Tình huống bi kịch

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 95 - 97)

Việc xây dựng tình huống bi kịch trong sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu bắt nguồn từ góc nhìn đa diện, đa chiều, tinh tế, nhạy cảm của nhà văn về con người, cuộc đời. Do vậy, tình huống bi kịch thường gắn với những số phận cá nhân, góp phần khắc họa tâm hồn, tính cách, khái quát về số phận con người. Đó là những tình thế có sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa khát vọng cá nhân với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, trong xu thế cái thiện, cái cao cả

còn chưa được khẳng định, ước muốn chân chính cá nhân còn bị chi phối bởi sự nghiệt ngã của cuộc sống.

Trong Mùa trái cóc ở Miền Nam, hai mẹ con sư già Thiện Linh gặp nhau trong tình huống đầy bi kịch - mấy chục năm trời xa cách, lẽ ra phút gặp gỡ sẽ là một cuộc đoàn viên đầy cảm động, nhưng phút chốc trở thành một bi kịch đau đớn. Tình huống bi kịch xuất hiện do sự xung đột giữa tình mẫu tử sâu nặng với sự tha hóa, biến chất của con người. Tình yêu của người mẹ khiến bà trở thành kẻ tội đồ, bất lực, ngửa mặt cầu xin tình thương và sự tha thứ của "đức thánh chí tôn"- đứa con trai đã mất hết lương tri, nhân tính. Sự thất bại của cái thiện đầy đau khổ làm tăng tính chất bi kịch của câu chuyện. Tình huống ấy khiến tác giả không còn giữ nổi khoảng cách khách quan của người quan sát. Tiếng nói của lương tâm, của đạo lý lên tiếng như sự trợ lực âm thầm cho cái thiện "chẳng lẽ đã đến giờ khắp mặt đất cùng cất lời cầu nguyện? khắp thinh không đang rung lên những hồi chuông ngân nga trong ánh nắng chiều tắt dần, trong lúc cả mặt đất đang đắm chìm trong bóng tối, tất cả mọi con người của không biết bao nhiêu tôn giáo đang kính cẩn chắp tay lên ngực hoặc giơ thẳng hai cánh tay, ngửa mặt lên trời để cầu xin lòng xót thương và tha thứ, đang gào lên trước cái ác cùng sự

dửng dưng trước cái ác của con người" [11, 536]. Nhưng cả sự đồng cảm, xót

thương với người mẹ, sự căm phẫn, ghê sợ trước đứa con đều không làm thay đổi được tình thế đầy bi kịch ấy. Cuộc tìm kiếm không có hiệu quả của anh nhà báo đối với bà già hành khất điên dại mãi mãi là một nỗi đau đớn, xấu hổ cho nhân cách con người. Xung đột đầy tính bi kịch không chấm dứt cùng sự kết thúc câu chuyện mà còn đau đớn, dữ dội hơn khi bất hạnh đã chìm vào dòng đời bề bộn.

Trong Phiên chợ Giát tình huống bi kịch không chỉ xuất hiện một lần, mà đậm đặc trong những lớp thời gian trùng điệp. Đó là giờ phút chia ly đau đớn của gia đình lão Khúng và con bò Khoang đen - một con vật gắn bó thân thiết với

cuộc đời nhọc nhằn của cả gia đình lão. Đó là cái giây phút cả cái "guồng máy lao động của cái gia đình ấy xưa nay như một cỗ máy tra kỹ dầu mỡ, thế mà trong

khoảnh khắc ấy như đã gãy vụn" vì cái tin dữ đau đớn kinh hoàng: Đứa con trai

hy sinh ở chiến trường Campuchia. Xung đột gay gắt giữa ước muốn, dù chỉ trong tiềm thức, với thực tế nghiệt ngã càng làm đậm thêm chất bi kịch trong tình huống cuối cùng: Lão Khúng thất bại trong ý định giải thoát con bò Khoang đen về với tự do. Đây là bi kịch lớn bao trùm lên cả cuộc đời đau khổ nhọc nhằn và số phận "nửa bò nửa người của lão Khúng". Mẹ Êm trong Miền cháy cũng được đặt trong những tình huống đầy bi kịch. Con trai mẹ bị người lính ngụy bắn chết khi tiếng súng chiến tranh đã ngừng. Nhưng thật trớ trêu, mẹ lại nuôi đứa trẻ - con trai của chính người lính đã giết chết con trai mình. Đặt người mẹ trong tình huống bi kịch nghiệt ngã đó, Nguyễn Minh Châu vừa cho thấy bi kịch khủng khiếp của chiến tranh, vừa khắc đậm bản lĩnh và bản chất nhân văn cao cả của người mẹ.

Để xây dựng tình huống bi kịch, Nguyễn Minh Châu xuất phát từ nền tảng nhân văn trong cách nhìn nhận đánh giá con người và cuộc sống. Trong thực tế đời sống luôn bao hàm cả cái bi và cái hài, cái thấp hèn và cái cao cả. Con người được nhìn nhận trong những bản chất người với cả bóng tối và ánh sáng, cả sức mạnh và sự yếu đuối cùng những giới hạn không thể vượt qua. Mỗi con người ngoài bản chất xã hội còn được nhìn nhận như một cá nhân với những mất mát, những nỗi đau, những khao khát rất con người. Từ cách nhìn nhận ấy văn học không thể phủ nhận những bi kịch trong cuộc sống con người. Khi nhìn thẳng vào bi kịch con người sẽ có ý thức vươn lên để chiến thắng cái ác hướng tới sự hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w