam. Niên đại của tấm bia này sớm hơn 17 năm so với tấm bia đời Tùy ở Đông Sơn, Thanh Hóa phát hiện trước đây1.

Tiếp theo tấm bia mang niên đại đời Tùy là những cột đá khắc kinh Phật ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), đời Đinh (968-979), được phát hiện và giới thiệu năm 1963 [121] .

Từ thế kỷ thứ XII, cùng với việc xây dựng một nhà nước độc lập, các hoạt động văn hóa được đề cao, lệ khắc và dựng bia trải qua các triều đại cũng có những bước phát triển đáng kể. Cho đến giai đoạn đầu thế kỷ XX, đến bất cứ thôn làng nào của nước ta, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc bộ, đều có thể bắt gặp những tấm bia đá được dựng ở chùa, đình, đền, miếu, từ đường, lăng mộ, trên sườn núi, trong hang động, ngoài cánh đồng, trong các ngõ xóm, các nhà thờ của các dòng họ... Bia đá được tạo dựng với mục đích lưu giữ, đánh dấu những công việc của làng xã nên nội dung văn bia hết sức phong phú đa dạng, có thể coi là những tư liệu quý góp phần bổ sung những chi tiết mà chính sử không ghi, đồng thời giúp nghiên cứu các vấn đề về phong tục tập quán, ngôn ngữ văn tự, cùng sự vận động phát triển của xã hội Việt Nam thời trung đại. Vì thế văn bia đã trở thành đối tượng của nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay. Đã có nhiều công trình sưu tầm, khảo cứu và giới thiệu văn bia Việt Nam ra đời,

1 Trịnh Khắc Mạnh: Tổng quan tình hình sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khai thác và đào tạo cán bộ nghiên cứu Hán Nôm năm 2012. http://hannom.org.vn/

đáp ứng nhu cầu cho xã hội và các nhà nghiên cứu liên ngành. Nhiều luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ nghiên cứu về văn bia nhìn từ các góc độ khác nhau đã bảo vệ thành công hoặc đang trong quá trình thực hiện1, góp phần giới thiệu nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu.

2.1.2. Giới thuyết về văn bia có chữ Nôm

Khái niệm về văn bia có chữ Nôm thực chất là một khái niệm rộng, thuộc phạm trù văn bia Việt Nam nói chung. Truyền thống dựng và khắc bia ở Việt Nam có từ rất sớm và kéo dài suốt thời kỳ Bắc thuộc đến hết thời kỳ phong kiến với văn tự sử dụng chính là chữ Hán. Ở những văn bia có niên đại sớm như thời Lý – Trần, chữ Nôm được sử dụng trên văn bia để ghi lại những yếu tố về tên các xứ đồng, các thửa ruộng ở các làng quê Việt, về tên gọi của người Việt thời xưa. Về sau, trên văn bia còn khắc những bài thơ, bài văn xuôi Nôm có nội dung phong phú, ghi lại thơ đề, thơ vịnh của các tao nhân mặc khách khi vãng lai qua những danh lam thắng cảnh, hoặc ghi lại các mặt sinh hoạt đời sống xã hội, sinh hoạt mang tính tín ngưỡng ở các làng quê Việt.

Do vậy, để tiện hình dung ra diện mạo của văn bia có chữ Nôm, chúng tôi chia làm 2 loại chính: Văn bia chữ Hán có chữ Nôm và văn bia chữ Nôm (khắc toàn bằng chữ Nôm). Tuy nhiên, chữ Nôm của nước ta còn tồn tại cả ở dạng chữ Nôm Tày, chữ Nôm Dao… Do vậy, ở luận án này, chúng tôi chỉ xét đến khái niệm chữ Nôm của người Kinh (hay còn gọi là chữ Nôm Việt) được khắc trên bia đá.

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu CHỮ nôm KHẮC TRÊN BIA đá (từ THẾ kỷ XII đến đầu THẾ kỷ XX) (Trang 27 - 29)