Tình huống tự nhận thức

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 90 - 94)

Đây là dạng tình huống mới xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Sự xuất hiện của loại tình huống này gắn liền với sự đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Theo đó, con người không còn giản đơn, thuần nhất mà là những con người biết tự nhận thức trước lẽ sống của mình. Là nhà văn tâm huyết, dùng ngòi bút để “trợ lực” cho cuộc sống, cho con người, Nguyễn Minh Châu luôn băn khoăn, trăn trở tìm kiếm con đường nghệ thuật cho riêng mình. Nhà văn đã nhìn thấu những chấn động trong đời sống và tâm lý của con người để tiên đoán về sự suy thoái

của đạo đức phong hóa ở ngày hôm nay và khẩn thiết kêu gọi phải vun trồng cho cái đẹp. Vì vậy nhân vật luôn được đặt trong những tình huống tâm lý với những xung đột gay gắt bên trong khiến họ không thể không tự suy ngẫm, tự soi xét những hành động, những quan niệm sống vốn có của mình và từ đó đấu tranh với chính bản thân mình để vươn tới sự hoàn thiện.

Trong Bức tranh, nhà văn đã đặt người họa sĩ vào một tình huống phải tự đối diện với chính mình, nhìn lại bản chất của mình. Đó là khi ông ta vô tình gặp lại người chiến sỹ thồ tranh năm xưa, nay là người thợ cắt tóc cùng với bà mẹ mù lòa của anh ta. Khi người họa sĩ tự nhận thức được bản chất xấu xa tồi tệ của con người mình thì cũng là lúc phải đối diện với sự độ lượng của người chiến sỹ. Một giả thiết được đặt ra là nếu như người họa sĩ không có lương tâm, thì dẫu có biết được câu chuyện đau xót về người chiến sỹ và bà mẹ già mù lòa anh ta vẫn có thể tìm được lời biện minh khôn ngoan phù hợp để không ai có thể trách cứ gì anh ta được. Mặt khác nếu người thợ cắt tóc - người lính năm xưa, chỉ cần thể hiện thái độ là mình đã nhận ra người họa sĩ thì tình huống sẽ khác đi. Nhưng người thợ cắt tóc thì vẫn cần mẫn làm việc với thái độ bình thản, chính thái độ đó đã đánh thức lương tâm vốn chưa bị mất hẳn trong con người họa sĩ, dẫn đến việc anh ta trở đi trở lại cái quán cắt tóc. Sau đó là những cuộc đối thoại căng thẳng diễn ra trong nội tâm của người họa sĩ, buộc người họa sĩ phải tự nhận thức lại mình. Cái giây phút ngồi ngửa mặt trên ghế cắt tóc, mang một cảm giác "đang ngồi cho người thợ giải phẫu não mà không đánh thuốc mê", người họa sĩ nhìn thấy trong gương "cái bộ mặt vừa tệ bạc giả dối vừa xấu xa và lạnh lùng" vừa được lật ra khỏi cái mặt nạ hàng ngày của mình. Đó là giây phút của tình huống tự ý thức, giây phút nhân vật như "bị lột trần" để tự mình nhận thức lại mình, thấu hiểu bản chất thật của mình, tự ý thức được phần chưa hoàn thiện vẫn luôn tồn tại trong nhân cách, từ đó đấu tranh để vươn lên hoàn thiện bản thân mình.

Trong Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một tình huống tự nhận thức đặc biệt. Đó là cuộc gặp gỡ giữa người đàn bà bị chồng đánh đập dã man với chánh án Đẩu và người nhiếp ảnh Phùng. Qua cuộc gặp gỡ này có một cái gì đó đã vỡ ra trong đầu các nhân vật, đem lại cho họ những nhận thức về nhân sinh xã hội. Trong Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu không xây dựng một tình huống hành động để tạo kịch tính cho câu chuyện, cũng không lựa chọn kiểu tình huống tâm lý để khám phá chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật mà lựa chọn loại tình huống nhận thức, cắt nghĩa nguyên nhân đưa đến những thay đổi trong nhận thức nhân vật. Kiểu tình huống này phù hợp với cảm hứng triết học nhân sinh, với khuynh hướng sáng tác của nhà văn: Triết luận về cuộc sống. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của tình huống truyện, Nguyễn Minh Châu dành khá nhiều trang viết kể về quá trình thực tế, tìm hiện thực cho bức ảnh nghệ thuật về cảnh sương mù tháng bảy của người nghệ sĩ Phùng. Ngay sau giây phút thăng hoa, ngỡ như mình vừa khám phá được "chân lí của sự toàn thiện" bằng bức ảnh thu vào vẻ đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh đồng thời người nghệ sĩ cũng nhận ra được một hiện thực phũ phàng hoàn toàn trái ngược khuất lấp trong không gian thơ mộng ấy: Cảnh bạo ngược gia đình, người chồng đánh vợ như mất hết nhân tính, người vợ nhẫn nhục chịu đựng như không còn ý thức, đứa con thì liều lĩnh đánh lại cha để bảo vệ mẹ.

Để làm nên sức hấp dẫn của thiên truyện Chiếc thuyền ngoài xa, trước khi đưa ra tình huống nhận thức Nguyễn Minh Châu để cho người đọc và nhân vật người họa sĩ tiếp cận và khám phá hiện thực băn khoăn với hàng loạt câu hỏi để rồi cuối cùng vỡ òa ra khi nghe những lời tâm sự của người đàn bà hàng chài. Câu chuyện mà người đọc và nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh chứng kiến chính là định hướng cho nhận thức sau này. Người đàn ông vừa đánh vợ tàn bạo, vừa nguyền rủa bằng một giọng rên rỉ đau đớn. Hành động vừa tàn ác vừa gợi lên một bi kịch, về những uẩn khúc trong cuộc sống của nhân vật. Người phụ nữ thì

buông xuôi, nhẫn nhục chịu đòn, không một lời van xin. Nhưng khi cảnh bạo lực gia đình bị đứa con phát giác, thì bà "vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục

nhã... miệng mếu máo, chắp tay vái lấy vái để". Rõ ràng hành động cam chịu bị

chà đạp không phải do người phụ nữ tăm tối ngu dốt, không có ý thức mà có một nguyên nhân nào đó. Đứa con vì thương mẹ mà lao vào đánh bố.

Những băn khoăn về bi kịch của gia đình người hàng chài được vỡ ra qua câu chuyện với người chánh án Đẩu ở tòa án huyện. Qua tình huống truyện thì nhận thức của các nhân vật được thay đổi. Đối với Đẩu "một cái gì vừa mới vỡ

òa ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển", về cách nhìn nhận,

đánh giá con người trung thực, sâu sắc; về những nghịch lý của đời sống và những việc con người phải chấp nhận những nghịch lý không đáng có. Còn nghệ sĩ Phùng thì nhận thức ra được thiên chức của nghệ thuật là gì, hướng đến cái lãng mạn, xa rời thực tế hay gắn bó chia sẻ với số phận nhỏ bé của con người.

Trong Dấu vết nghề nghiệp, người thủ thành già tiếng tăm lừng lẫy một thời đã bị chi phối bởi "luật hội tụ ánh sáng" trong bốn ngày rưỡi của cuộc đời. Toàn bộ quá khứ hiện lên trong vùng trí nhớ đã mờ tối, lộn xộn của ông. Tình yêu, sự ghen tuông, lòng cảm kích...những trạng thái tâm lý khác nhau dồn dập hiện lên xung quanh sự hồi tưởng về một trái bóng lầm lỗi. Nguyên nhân của sự hồi tưởng và tự nhận thức về sự "thường xuyên không hoàn hảo", về sự "vụng dại, yếu ớt và ngu ngốc" của mình, nhận thức về sự độ lượng, từng trải của cuộc đời là do tình huống phải đối diện với cái chết. Hơn mười năm trước đây, khi đứng trước nấm mồ của người cầu thủ đàn anh và giờ đây, khi đứng trước cái chết của chính mình, đó là tình huống đẩy con người tới sự suy ngẫm trung thực, sự đấu tranh nội tâm mạnh mẽ và lời thú tội dẫu có muộn màng.

Đặt các nhân vật trong tình huống tự nhận thức, Nguyễn Minh Châu mong muốn "trong cái nhịp sống bận bịu chen lấn" hàng ngày con người hãy bớt chút thời gian để suy nghĩ về chính mình, có ý thức nhìn nhận lại chính mình

nhằm hoàn thiện mình hơn. Những tình huống nhận thức do vậy là những “khoảng lặng” quý giá, đầy ý nghĩa.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 90 - 94)