1. TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG MỸ
1.1 Những bước tiến mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước
Từ bình thường hoá quan hệ đến một Hiệp định thương mại song phương là một bước tiến dài trong lịch sử quan hệ hai nước nói chung và lịch sử quan hệ thương mại Việt- Mỹ nói riêng.
Sau khi lệnh cấm vận được chính thức bãi bỏ, quan hệ thương mại hai nước đã có những chuyển biến rõ rệt. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ xâm nhập thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn, tiếp đó chính quyền Clinton đã ban hành một loạt các điều chỉnh có tính chất nới lỏng trong chính sách kinh tế của mình đối với Việt Nam. Chẳng hạn như: Bộ Thương mại Mỹ đã chuyển Việt Nam từ nhóm Z lên nhóm Y với ít hạn chế thương mại hơn; Cơ quan Kiểm soát Tài sản nước ngoài của Mĩ (OFAC) cũng sửa đổi những quy định liên quan đến việc giao dịch tài chính và đảm bảo buôn bán bình thường với nước ta như: bỏ quy định phong toả hàng hoá và tài khoản của Việt Nam, cho phép các công ty Việt Nam đầu tư và xuất khẩu sang thị trường Mỹ; Bộ Vận tải và Bộ Thương mại Mỹ cũng đã tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm tàu biển và máy bay Mỹ vận chuyển hàng hoá sang Việt Nam;... Đặc biệt, ngày 11/7/1995 đã đi vào lịch sử với việc Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mở ra những cơ hội tốt đẹp cho phát triển các mối quan hệ, trong đó có quan hệ thương mại giữa hai nước.
Kể từ đó, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc đi đến thoả thuận cùng nhau giữ mối liên lạc thường xuyên nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hoạt động thương mại và đầu tư. Hai bên đã trao đổi với nhau không ít những thông tin hữu ích để đi đến bình thường hoá quan hệ về kinh tế thương mại, thông qua việc cử các phái đoàn xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp sang thăm dò tìm hiểu thị trường của nhau. Hàng nghìn đoàn đại biểu bao gồm các doanh nhân từ khắp nơi trên đất Mỹ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn, trong số đó có cả các phái đoàn cấp cao do Thống đốc bang, Thị trưởng thành phố hay Tổng giám đốc các tập đoàn lớn của Mỹ
dẫn đầu. Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng đã tổ chức cho hàng trăm doanh nhân sang du lịch tìm hiểu thị trường Mỹ và rất nhiều trong số này hiện đã có cơ sở vững chắc trên đất Mỹ. Một hoạt động xúc tiến thương mại tiêu biểu là việc tổ chức các cuộc triển lãm hàng xuất khẩu. Triển lãm hàng xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ được tổ chức lần đầu tiên ở San Francisco- Triển lãm VIETEXPORT’94 cũng đã gây được tiếng vang lớn. Với hơn 70 doanh nghiệp tham dự, Việt Nam đã phần nào giới thiệu cho nhân dân và các doanh nghiệp Mĩ về tiềm năng xuất khẩu của nước mình.
Những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai phía đã mang lại kết quả xứng
đáng. Vào ngày 13/7/2000, Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ đã được ký kết,
quy định một cách chi tiết kế hoạch cắt giảm hàng rào thương mại giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam sẽ cắt giảm dần dần và hạn chế hàng rào thương mại đối với Mỹ. Ngược lại, ngay sau khi phê chuẩn Hiệp định, Mỹ sẽ cho Việt Nam hưởng quy chế Tối Huệ Quốc (quy chế quan hệ thương mại bình thường). Hiệp định này đã được Quốc hội Mỹ và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2001.
Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ là một thành tựu lớn trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Hiệp định có hiệu lực sẽ mang lại cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam những cơ hội và thách thức mới. Điều đó đòi hỏi Chính phủ và đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự tìm hiểu, tính toán kỹ lưỡng và xây dựng được một lộ trình thích hợp để đưa hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.