So sánh văn bia trong kho thác bản và văn bia trên thực tế

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu CHỮ nôm KHẮC TRÊN BIA đá (từ THẾ kỷ XII đến đầu THẾ kỷ XX) (Trang 60 - 67)

Do phạm vi sử dụng tài liệu văn bia rộng khắp các tỉnh của đất nước nên chúng tôi không có điều kiện đi điền dã ở nhiều nơi. Chúng tôi chỉ có thể đến được một số danh lam thắng cảnh gần nơi sinh sống và làm việc hay một số di tích qua những chuyến đi kết hợp công tác. Căn cứ vào địa điểm mà chúng tôi đi khảo sát và thực trạng văn bia có khắc chữ Nôm, chúng tôi đi vào nhận xét hai vấn đề sau:

- Số lượng văn bia hiện vật so với số lượng thác bản văn bia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

Theo thống kê khảo sát của Nguyễn Thị Kim Hoa, khi tác giả đi khảo sát thực tế ở ba huyện của Hải Phòng thì thấy rằng: Ba huyện được khảo khát thì thấy số bia mất đi đều chiếm tỷ lệ hơn 50% (so với EFEO đã in dập) [53, tr58-59]. Theo chúng tôi, thực trạng như vậy cũng diễn ra ở nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Căn cứ vào số nguồn thác bản còn lại cũng thấy rằng: nếu so sánh với thực địa thì số bia mà EFEO in dập được đã không thu thập hết mà chủ yếu in dập những tấm bia có giá trị, có niên đại sớm và chữ rõ ràng. Như vậy, con số thác bản và con số ở thực tế chắc chắn là khác xa nhau. Nếu tính về thời gian thì thời điểm EFEO sưu tầm cách rất xa thời điểm Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm. Hơn nữa, từ đầu thế kỷ XX đến nay, đất nước Việt Nam xảy ra nhiều biến động lịch sử với hai cuộc chiến tranh ngoại xâm khốc liệt, những chính sách đối với các di sản văn hóa mỗi lúc khác nhau, do vậy, sự bổ sung, sự mất mát diễn ra là điều dễ hiểu.

Kết quả đi thực tế của chúng tôi tại chùa Muống (Quang Khánh tự) xã Dưỡng Mông huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương như sau: Hiện nay chùa Muống không còn tấm bia đá nào nữa1. Tra trong kho thác bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thấy còn lưu lại được những văn bia sau:

1. Bài thơ Ngự đề chữ Hán, N011766 2. Bài thơ Ngự đề chữ Nôm , N011765,

3. Quang Khánh tự bi minh tịnh tự, niên đại Hồng Thuận thứ 5 (1515), N011788. 4. Quang Khánh tự kiều bi, niên đại Cảnh Trị (1663-1671), N0 11767/11768.

1 Đầu tháng 11 năm 2011, chúng tôi đã về chùa Muống (Quang Khánh tự) xã Ngũ Phúc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương để tìm hiểu thì được biết rằng: Chùa bị phá hỏng và đổ xuống sông Văn Úc vào những năm 1926, 1927. Ngôi chùa hiện nay được dựng lại trên đất vườn chùa xưa nên còn bảo lưu được một số ngôi tháp cổ. Những văn bia được EFEO sưu tầm đầu thế kỷ XX hiện không còn nữa (nhưng rất may thác bản hiện còn được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Qua lời kể của Đại đức Thích Đức Tuấn, trụ trì chùa Muống đã 20 năm và những bậc cao niên của làng, chúng tôi được biết thêm : trước đây, chùa có rất nhiều bia đá, trong đó có hai bia khắc 2 bài thơ của vua Lê Thánh Tông: 1 bia chữ Hán, 1 bia chữ Nôm và bia ghi công trạng của Đức Ngài thờ ở chùa và một số bia khác, nhưng tất cả đều bị đổ xuống sông.

5. Cổ tích danh lam trùng tu tín thí, niên đại Vĩnh Thọ nhà Lê (1658-1661), N011789 6. Tịnh Hạnh tháp ký tịnh minh, niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757), N011787.

Đây là những thác bản được EFEO sưu tầm đầu thế kỷ XX. Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù nơi thực địa bia đá đã mất, nhưng kho tư liệu thác bản văn bia vẫn còn lưu giữ được những văn bia có giá trị cho đời sau.

- Thực trạng hình thức văn bản ở địa phương và thác bản

Thời điểm EFEO sưu tầm là đầu thế kỷ XX, còn thực trạng ngày nay đã trải qua gần 100 năm nên so với thác bản văn bia thì tại địa điểm có văn bia tồn tại đã có sự thay đổi.

- Địa điểm thứ nhất: Núi Non Nước- tỉnh Quảng Nam: Năm 2010, khi chúng tôi có dịp đến khảo sát thì thấy rằng: Trong hang núi có tấm bia đá khắc bài thơ bằng chữ Nôm, tuy nhiên ở góc phải phía dưới đã vỡ dời. Tra trong kho thác bản văn bia của VNCHN, hiện vẫn lưu giữ được thác bản này, kí hiệu là N019279. Thác bản có vết rạn ở góc phải dưới bia nhưng phần chữ vẫn giữ được nguyên vẹn.

Ảnh 2.2. Bia đá hiện trạng tại núi Non Nước, Quảng Nam và thác bản N019279 hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

- Địa điểm thứ hai: Chùa Thầy (Sài Sơn), Hà Nội: Trên vách đá gần nơi khách tham quan tới vãn cảnh hiện vẫn còn thấy khắc 2 bài thơ Nôm. Hai bài thơ này đã có thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

- 1 thác bản có niên đại (1653-1657), kí hiệu 24905 - 1 thác bản có niên đại 1905, kí hiệu 24899

Nhưng tại địa điểm trên, do bài thơ Nôm được khắc ở vị trí tầm thấp, nên rất nhiều văn bia bị người tham quan viết chữ Quốc ngữ bằng những loại bút hiện đại đè lên những dấu vết Hán Nôm cổ, gây nên cảnh nham nhở và mờ chữ rất khó đọc... Những hiện tượng này rất cần được các ban ngành bảo vệ di tích quan tâm gìn giữ để lưu lại những di sản quý của cha ông.

- Địa điểm thứ ba: Đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, Hà Nội: Tại đền Bạch Mã hiện vẫn lưu giữ tấm bia khắc bằng chữ Nôm với tiêu đề là Đền Sòng Sơn bia công đức tượng Phật Di Lặc phụng diễn Nôm. Thác bản hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Có một điều đáng nói là, tên văn bia và nội dung khắc trên đó nói rằng bia được dựng ở đền Sòng Sơn (hiện nay đền Sòng Sơn ở số 73, phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), nhưng bia hiện đang được dựng ở đền Bạch Mã. Vấn đề này không phải chỉ có một hay hai trường hợp, chúng tôi sẽ khảo cứu kỹ khi điều kiện thời gian cho phép.

Qua những trường hợp nêu trên, thiết nghĩ các ban ngành quản lý văn hóa cần lưu tâm hơn nữa tới việc quản lý, bảo vệ những tư liệu cổ quý giá của dân tộc.

Tiểu kết

Văn bia đầu tiên có chữ Nôm là 大 越 國 李 家 第 四 帝 崇 善 延靈塔碑 Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi niên đại Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý, đã ghi được chứng tích ban đầu về sự xuất hiện của chữ Nôm trên văn bản. Tổng hợp quá trình phát triển của văn bia có chữ Nôm chúng tôi nhận thấy rằng: Từ thời Lý - Trần đến hết thời Nguyễn, văn bia có chữ Nôm gắn liền với sự vận động và phát triển của văn hóa làng xã nên càng ở những giai đoạn sau xuất hiện càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ghi chép phong phú về các vấn đề xã hội và văn hóa. Trong số 1.500 văn bia có khắc chữ Nôm chúng tôi tuyển chọn, có 105 văn bia chữ Nôm, ghi lại những bài thơ Nôm, bài văn Nôm với nội dung phong phú.

Về không gian, văn bia có chữ Nôm phân bố rộng khắp các tỉnh từ miền núi phía Bắc đến miền Trung, song tập trung nhiều nhất vẫn ở những khu vực có truyền thống dựng bia lâu đời thuộc vùng đồng bắc Bắc bộ, như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đặc biệt, bia đá khắc những bài thơ Nôm chủ yếu được dựng ở những di tích và thắng cảnh nổi tiếng ở các địa địa phương, ghi lại thơ đề, thơ xướng họa của các vua chúa, các tao nhân mặc khách. Thành phần soạn văn bia cũng thật phong phú và đa dạng, từ vua chúa, đến các quan lại triều đình và các quan chức địa phương, đều tham gia soạn những văn bia thơ Nôm, ghi lại cảm khái của mình trước phong cảnh và sự việc ở các đình đền chùa, hang động nổi tiếng.

Văn bia có khắc chữ Nôm nói riêng và văn bia nói chung là những văn bản đặc biệt lưu giữ những dấu tích quan trọng, phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của xã hội phong kiến, trong đó có vấn đề văn tự, ngôn ngữ. Với niên đại xuất hiện sớm nên văn bia có khắc chữ Nôm đã cung cấp tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ngữ âm và trở thành những cứ liệu quan trọng khi nghiên cứu các vấn đề về nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến phát triển của chữ Nôm Việt.

CHƯƠNG 3:

ĐẶC ĐIỂM VÀ DIỄN BIẾN CỦA CHỮ NÔM TRÊN VĂN BIA

Chữ Nôm là văn tự của người Việt được tạo ra do nhu cầu của xã hội cũng như của đời sống trong xã hội phong kiến Việt Nam. Việc tạo ra một thứ văn tự dựa trên những bộ phận sẵn có trong chữ Hán đã thể hiện được sự sáng tạo độc đáo và ý thức dân tộc sâu sắc.

Xét về mặt khái niệm, văn tự (chính là chữ viết), là phương tiện do con người tạo ra, được tiếp nhận qua thị giác để mở rộng phạm vi hoạt động chức năng của ngôn ngữ trong không gian và qua thời gian. Phương tiện hỗ trợ đắc lực nhất và quan trọng nhất cho ngôn ngữ từ xưa đến nay vẫn là chữ viết. Do vậy, lĩnh vực chuyên nghiên cứu về chữ viết gọi là Văn tự học. [57, tr 16]

Khi nói về văn tự học chữ Nôm cũng có nghĩa là nghiên cứu về chữ Nôm. Nguyễn Quang Hồng gọi chữ Nôm là 土俗字 Thổ tục tự (hay còn gọi là土字Thổ tự) = chữ thông tục bản địa [57, tr 69]. Còn Nguyễn Khắc Kham thì cho rằng: "Chữ Nôm (chữ = văn tự, Nôm <nam = phương Nam trong tiếng Việt) là tên gọi được người Việt dùng để định danh một trong hai hệ thống văn tự của Việt Nam, được sáng tạo qua việc cải biến chữ Hán. Nó được định danh như thế để đối lập với chữ Hán và chữ Nho (văn tự của các nhà Nho Việt Nam). Trong nội hàm thứ hai, nó có nghĩa là chữ viết thông tục hoặc chữ viết nôm na của nước Việt Nam xưa"1. Vậy nên văn tự học chữ Nôm là nghiên cứu về chữ Nôm dưới nhiều góc độ, từ vấn đề cấu trúc đến sự chuyển dịch phương thức tạo chữ, cho đến diễn biến phát triển qua các thời kỳ... đều được giới nghiên cứu quan tâm khai thác.

3.1. Khái quát tình hình chữ Nôm thể hiện trên các loại hình văn bản

Chữ Nôm là thứ chữ của người Việt sáng tạo ra dựa trên cơ sở sử dụng những bộ phận có sẵn trong chữ Hán. Ban đầu, người Việt xưa sáng tạo ra chữ Nôm để bù đắp vào những chỗ khiếm khuyết của chữ Hán như ghi tên đất, tên người thuần Việt, về sau, chữ Nôm được sử dụng rộng rãi trong nhiều môi trường hành chức hết sức phong phú. Tuy nhiên trên phương diện hành chính nhà nước, các vương triều phong kiến rất ít khi dùng chữ Nôm để ban hành chính lệnh. Nhìn suốt quá trình được sử dụng thì chữ Nôm dùng phổ biến trong sáng tác thơ văn, trong việc giảng dạy, dịch kinh Phật và dịch kinh điển của Nho gia. Ngày nay rất nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm vẫn được lưu truyền và có giá trị rất lớn trong dòng văn học dân tộc, như Nguyễn Trãi

Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa,Truyện Kiều v.v…

Các loại hình văn bản như sách viết trên giấy, sách đồng, ván gỗ, bia đá đều thấy sử dụng chữ Nôm. Trong các văn bản Hán Nôm, chữ Nôm sử dụng rất đa dạng, phong phú, một từ tiếng Việt có thể được ghi bằng nhiều dạng chữ Nôm khác nhau hoặc một chữ Nôm cũng được đọc với nhiều âm khác nhau. Về mặt hình thể, theo những kết quả nghiên cứu gần đây, chữ Nôm có nhiều kiểu loại, nhưng chữ mượn chữ Hán vẫn chiếm ưu thế, trong đó đáng kể nhất là loại chữ sử dụng chữ Hán đọc theo âm Hán Việt hoặc đọc chệch âm. Ví dụ, chữ 工công dùng để ghi âm trong; chữ 昆côn dùng để ghi âm con; chữ 店điếm dùng để ghi âm đêm; chữ 初 dùng để ghi âm xưa … Ở những văn bản Nôm xuất hiện càng sớm thì tỉ lệ chữ mượn chữ Hán càng cao, song đáng lưu ý hơn cả là tính chất đặc thù của chữ Nôm ở giai đoạn này. Một mặt nó phản ánh được dấu vết chữ Nôm ghi được vần cổ và những tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ. Các từ Việt cổ đó còn để lại dấu tích trong tiếng Mường, hoặc phương ngữ miền Trung. Trong các tài liệu quốc ngữ cổ như Từ điển Việt - Bồ - La, Phép giảng tám ngày của giáo sĩ A.De Rhodes năm 1651, cũng ghi được một số từ ngữ cổ mà ngày nay không còn sử dụng, ví dụ như: 盃bui (duy, chỉ), 馬mựa (chớ, đừng), 須

tua (nên), 肯khứng (chịu)…

Điều đó thấy thể hiện rất rõ trong các tác phẩm Nôm có niên đại sớm như Phật thuyết, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Quốc âm thi tập, Tân biên truyền kỳ mạn lục, đã lưu giữ được nhiều dấu vết chữ Nôm và tiếng Việt ở thời kì đầu. Cách dùng hai mã tách rời để ghi một từ tiếng Việt trong văn bản thường là để ghi các tổ hợp phụ âm đầu và các yếu tố tiền âm tiết trong tiếng Việt cổ. Điều này cũng chứng tỏ chữ Nôm trong văn bản phản ánh được âm đọc và những cách ghi ở đương thời. Ví dụ: trống

ghi bằng 古弄 cổ + lộng > klông; trăng ghi bằng 䊷ba + lăng > blăng; sang ghi bằng 䊷cự + lang > krang. Một số chữ Nôm lẻ tẻ sót lại còn lưu giữ dấu vết của cách ghi cổ xưa như: đá được ghi bằng hai mã羅䊷la đá trong Quốc âm thi tập, Chỉ Nam ngọc âm; ngựa ghi bằng 婆馭 bà ngựa trong Quốc âm thi tập, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Việt sử diễn âm; cắt được ghi là婆割bà cắt trong Thiên Nam minh giám.

Bên cạnh chữ Nôm mượn chữ Hán được dùng phổ biến ở giai đoạn đầu cũng đã thấy xuất hiện song song loại chữ Nôm được ghi bằng cách thêm bộ phận trỏ nghĩa giúp đọc chính xác âm Nôm.

Nghiên cứu chữ Nôm trong một số tác phẩm cụ thể từ trước tới nay đã được chú ý rất nhiều, như Trần Xuân Ngọc Lan với Sơ bộ khảo sát quyển từ điển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (năm 1982); Hoàng Thị Ngọ: Nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt qua

văn bản Phật thuyết (năm 1996), Nguyễn Thị Lâm: Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Thiên Nam ngữ lục (2002), Trần Trọng Dương: Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Khóa hư lục giải âm (2011), Nguyễn Tuấn Cường:

Nghiên cứu diên cách chữ Nôm qua văn bản Thi Kinh giải âm (2012)... Có công trình chuyên khảo nghiên cứu chữ Nôm qua cấu trúc nội tại của chữ như, Nguyễn Tá Nhí:

Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt (1996); Lã Minh Hằng: Cấu trúc nghĩa trong chữ Nôm Việt (2004)... Nghiên cứu chữ Nôm dưới góc độ văn tự học, như Nguyễn Quang Hồng: Khái luận văn tự học chữ Nôm (2008).

Các công trình nghiên cứu trước đây hầu như đều lấy đối tượng văn bản là sách Hán Nôm để khảo sát, nghiên cứu.

Ở luận án này, chúng tôi đi vào một loại hình riêng biệt, đó là nghiên cứu chữ Nôm trên văn bia. Đây là một loại hình văn bản đặc thù, có niên đại được xác định khá chính xác, do vậy chữ Nôm trên văn bia sẽ giúp ích cho việc đối chiếu với chữ Nôm cùng thời trên các văn bản Nôm khác.

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu CHỮ nôm KHẮC TRÊN BIA đá (từ THẾ kỷ XII đến đầu THẾ kỷ XX) (Trang 60 - 67)