Vùng kinh tế tổng hợp

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ VÙNG TRONG ĐỊA LÝ KINH TẾ (Trang 33 - 34)

2.1.1. Quan niệm

Đối với Địa lý học, vùng kinh tế - xã hội ( hay gọi vắn tắt là vùng kinh tế ) với tư cách là vùng kinh tế tổng hợp ( để phân biệt với vùng kinh tế ngành hoặc vùng, ngành) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Về quan niệm, theo Từ điển Bách khoa địa lý xô viết ( 1988 ), vùng kinh tế là bộ phận tương đối hoàn chỉnh về lãnh thổ và kinh tế của đất nước. Nó đưuọc đặc trưng bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế và chuyên môn hóa sản xuất trên cơ sở phân công lao động địa lý cũng như các mối liên hệ về kinh tế nội vùng ổn định. Vùng kinh tế còn là một khâu cơ bản trong việc tổ chức lãnh thổ nền sản xuất xã hội, là đối tượng chủ yếu của chính sách vùng và kế hoạch hóa lãnh thổ.

Kế thừa thành quả của khoa học Địa lý xô viết, các nhà khoa học Việt Nam cũng đưa ra những quan niệm về vùng kinh tế, từ Minh Chi, Trần Đình Gián, Nguyễn Văn Quang … vào thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX, cho đến Ngô Doãn Vịnh vào những năm đầu của thế kỷ XXI.

Vùng kinh tế - xã hội là đơn vị lãnh thổ có vị trí địa lý rõ rệt, có ranh giới xác định ( hoặc có tính pháp lý – theo địa giới hành chính hoặc có tính ước lệ - đường địa đới quy ước), trong đó chứa đựng các yếu tố tự nhiên, cơ sở vật chất – kỹ thuật cũng như cư dân trong cùng các hoạt động kinh tế - xã hội, dưới tiến bộ của khoa học công nghệ và các dòng thông tin, vật chất với bên ngoài, kể cả với vùng khác và quốc tế. Nó có thể được coi là một hệ thống kinh tế - xã hội theo lãnh thổ, bao gồm các mối liên hệ nhiều chiều về địa lý, kỹ thuật, kinh tế, xã hội giữa các bộ phận cấu thành bên trong hệ thống cũng như giữa nó với các hệ thống khác ( Ngô Doãn Vịnh, 2003 ).

Đối với vùng kinh tế, điểm mấu chốt là chuyên môn hóa sản xuất. Để đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, chuyên môn hóa được coi là chức năng quan trọng hàng đầu. Vùng này khác với vùng kia chính ở chuyên môn hóa. Bên cạnh chuyên môn hóa, việc phát triển tổng hợp cũng có ý nghĩa quan trọng. Như vậy, chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp là hai mặt của một thể thống nhất: vùng kinh tế.

Vùng kinh tế là loại vùng tương đối phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu lĩnh vực này phải kể đến các nhà Địa lý Xô viết.

Vùng kinh tế là đơn vị lãnh thổ có vị trí và ranh giới xác định bao gồm các yếu tố tự nhiên, dân cư, cơ sở vật chất – kỹ thuật với các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra dưới tác động của tiến bộ khoa học – công nghệ và sự tồn tại của các dòng vật chất

trong phạm vi nội vùng và liên vùng ( trong nước và quốc tế ). Nó có thể được coi là một hệ thống kinh tế - xã hội theo lãnh thổ.

Vùng kinh tế là một thực thể khách quan, Vì vậy, phương pháp luận và phương pháp phân vùng cũng như việc xây dựng hệ thống phân vị, chỉ tiêu phải có cơ sở khoa học và phản ánh được thực tế khách quan trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Vùng kinh tế có tính lịch sử, bởi vì “ vòng đời” của mỗi phương án phân vùng cũng chỉ tồn tại trong khoảng 10 – 15 năm do sự thay đổi của các yếu tố cấu thành.

Vùng kinh tế tổng hợp gồm có hai loại: Vùng kinh tế cơ bản và vùng kinh tế

hành chính.

Vùng kinh tế cơ bản: là vùng có diện tích rộng hơn ngành sản xuất chuyên môn hoá nhiều hơn và sự phát triển tổng hợp của vùng cũng phức tạp hơn so với vùng kinh tế hành chính. Vùng kinh tế cơ bản chỉ có ý nghĩa và chức năng kinh tế. Do đó tác dụng chủ yếu của vùng kinh tế cơ bản là giúp cho việc nghiên cứu lập các chương trình kế hoạch dài hạn về phát triển kinh tế xã hội tầm quốc gia được xác đáng, giúp cho việc phân bố hợp lý sản xuất trong cả nước và giữa các vùng giúp cho việc xây dựng tốt hơn mối liên hệ kinh tế giữa các vùng cũng như trong cả nước và giúp cho việc phối hợp tốt nhất giữa các vùng trong vấn đề khai thác một cách có hiệu quả nhâts mọi nguồn tài nguyên, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật... của đất nước, hình thành và điều tiết các cân đối lãnh thổ lớn, định hướng các chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ tầm vĩ mô.

Vùng kinh tế hành chính là vùng không những có chức năng kinh tế mà còn có chức năng hành chính. Vùng kinh tế hành chính là kết quả của sự thống nhất giữa quản lý kinh tế với quản lý hành chính, là những vùng hành chính được xây dựng theo nguyên tắc kinh tế, ranh giới hành chính và kinh tế thống nhất.

Do ý nghĩa và chức năng kinh tế của nó, cho nên vùng kinh tế hành chính cũng có đầy đủ hai nội dung cơ bản của một vùng kinh tế tổng hợp là chuyên môn hoá sản xuất và phát triển kinh tế tổng hợp. Bản thân vùng kinh tế hành chính cũng là một tổng hợp thể kinh tế xã hội. Do ý nghĩa và chức năng hành chính của nó cho nên mỗi vùng kinh tế hành chính cũng là một đơn vị kinh tế trong phân cấp quản lý có bộ máy, có ngân sách riêng và có thị trường địa phương. Những cơ quan chính quyền của vùng kinh tế hành chính thi hành chức năng quản lý hành chính đồng thời cùng thực hiện chức năng quản lý kinh tế. Dân số cũng như diện tích của vùng kinh tế - hành chính phải tuỳ thuộc vào khả năng và trình độ quản lý kinh tế và hành chính, chứ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố kinh tế.

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ VÙNG TRONG ĐỊA LÝ KINH TẾ (Trang 33 - 34)