Thời Lê Trung hưng-Tây Sơn

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu CHỮ nôm KHẮC TRÊN BIA đá (từ THẾ kỷ XII đến đầu THẾ kỷ XX) (Trang 45 - 48)

2.2.3.1. Thời Lê Trung hưng:

Thời kỳ này văn bia phát triển nở rộ với số lượng rất lớn cùng với sự mở rộng của các thể loại văn bia. Có thể nói, thời kỳ này làng nào, di tích nào cũng dựng và khắc bia nên số thác bản thu thập được rất lớn.

Đứng trước khối lượng tư liệu lớn như vậy, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, chọn lọc để đưa ra những văn bia mang tính chất tiêu biểu và có niên đại xác định. Văn bia đầu tiên có chữ Nôm đầu thế kỷ XVII là 再木 柱橋寺Tái mộc trụ kiều tự tạo năm Thận Đức nguyên niên (1600) ở Gia Viễn, Ninh Bình ghi được những mã chữ Nôm ghi tên người như: 順順 Phạm Trong, 順 順 Phạm Tai, 順 順Nguyễn Nỏ. Ở các triều vua sau thuộc giai đoạn trung hưng, bia đá được dựng và khắc với số lượng lớn trên khắp các địa phương. Văn bia có khắc chữ Nôm cũng xuất hiện nhiều trên các thể loại văn bia. Bia đá giai đoạn này phần lớn là bia có kích thước lớn, khắc nhiều chữ, ghi lại rất cụ thể các sự việc diễn ra trong cộng đồng cư dân khắp các địa phương trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ. Bố cục văn bia được trình bày một cách mạch lạc, phần ghi tên đất, tên người cụ thể và rõ ràng. Chính vì thế mà lưu lại được nhiều mã chữ Nôm trên văn bản văn bia.

Ví dụ: văn bia 報 恩 碑 記 重 修 佛 後 流 傳 萬 代 Báo Ân bi kí Trùng tu Phật hậu lưu truyền vạn đại soạn vào năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Bia được sưu tầm tại chùa xã Phú Điền huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông (nay là làng Nhân Hòa xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Hà Nội). Trong 4 mặt bia thì có đến 2 mặt ghi số ruộng đất ở các xứ đồng gửi Hậu, trong đó phần lớn tên các xứ đồng bằng chữ Nôm (do một thí chủ cúng cho làng để được bầu Hậu và hưởng tế tự sau này), như: Một thửa ruộng ở xứ 順順 Mả Tháp 6 thước 1 tấc; Một thửa ruộng ở xứ Đường Căng 塘 矜 7 thước 9 phân; Xứ 塘 䊷 Đường Cạn 1 sào 4 tấc; Xứ 某 箇 Mõ Cá 7 thước 9 phân; Ruộng mạ ở xứ 順羅䊷Cây La Đá (Cây Đá) gồm 6 thước 1 tấc rưỡi.1

Hay ở tấm bia Tu tạo Thần miếu phối hưởng lưu truyền vạn đại công đức bi 修 造神廟配享留傳萬代功德碑 niên hiệu Phúc Thái 7 (1649) đời Lê Chân Tông ở làng Đại Đê xã Đại An huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Văn bia ghi rõ số ruộng đất Quận công Vũ Văn Thiêm tặng cho 12 giáp của ba thôn Thượng Trung Hạ gồm 12 mẫu 1 sào ruộng tốt, có ghi rõ nằm ở các xứ đồng trong làng, gồm: Xứ Trần Đồng, 1 mẫu 3 sào; Xứ Mả Ái, 1 mẫu 5 sào; Xứ Bà Thượng, 8 sào 7 thước; Xứ Vương Đồng, 7 sào; Xứ Cầu Ngải, 5 sào...

Những hiện tượng như vậy phổ biến trên văn bia giai đoạn Lê Trung hưng, phản ánh được phần nào tình hình ruộng đất thời bấy giờ.

Thời kỳ này phát triển rầm rộ thể loại văn bia mang nội dung lập Hậu. Theo Trần Thị Kim Anh, bia mang nội dung lập Hậu mới chỉ bắt đầu xuất hiện từ sau khi nhà Lê trung hưng. Cụ thể là đến các niên đại Quang Hưng (1578-1600), Hoằng Định (1600- 1619), Vĩnh Tộ (1619-1629), Đức Long (1629-1635), Dương Hòa (1635-1643) mới bắt gặp các bia hậu [5].

Bia Hậu là sản phẩm của tục lập Hậu ở Việt Nam. Những người được lập hậu được gọi là Hậu Thần, Hậu Phật, do đó bia hậu thường mang tên Hậu thần bi ký, Hậu Phật bi ký. Như vậy trên thực tế, bia hậu chính là một dạng kỷ công đối với những người có công đức, song bia hậu khác bia kỷ công ở chỗ, bia kỷ công chỉ thuần túy ghi công đức lưu lại cho muôn đời, chủ yếu mang giá trị tinh thần, còn bia Hậu lại có tính chất thực dụng hơn, người có công không chỉ được ghi công mà còn được hưởng những quyền lợi vật chất được ghi rất cụ thể trên bia.

Sự ra đời của ngôi đình làng Bắc bộ cũng chính là bước đánh dấu sự tập trung của các cư dân góp công, góp của xây dựng công trình công cộng để làm nơi sinh hoạt làng xã. Từ đó, việc gửi Hậu Thần cũng phát triển mạnh ở các làng quê Việt. Thể loại bia Hậu Thần, Hậu Phật phát triển cũng có nghĩa là những văn bia này khắc ghi được nhiều tên ruộng đất mà những người gửi hậu cho chùa, cho đình cúng tiến.

Thời kỳ này, văn bia chợ cũng được dựng lên rất nhiều, đặc biệt là văn bia chợ Tam bảo (dân gian gọi là chợ chùa). Có rất nhiều các quan lại đã đứng lên hưng công và bảo lãnh cho chợ chùa hoạt động và miễn các loại thuế khóa, như ở xã Phương Trung huyện Thanh Oai, (nay thuộc Hà Nội) có một khu chợ cổ do ông họ Lê giữ chức Tây quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Thiếu uý Thủy quận công người Thanh Hóa, lấy bà họ Phan người làng Phương Trung, vì cha con đều là người tài giỏi nên được vua ban đất

lộc ở đây. Ông liền đem cúng làm chợ Tam bảo, hàng quán không phải nộp tiền thuế, thuận lợi cho dân buôn bán (Bia Cúng Tam bảo thị bi, Cảnh Trị thứ 1 (1663).

Hiện tượng “cắt đất cho chùa làm Tam bảo”, hay “cúng cho chùa làm Tam bảo” để được miễn thuế là một hiện tượng phổ biến trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Sách

Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỳ XVI, XVII từng ghi rằng, đây là thời kỳ: "Chế độ quân điền tan rã, thay vào đó, ruộng đất công nằm trong tay nhà nước, như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp quan lại địa chủ chiếm đoạt những phần đất công màu mỡ trong làng" [113, tr97].

Vấn đề ruộng đất công, tư thời kỳ này đã được phản ánh khá rõ nét trên văn bia. Chính vì thế các yếu tố tên đất bằng từ thuần Việt ở các làng quê Việt đã được khắc ghi trên bia đá, lưu lại dấu tích văn tự và ngữ âm tiếng Việt của các thời kỳ này.

Giai đoạn Lê trung hưng, số lượng thác bản hiện thu thập được rất lớn, song lại đứng trước thực trạng ghi sai niên đại. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Nguyên trong Khảo sát giám định niên đại thác bản văn bia cho biết rằng: Tổng cộng trong đợt điều tra đối với 5000 kí hiệu thác bản đầu tiên (từ kí hiệu 1 đến 5000) đã tìm ra được 517 thác bản có dấu hiệu ghi sai niên đại rõ rệt của 336 đơn vị bia. Tính ra, số thác bản bị ghi sai niên đại chiếm đến 10,30% số lượng thác bản được xem xét [94, tr35]. Qua khảo sát, tác giả cũng đi đến nhận định bước đầu là: Đa số các thác bản làm giả niên đại Lê Trung hưng (thực chất là niên đại triều Nguyễn), còn những văn bia mang niên đại Lý –Trần, Lê sơ, Mạc hiện chưa phát hiện thấy. Những bia mang niên đại Lý – Trần, Lê sơ, Mạc chủ yếu được khắc lại vào đời sau [94, tr40].

Trong quá trình khảo sát để lựa chọn những văn bia có khắc chữ Nôm, chúng tôi có tham khảo và kế thừa thành quả khảo cứu của tác giả Nguyễn Văn Nguyên đã công bố. Do vậy, với những thác bản văn bia làm giả niên đại có khắc chữ Nôm, chúng tôi tạm thời chưa khảo sát trong luận án này.

Thời Lê Trung hưng, qua khảo sát và chọn lọc, chúng tôi chọn ra 847 văn bia có khắc chữ Nôm, trong đó có 826 văn bia chữ Hán có Nôm và 21 văn bia chữ Nôm.

2.2.3.2. Thời Tây Sơn

Triều đại Tây Sơn tồn tại trong lịch sử với thời gian ngắn, nên những vấn đề mang tính học thuật phần lớn đều kế thừa từ thời Lê Trung hưng. Thời kỳ này, bia đá, chuông đồng được tạo dựng rất nhiều ở các công trình tín ngưỡng làng xã. Văn bia thời kỳ Tây Sơn ít có hiện tượng khắc lại, nhưng lại xuất hiện hiện tượng đục đẽo dòng niên đại trên văn bia bởi nhiều lý do có liên quan đến lịch sử. Theo thống kê sơ

bộ, tỷ lệ bị đục bỏ ở văn bia là 4/37, ở văn chuông là 10/58, ở văn khánh là ¼. Các chữ bị đục bỏ thường gặp là 光 中 Quang Trung (như Phật tượng các tòa bi ký, Chùa Bộc, Đống Đa), chữ 景 盛 Cảnh Thịnh (như Thiên Hưng tự hậu Phật am bi, chùa Thiên Hưng, Từ Liêm)... [28].

Thời Tây Sơn, chữ Nôm vẫn được đề cao và sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực học thuật, chính trị, văn hóa, nên trong việc học hành thi cử, triều đại này đều sử dụng chữ Nôm. Vua Quang Trung cũng là vị vua chuộng sử dụng chữ Nôm soạn thảo công văn hành chính và đặc biệt đốc thúc việc dịch kinh điển Nho gia bằng chữ Nôm [153, tr169-190]. Văn bia có khắc chữ Nôm thời Tây Sơn về cơ bản vẫn duy trì phong cách như thời Lê Trung hưng. Chữ Nôm vẫn được dùng trong trường hợp ghi tên đất, tên người hoặc dùng xen kẽ trong câu chữ Hán. Thời Tây Sơn chúng tôi hiện chưa tìm thấy văn bia khắc toàn bằng chữ Nôm. Ở thể loại bia do người địa phương soạn, thợ nghiệp dư khắc, câu văn chữ Hán được dùng rất gần gũi với khẩu ngữ tiếng Việt, chẳng hạn câu “Tả văn bi Nguyễn”... (ông họ Nguyễn viết văn bia...) hoặc “cúng dữ bản tự dữ ký kỵ” (cúng cho nhà chùa để gửi giỗ). Qua khảo sát và chọn lọc, chúng tôi lựa chọn 94 văn bia có chữ Nôm mang niên đại thời Tây Sơn.

Thống kê hai thời kỳ Lê Trung hưng - Tây Sơn, chúng tôi chọn lọc giới thiệu 941 văn bia có chữ Nôm, trong đó có 920 văn bia có chữ Nôm, 21 văn bia chữ Nôm.

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu CHỮ nôm KHẮC TRÊN BIA đá (từ THẾ kỷ XII đến đầu THẾ kỷ XX) (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(176 trang)
w