Nhân vật tư tưởng

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 39 - 45)

Nhân vật tư tưởng là kiểu "nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần xã hội" [15, 233]. Nhân vật tư tưởng thường xuất hiện khi xã hội có những dấu hiệu biến động mà nhà văn thông qua nhân vật

để thể hiện tư tưởng của mình. Sau 1975 cuộc chiến tranh kết thúc, xã hội Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong cuộc sống thời hậu chiến, những suy nghĩ, lối sống theo quan niệm cũ trước 1975 dường như đã lỗi thời, lạc hậu trước những quan hệ mới, những quan niệm và chuẩn mực mới. Những con người từng gắn với quan niệm sống thời chiến tranh trở nên ngỡ ngàng, hụt hẫng trước bối cảnh đời sống mới thời hậu chiến. Những lối sống, quan niệm cũ lâu nay tưởng như đã trở thành chân lý sống thì giờ đây, trong điều kiện mới, bắt đầu bộc lộ mặt trái của nó. Trong một điều kiện xã hội có sự thay đổi, nhận thức của con người ngày càng phát triển, con người có điều kiện suy ngẫm, kiểm chứng lại những gì trước đây để từ đó có một cái nhìn đầy đủ, khách quan hơn về cuộc sống. Là một nhà văn nhạy cảm trước những biến đổi của xã hội, Nguyễn Minh Châu sớm nhận ra những bất cập, éo le của cuộc sống. Âm thầm và nghiêm khắc, ông đã tiến hành cuộc "đối chứng" dũng cảm đối diện với "cuộc đời đa sự con người đa đoan", len lỏi vào trong ngõ ngách sâu kín của tâm hồn con người để tìm ra những vấn đề phức tạp của đời sống. Trong các truyện ngắn luận đề của Nguyễn Minh Châu, kiểu nhân vật tư tưởng đã xuất hiện thể hiện sớm nhất và trực tiếp nhất nỗi trăn trở của nhà văn về đổi mới tư duy nghệ thuật cũng như vấn đề bản lĩnh và nhân cách con người, trung tâm để đặt ra mọi vấn đề phức tạp của đời sống. Nhân vật tư tưởng hoặc mang nhu cầu được sống đúng với bản chất thật của mình hoặc đòi hỏi nhận thức lại một vấn đề phức tạp của đời sống. Chính sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật ấy đã giúp Nguyễn Minh Châu xây dựng thành công kiểu nhân vật tư tưởng, qua đó ông có thể gửi gắm những quan niệm, tư tưởng tới cuộc đời.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, không phải đến Nguyễn Minh Châu mới có kiểu nhân vật tư tưởng. Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Nam Cao đã để lại dấu ấn riêng trong việc xây dựng kiểu nhân vật tư tưởng mà thông qua các nhân vật đó, ông muốn gửi gắm quan điểm nghệ thuật của mình. Nhân vật Điền

(Trăng sáng), Hộ (Đời thừa), là những nhân vật thể hiện nỗi đau đớn, bi kịch cơm áo của lớp nhà văn trước những mâu thuẫn không thể điều hoà. Đó còn là bi kịch giữa khả năng và khát vọng tồn tại của con người.

Đến Nguyễn Minh Châu kiểu nhân vật tư tưởng trong các truyện ngắn luận đề của ông không những thể hiện quan điểm nghệ thuật mà còn đảm nhận khá xuất sắc vai trò "tải đạo" của nhà văn. Cũng như các kiểu dạng nhân vật khác của Nguyễn Minh Châu ở thập kỷ 80 của thế kỷ XX kiểu nhân vật này thể hiện trước hết cách nhìn nhân bản của nhà văn về bản chất con người, góp phần “bác bỏ cách nhìn cũ chỉ một chiều ngợi ca hay phê phán con người, chỉ biết đến con người xã hội mà quên đi con người tự nhiên, chỉ “đo” con người bằng thước đo “vĩ mô” mà coi thường một sự phân tích “vi mô” [20, 111]. Với kiểu nhân vật tư tưởng, Nguyễn Minh Châu đã “phá vỡ tính nguyên khối trong cách xây dựng nhân vật” đưa nhân vật trở về với đời thực, với bản chất thực vốn đa dạng và phức tạp với cả những mặt đối lập, đan xen “tìm đến một quan niệm “người” hơn, “đời” hơn về con người. Kiểu nhân vật tư tưởng đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện khá sinh động trong các truyện ngắn: Một lần đối chứng, Sắm vai, Bức tranh, Bến quê, Giao thừa...

Nhân vật "tôi"- nhà văn trong Một lần đối chứng là nhân vật tư tưởng đã giúp Nguyễn Minh Châu khám phá ra chiều sâu bí ấn trong tâm hồn con người. Quan sát hai con mèo trong mọi diễn biến tinh tế nhất của sự yêu thương giao hòa, hằn học, ghen tuông, trong những tội ác ghê gớm, những nỗi đau đớn, sự nguôi quên, nhân vật này với thói quen của một người cầm bút đã không ngừng suy nghĩ về vẻ đẹp phồn thực dữ dội và bản năng, cuộc đối đầu ghê gớm giữa cái thiện và cái ác. Cái thiện trong sự hóa thân vào tâm hồn non tươi trong ngần của cháu bé Lan thật bé bỏng và bất lực: "Nó ngồi ẩn mình dưới gầm bàn viết của tôi, đem hai cánh tay bé bỏng và can đảm quyết bảo vệ con mèo khỏi số phận bất hạnh. Khuôn mặt đứa trẻ con cứ trắng bệch ra vì sợ hãi và giận dữ, cặp môi mím

chặt, hai con mắt cứ long lanh lúc cúi xuống âu yếm nhìn con vật trong cánh tay, lúc ngước lên mái nhà một cách lo lắng" [11, 368]. Bé Lan, thực chất đảm nhận nhiệm vụ của một nhân vật tư tưởng, là đại diện của lương tri, của cái thiện mà loài người qua mọi sự tương tàn, mọi cảnh bon chen vẫn giữ lại được cho chính mình. Trong sự ngây thơ của con trẻ, cháu chỉ biết sự yêu thương âu yếm và hết lòng bảo vệ con mèo mẹ khỏi lọt vào tay "tên sát nhân man rợ". Đó cũng là cái lí trí ngây thơ của con người trong cuộc đối chọi không cân sức với sức mạnh khủng khiếp của "bản năng giống loài".

Nhân vật "tôi" trong truyện đã đề nghị Một cuộc đối chứng "nhân danh loài người như muốn nhắc nhở chúng ta phải lưu tâm đến bản chất con người bao hàm cả ánh sáng và bóng tối, nhân cách và phi nhân cách; lí trí, trí tuệ và bản năng mù quáng... lưu tâm để thấu hiểu và cảnh giác với chính mình, với cái phần vô thức vẫn nương náu trong những góc sâu kín nhất của con người” [11, 364]. Nhân vật người họa sĩ trong Bức tranh cũng là một kiểu nhân vật tư tưởng của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Người hoạ sĩ với tác phẩm chân dung "người lính giải phóng" nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Trong thời bình, sau lần đến cái quán nhỏ cắt tóc, anh ta mới bàng hoàng phát hiện ra tội lỗi khó bề tha thứ của mình. Do sự thất hứa của anh với người lính đã từng giúp đỡ, cứu mạng mình, khiến người mẹ tưởng con đã hi sinh khóc mù cả hai mắt. Bắt đầu từ những ngày đó, anh ta sống trong dằn vặt và đau khổ. Cũng khi người hoạ sĩ nhận thức về sự vi phạm chuẩn mực đạo đức trong bản thân anh ta thì trong chính anh lại tự xuê xoa biện hộ với lí do là để chuẩn bị cho cuộc triển lãm. Người họa sĩ đã không đủ dũng cảm để ra "đầu thú" nhưng lương tâm anh ta cũng chưa đến mức có thể lờ đi tội trạng của mình. Quá trình tự nhận thức của người hoạ sĩ trong Bức tranh diễn ra khá phức tạp. Thông qua nhân vật người họa sĩ, Nguyễn Minh Châu muốn đặt ra vấn đề về lương tâm và trách nhiệm của con người: Nếu là một con người đạo đức, liệu người họa sĩ có thể cho phép

mình vô ơn với những người dẫu vô danh trong xã hội nhưng lại đã từng cứu mạng mình? Nếu biết được hậu họa thói vô ơn của mình liệu anh ta có đủ dũng cảm để thú tội hay không? Hơn thế là xin được gánh một phần trách nhiệm? Phải chăng người nghệ sĩ viện vào lý do "vì mục đích phục vụ số đông" mà "anh có quyền lừa dối" coi lời hứa của mình với người lính vô danh như một phép ứng xử có phần lịch sự thông thường để đáp lễ ? Cuộc tự vấn của nhân vật người họa sĩ trước chân dung tự họa của anh ta là một bức thông điệp mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới con người.

Trong truyện ngắn Sắm vai nhà văn T là một hình tượng giúp Nguyễn Minh Châu phản ánh một cách hài hước xen lẫn tâm trạng đau xót trước bi kịch "đánh mất mình". Nhân vật T là một nhà văn có bề dày của sự từng trải trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Anh ta có đủ tư cách để lớp nhà văn đàn em phải kính phục, vì anh đã "từng dám tước bỏ đi cái phù phiếm những lớp vỏ bề ngoài vô bổ, tất cả những gì lấp lánh tự lừa dối mình và lừa dối người khác" [11, 258]. Thế rồi do chiều theo sở thích, nhu cầu của vợ anh ta đã từ bỏ tất cả những thói quen và sở thích của mình để đóng vai một anh chồng hào hoa có vẻ bề ngoài hiện đại. Nhưng sắm vai trên sân khấu đã khó dù đối với một diễn viên tài năng, huống chi sắm vai trong cuộc đời. Từ con người làm được việc "anh ta bỗng trở thành một con người khác với vẻ mặt khác", các hành động, cử chỉ, lời nói... của anh đều trở nên "lạ lùng và đáng thương". Khắc khoải, băn khoăn để nhận làm con người mình rồi "dứt khoát từ nay sẽ không chịu sắm vai", người hoạ sĩ và anh nhà văn T phải chăng là các phiên bản tinh thần khác nhau của Nguyễn Minh Châu.

Nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê lại mang một ý nghĩa tư tưởng khác về những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Vốn là người suốt đời luôn sống với những khát vọng được đi đây đó, vì vậy Nhĩ đã từng đi "không sót một xó xỉnh nào trên trái đất". Song đối với anh cuộc đời quá ngắn ngủi. Chỉ khi lâm

vào căn bệnh hiểm nghèo, trong tình trạng "toàn thân bất toại" đến mức không tự mình dịch chuyển được nữa, Nhĩ mới kịp nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia Sông Hồng "cả một vùng phù sa lâu đời". Song đối với Nhĩ trong hoàn cảnh bây giờ cái chân trời mơ ước gần gũi đó "bỗng trở nên xa lắc". Anh chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp, cái mới mẻ của bên kia sông bằng chiếc giường hẹp kề bên cửa sổ, mà không thể đặt chân đến được. Đó là một nghịch lí trớ trêu của cuộc đời: Thì ra con người không phải luôn bất khả chiến bại, cuộc đời luôn có những giới hạn bất ngờ mà con người không thể vượt qua. Từ sự nhận biết cái nghịch lí của cuộc sống của nhân vật Nhĩ đã đem đến một bài học thấm thía về lẽ đời: Đó là những lời cảnh tỉnh con người đừng bao giờ phung phí quỹ thời gian hạn hẹp của mình, hãy làm tất cả để cuộc sống đạt được những giá trị đích thực, ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

Qua các truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng kiểu nhân vật tư tưởng mang những sắc thái khác nhau. Đặc điểm chính của loại nhân vật tư tưởng là tính chất hướng nội. Nhà văn thường chọn những khoảnh khắc, những giây phút phát sáng cuộc đời nhân vật đó là lúc con người bị đặt vào một tình huống nào đó. Với nhà văn T trong Sắm vai luôn phải sống trong bi kịch ''đánh mất bản thân mình'', với Nhĩ sự nhận biết về cái nghịch lý trớ trêu của cuộc đời lại đến với anh ở thời điểm cuối cuộc đời. Còn nhân vật họa sĩ phải sống trong trạng thái dằn vặt lương tâm. Nhờ ý thức hướng nội với những giằng xé nội tâm, những suy ngẫm, chiêm nghiệm lẽ đời và lòng người mà con người có thể tự nhận thức phán xét lại mình nhằm vươn tới sự hoàn thiện về nhân cách về những giá trị nhân bản có trong mỗi con người.

Thông qua việc xây dựng những nhân vật tư tưởng, Nguyễn Minh Châu muốn nhận thức lại mối quan hệ giữa con người và xung quanh, giữa người nghệ sĩ và mục đích của nghệ thuật "không muốn văn học chỉ là sự minh họa".

Để xây dựng thành công nhân vật tư tưởng không phải là công việc đơn giản đối với nhà văn. Vì nhân vật tư tưởng không phải là những nhân vật tính cách, cá tính cho nên khi nhà văn khái quát hiện thực ở nhân vật này rất dễ biến nhân vật thành "cái loa phát ngôn" cho tư tưởng của mình một cách khiên cưỡng. Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu loại nhân vật này đã thể hiện trực diện ý đồ nghệ thuật của nhà văn, thể hiện tư tưởng mới mẻ cũng như sự sáng tạo nghệ thuật của ông. Mặt khác, luôn suy ngẫm về bản chất đích thực của con người và khát vọng hướng thiện của các nhân vật tư tưởng là một nét tư tưởng nhân văn của Nguyễn Minh Châu trong việc xây dựng hệ thống nhân vật. Mở ra cách nhìn mới về con người qua loại nhân vật này, “Nguyễn Minh Châu thể hiện cho chúng ta bài học có ý nghĩa chung nhất: Tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mêng mông” [20, 345].

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w