Giữa người Mỹ và người Việt Nam có rất nhiều sự khác biệt trong tư duy nói chung và tư duy trong kinh doanh nói riêng. Ở đây, người viết chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh có ảnh hưởng bao trùm đối với toàn bộ quan hệ qiao dịch thương mại giữa hai bên, đó là quan niệm của các bên về vấn đề “làm giàu”.
Xã hội Mỹ là một xã hội đặc biệt coi trọng yếu tố cá nhân, coi trọng thành tích cá nhân, người Mỹ luôn quan niệm làm giàu trước hết là vì lợi ích cá nhân, những lợi ích xã hội, cộng đồng nói chung chỉ là vấn đề thứ yếu. Hệ thống kinh tế Mỹ cũng được xây dựng trên cơ sở quan niệm này. Hệ thống kinh tế Mỹ đã tạo ra một môi trường kinh doanh tự do tối đa cho các doanh nhân Mỹ và người Mỹ cũng thường tin tưởng là hệ thống kinh tế “tự do kinh doanh” của đất nước đã khiến cho họ được hưởng mức sống cao nhất trong lịch sử Thế giới. Chính phủ Mỹ luôn cố gắng giảm tối thiểu sự can thiệp vào các hoạt động giao dịch cụ thể. Các doanh nhân Mỹ được hoàn toàn tự do trong việc đưa ra quyết định có tiến hành một thương vụ hay không. Họ chỉ
quyết định khi nào họ thấy thực sự có lợi cho chính công ty hoặc tập đoàn của họ. Do đó, khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, các doanh nhân Mỹ cũng luôn muốn hai bên đối thoại trực tiếp. Họ ưa thích sự nhanh chóng, giản tiện, thích làm việc với doanh nghiệp hơn là với Chính phủ. Tuy nhiên đây lại là một điểm hạn chế của phía Việt Nam. Việt Nam là một nước theo con đường Xã hội chủ nghĩa, trong đó lợi ích chung luôn được đặt lên hàng đầu. Mặc dù theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, dân có giàu thì nước mới mạnh, xã hội mới công bằng dân chủ, văn minh; Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích nhân dân làm giàu, nhưng lợi ích cá nhân phải hài hoà với lợi ích chung của tập thể, của xã hội. Để Việt Nam phát triển theo đúng hướng đó, Nhà nước vẫn phải duy trì sự quản lý, điều tiết vĩ mô đối với các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Do đó hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu sự quản lý sát sao và khắt khe hơn. Cụ thể là việc ký kết, thực hiện một hợp đồng của đối tác Việt Nam với các đối tác nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào mục tiêu lợi nhuận của chính công ty đối tác đó mà trước hết phải được sự xét duyệt của nhiều Bộ, ngành, và các cơ quan liên quan cũng như phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục giấy tờ rất mất thời gian và tốn kém. Mặc dù trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hệ thống quản lý, phát huy cơ chế “một cửa”, trao quyền tự chủ, tự do nhiều hơn cho các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu nhưng theo đa số doanh nhân Mỹ đang làm ăn ở Việt Nam thì họ vẫn mong muốn được giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam hơn là phải qua quá nhiều cấp quản lý như hiện nay.
Mặt khác, vì Chính phủ Mỹ muốn giảm tối thiểu sự can thiệp trực tiếp nên hệ thống luật pháp Mỹ phải quy định hết sức chặt chẽ chi tiết về từng vấn đề cụ thể. Chính hệ thống luật pháp Mỹ hết sức phức tạp này lại cũng là một rào cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ như phân tích ở phần trên.