Sử dụng ngôn ngữ đối thoại, giàu kịch tính

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 107 - 110)

Đối thoại là thủ pháp nghệ thuật quan trọng trong tác phẩm văn học. Nhờ đối thoại mà các vấn đề được xem xét dưới nhiều điểm nhìn khác nhau. “Ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm thường gây ra những tình huống bất ngờ và tạo cảm giác thực của đời sống đã khúc xạ qua lăng kính nhà văn. Ngôn ngữ đối thoại giữ vai trò đáng kể trong việc khắc họa tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một ý thức, một tiếng nói, một chủ thể độc lập. Nhà văn không còn ở vị trí đứng trên, lấn lướt nhân vật mà hòa nhập tham gia vào cuộc đối thoại của nhiều ý thức độc lập, qua hệ thống hình tượng” [40, 234].

Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, những cuộc đối thoại của nhân vật được ông miêu tả rất thú vị. Người đọc như nghe thấy trong đó “những cuộc tranh cãi, những luồng suy nghĩ, những luồng tư tưởng đang có thực ở ngoài đời” [1, 59]. Nhân vật của Nguyễn Minh Châu dù trí thức hay nông dân đều thích được tranh luận hay triết lý. Đối thoại trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu có khi được thể hiện trực tiếp có khi lại được thể hiện gián tiếp xen cài trong lời trần thuật. Biểu hiện của ngôn ngữ đối thoại thường xuất hiện dưới nhiều cấp độ: Đối thoại giữa các nhân vật, đối thoại giữa những quan điểm thể hiện tính cách nhân vật tạo ra những bất ngờ giàu kịch tính và làm nổi bật nội dung tư tưởng của tác phẩm. Thường thì qua những đoạn đối thoại đó tính cách nhân vật được bộc lộ, người đọc có thể rút ra được những triết lý nhân sinh thế sự.

Trong truyện ngắn Mẹ con chị Hằng, Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật chị Hằng là biểu hiện cho cách sống thông thường và đáng trách của một người phụ nữ vô tâm trước sự quan tâm chăm sóc của người mẹ.

“- Chao ôi, cơm nếp! chị Hằng lại kêu lên như cháy nhà. Phần sống, phần khê, phần thì nhão nhoét. Thật khổ, đến nấu miếng ăn vào miệng mà mẹ cũng không biết nấu.

- Tau nỏ biết thổi cơm nếp bằng bếp dầu mô.

- Cái gì mẹ cũng kêu nỏ biết, nỏ biết. Đến những người đàn ông người ta còn biết nấu miếng ăn cho ngon lành cơ mà. Từ nay trở đi mẹ cứ ngồi bế cháu

cho con, con nấu nướng làm lụng lấy” [11, 254].

Qua đoạn đối thoại trên tính cách nhân vật được bộc lộ một cách sinh động mà không cần dài dòng lắm lời trong trần thuật. Trong một số đoạn đối thoại, Nguyễn Minh Châu để cho nhân vật tự bộc lộ các quan điểm trái ngược nhau tạo nên tiếng nói trái ngược nhau trong tác phẩm. Đó chính là tính đa âm trong đối thoại. Qua cuộc đối thoại giữa lão Khúng và Định trong Khách ở quê ra, người đọc cảm nhận được tính cách của lão Khúng – một người nông dân với tư tưởng bảo thủ kiên cố, suốt đời sống không rời xa với hòn đất:

“- Chú Định, chú đến là tệ - hắn túm lấy anh hơi rượu phả ra mặt Định lẫn

vào mùi thịt chó. Nghe nói chú về đã mấy ngày mà cứ ở tịt tận đâu trên Ủy ban. - Nào đâu có, kìa tao vừa về đến đây... hồi này có vẻ cậu đã chuyển sang làm nghề biển rồi?

- Cánh nghề biển đang chạy túa lên các xứ đồng cắp rổ đi mót khoai lang kia kìa – hắn ưỡn ngực ra. Vả lại mình phải giữ lấy cái nghề gốc của ông bà chứ?

- Nếu làm ăn ra xoay sang nghề biển cũng được chứ có sao?

- Thế là chú mất gốc, họ nhà mình chỉ nên sống với hòn đất” [11, 376].

Trong ngôn ngữ đối thoại, người trần thuật có khi tự rút lui nhường chỗ cho nhân vật tự bộc lộ bằng chính ngôn ngữ của mình. Đó là thứ ngôn ngữ gắn liền với tính cách mang sắc thái riêng cho nhân vật. Nguyễn Minh Châu không chỉ quan tâm đến miêu tả, ghi chép đầy đủ những lời nói của nhân vật mà còn làm công việc “khoác lên màu giọng” để lời nói nhân vật vang lên thành lời nói

trực tiếp. Mỗi nhân vật đều mang tính cá thể hóa theo tính cách. Qua cuộc đối thoại thẳng thắn giữa lão Khúng và Định, người đọc không chỉ nhận thấy lão Khúng là nhân vật có tính cách nổi bật mà lão Khúng còn tạo ra sức hấp dẫn cho người đọc bởi những triết lý từng trải rất sâu sắc:

“- Vậy là cậu thích nổi tiếng ?

- Nổi tiếng thích chứ chú, chú tưởng chú không thích nổi tiếng đấy hử? Người ta sống ở đời chưa có miếng ăn thì gò lưng xuống mà kiếm miếng ăn. Có miếng ăn rồi thì ngẩng cao mặt lên cho thiên hạ biết mặt. Đến con cua con cáy cũng có lúc phải khuơ cái càng lên trời kia mà !

- Cậu cũng đang khuơ cái càng lên đấy !

- Cháu đã mang tội nhạo báng thần linh thì chú cũng đừng nhạo báng cháu cho có tội” [11, 377].

Ngôn ngữ đối thoại ở đây là ngôn ngữ đời thường trần trụi, giàu khẩu ngữ nên lời nói của nhân vật tự nhiên chân thật, bỗ bã như chính lời nói hàng ngày.

Nguyễn Minh Châu còn sử dụng đối thoại trong độc thoại để đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật. Độc thoại nội tâm luôn là ngôn ngữ nhạy cảm nhất và thoải mái nhất để nhân vật nói lên những suy nghĩ riêng tư thầm kín của mình. Do vậy tổ chức tiếng nói khác nhau trong tác phẩm một cách dễ dàng nhất là để nhân vật chìm trong thế giới của riêng mình. Trong dòng độc thaọi nội tâm của nhân vật người họa sĩ đã diễn ra cuộc đối thoại giữa anh ta với người thợ cắt tóc. Ngôn ngữ của đối thoại trong độc thoại cũng được thể hiện sinh động giống như cuộc đối thoại của hai người thật:

“- Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi bà mẹ tao khóc lòa cả hai mắt kia! Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng lên các tạp chí hội họa khắp các nước. Người ta trân trọng ghi tên mày phía bên dưới, cạnh mấy chữ: Chân dung người giải phóng”.

“- Tôi là người nghệ sĩ chứ đâu phải một anh thợ vẽ truyền thần, công việc của một người nghệ sĩ là phục vụ cho cả một số đông người chứ đâu phải chỉ để phục vụ cho một người! Anh chỉ là một cá nhân với một cái chuyện riêng anh. Anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái lợi ích lớn lao hơn. Anh thấy đấy bức chân dung chiến sĩ giải phóng đã góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của ta thêm.

- A ha! vì mục đích số đông mà anh có quyền lừa dối tôi hả? thôi anh bước khỏi mắt tôi. Anh cút đi!” [11, 127].

Đối thoại trong độc thoại nội tâm trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đã diễn ra hết sức đa dạng và sinh động và giàu hiệu quả nghệ thuật. Qua ngôn ngữ đối thoại, người đọc hiểu được nhân vật của ông hơn cũng như cảm nhận được rõ hơn quan niệm, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả.

Trong Trang giấy trước đèn, Nguyễn Minh Châu đã từng ví nhà văn như một người thợ thủ công “bằng một cách thức tài nghệ riêng biệt của mình, đập từng chữ ra để tìm cho được cái nghĩa nguyên thủy của nó, rồi lại bằng một cách thức riêng biệt đem ghép các con chữ ấy lại với nhau tạo thành câu, thành đoạn, thành chương, cuối cùng trở thành một thứ có cả thể xác lẫn tâm hồn - một tác

phẩm văn học” [23, 33]. Từ việc coi trọng câu văn, chất văn như vậy, sáng tác

của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đã tạo được một hệ thống ngôn ngữ riêng, góp phần thể hiện những ý tưởng nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc của nhà văn và tạo được sự hấp dẫn đối với công chúng tiếp nhận.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 107 - 110)