3/ Rào cản do sự khác biệt trong tiêu dùng
3.2.1 Cuộc chiến Catfish
(giữa các nhà xuất khẩu cá tra, cá Basa Việt Nam với “Hiệp hội các chủ trại cá nheo Mỹ (CFA) về việc sử dụng thương hiệu “Catfish” cho các loại cá nói trên của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ).
1/ Diễn biến:
Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá Basa, cá tra (là hai loại cá da trơn sang Mỹ) từ năm 1977 và dần dần thâm nhập, tạo được chỗ đứng trên thị trường nhờ phẩm chất tốt, giá rẻ hơn cá da trơn nội địa của Mỹ. Trong hai năm 1999- 2000, khối lượng hai loại cá này nhập khẩu vào Mỹ tăng khá nhanh (chiếm từ 2%- 3% tổng sản lượng cá da trơn tiêu thụ trên thị trường này) làm cho các nhà nuôi cá da trơn (mà chủ yếu là cá nheo) Mỹ lo ngại. Hiệp hội các chủ trại cá nheo Mỹ CFA bắt đầu chiến dịch tấn công các sản phẩm cá da trơn Việt Nam. Ngay từ cuối năm 2000, thông qua báo chí, Mỹ bắt đầu cố tình đưa những thông tin sai lệch để bôi xấu hình ảnh cá tra và cá Basa của Việt Nam. Ba luận điểm chính mà CFA đưa ra để chống nhập khẩu cá tra và cá Basa Việt Nam gồm:
Một là, họ cho rằng cá da trơn Việt Nam đã nhập khẩu ồ ạt vào Mỹ làm cho giá cá Mỹ cũng rớt theo (khoảng 10% trong năm 2001).
Hai là, họ nói cá Việt Nam nuôi trong môi trường nước bị ô nhiễm, thậm chí trên những dòng sông còn dư lượng chất điôxin mà Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, do vậy không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ba là, sản phẩm cá da trơn Việt Nam do cũng được gọi là Catfish nên đã tạo ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng Mỹ và vô hình chung đã ăn theo uy tín của cá nheo Mỹ.
Với những lập luận này, đầu tháng 2/2002, phía Mỹ bắt đầu một chiến dịch quảng cáo kéo dài 9 tháng, tiêu tốn 5,2 triệu USD do Viện Cá nheo Mỹ (TICI) phát động và được CFA tài trợ để chống lại việc nhập khẩu cá tra và cá Basa của Việt Nam. Dưới áp lực của CFA, ngày 5/10/2001, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật H.R 2964, chỉ cho phép sử dụng tên cá “Catsfish” cho riêng các loài thuộc họ Ictaluriade, thực chất là cho riêng cá nheo Mỹ (Ictalurus Punctatus). Tiếp đó, ngày 25/10/2001, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua 35 Điều luật bổ sung cho Dự luật số H.R 2330 về phân bổ ngân sách nông nghiệp năm tài chính 2002, trong đó có Điều luật số SA 2000, quy định Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không được sử dụng ngân sách được cấp để làm thủ tục cho phép nhập khẩu các loài cá da trơn mang tên “Catfish” trừ khi chúng thuộc họ Ictaluriade. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ đã ký Dự luật Ngân sách chi tiêu Nông nghiệp, trong đó có gắn điều khoản bổ sung SA 2000, cản trở việc xuất khẩu cá da trơn của các nước, trong đó có Việt Nam vào Mỹ.
2/ Phân tích
Như vậy, trong cuộc chiến mà Mỹ châm ngòi này có sự hiện diện của các rào cản sau đây:
Thứ nhất với việc viện dẫn việc nhập khẩu quá nhiều cá da trơn Việt Nam vào Mỹ gây sụt giá cá trong nước, Mỹ muốn vận dụng điều luật 201-
204 (về điều chỉnh hàng nhập khẩu áp dụng trong trường hợp một sản phẩm
được nhập vào Mỹ với số lượng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp trong nước). Tuy vậy, lập luận này là không thể chấp nhận được về mặt khoa học và thực tiễn do: Cá
da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ không nhiều, chỉ chiếm không đầy 2% sản lượng cá nheo tiêu thụ tại Mỹ, do vậy không thể là nguyên nhân làm giảm giá cá nheo Mỹ. Mặt khác, theo bản báo cáo “Tình hình nuôi thuỷ sản” ngày 10/10/2001 của Cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ và những kết luận của công trình nghiên cứu “Xu hướng hiện tại trên thị trường cá nheo Mỹ” do công ty Consulting Trends International của Mỹ công bố ngày 26/10/2001, dựa trên việc phân tích các tài liệu chính thức của Chính phủ Mỹ thì: nguyên nhân chủ yếu gây nên việc giảm giá cá nheo Mỹ là do các chủ trại nuôi cá này đã tăng đầu tư quá mức cho các ao nuôi, khiến sản lượng cá thương phẩm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2000. Riêng năm 2000 các trại nuôi cá Catfish ở miền Nam nước Mỹ đã có tới hơn 44.000 ha mặt nước ao hồ sản xuất ra 270.000 tấn cá, chiếm 70% tổng sản lượng Catfish của Mỹ. Cung vượt cầu khiến giá cả giảm là điều tất yếu. Bên cạnh đó, mặt hàng cá nheo phải cạnh tranh với sản phẩm gia cầm đang giảm giá trên thị trường Mỹ. Điều này cùng với tình trạng khó khăn chung do suy giảm kinh tế và sức mua cũng như sự thiếu sót trong hệ thống phân phối cá Catfish đã tác động trực tiếp lên giá cá nheo.
Thứ hai, với việc viện dẫn lý do an toàn vệ sinh thực phẩm, Mỹ muốn áp dụng các hạn chế về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm. Tuy vậy lập luận này bị bác bỏ vì những lý do sau: Sự thật là cá da trơn Việt Nam có chất lượng cao, thơn ngon, cơ thịt mềm mại, được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới và được người tiêu dùng khắp nơi đều ưa chuộng. Đồng thời, chất lượng sản phẩm và chất lượng nước để nuôi cá hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu về an toàn vệ sinh và sức khoẻ của người tiêu dùng Mỹ. Từ năm 1998, chương trình kiểm soát dư lượng thuỷ sản nuôi đã được thực hiện trên các vùng nuôi tập trung của Việt Nam, kết quả giám sát thường xuyên được gửi đến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và chương trình này đã được chính FDA công nhận. Sau khi các phương tiện thông tin đại
chúng Mỹ làm rùm beng về chất lượng cá Catfish Việt Nam, vào tháng 11/2000, một đoàn 20 thành viên gồm các giáo sư của trường đại học Aubum, một số công ty nuôi và chế biến cá nheo Mỹ do Chủ tịch Hiệp hội nuôi cá nheo của Bang Alabama dẫn đầu đã sang Việt Nam tìm hiểu tình hình nuôi và chế biến cá tra và cá Basa tại các bè cá, ao nuôi và các nhà máy chế biến tại An Giang và Cần Thơ. Đoàn đã đánh giá tốt về công nghệ nuôi, chế biến, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của cá da trơn Việt Nam.
Thứ ba, với việc buộc tội Việt Nam đã sử dụng tên cá Catfish trên nhãn hiệu hàng hoá để tạo sự nhầm lẫn đối với người tiêu dùng Mỹ, Mỹ muốn lưu ý đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong luật pháp Mỹ. Tuy vậy, lập luận này cũng bị bác bỏ do: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam khẳng định rằng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá Tra và cá Basa của Việt Nam hoàn toàn không muốn hai loài cá trên của Việt Nam bị nhầm là cá nheo nuôi của Mỹ. Cá tra và cá Basa của Việt Nam là các loài cá đặc hữu của vùng Đồng bằng Châu thổ sông Mekong thuộc giống Pangasius, họ Pangasidae, bộ Siluriformer- bộ cá gồm hơn 2500 loài cá da trơn, phân bố trên khắp Thế giới, kể cả cá nheo Mỹ (Iclalurus punctatus). Về mặt khoa học và tập quán thương mại, không thể lấy tên một nhóm sản phẩm lớn của thuỷ sản Thế giới để dành riêng một loài nào trong số đó. Việc Mỹ muốn rằng chỉ có loài cá nheo Mỹ mới được mang tên Catfish là không thoả đáng. Về phía mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc quyết định số 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và các quy định của Bộ Thuỷ sản, Bộ Thương Mại về việc ghi nhãn mác hàng hoá. Trên tất cả các bao bì của sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đều ghi rõ dòng chữ tiếng Anh “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam” và thực hiện việc ghi đầy đủ cả tên khoa học lẫn tên thương mại theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Mỹ là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị
trường Mỹ. Cụ thể là: Đối với cá Basa- tên khoa học là Pangasius Bocourti, tên thương mại: Basa; Đối với cá tra- tên khoa học là Pangasius Hipophthalmus, tên thương mại: Swai Striped Catfish, Sutchi Catfish.
Rõ ràng là quyết định của Hạ viện Mỹ đã đi ngược lại luận cứ khoa học và tập quán khoa học thông thường trên thế giới, đi ngược lại lợi ích của đông đảo người tiêu dùng Mỹ, chỉ nhằm bảo vệ lợi ích một nhóm nhỏ các chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ.