Nhân vật thế sự

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 45 - 49)

Kiểu nhân vật này khá quen thuộc trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, đặc biệt là trong những năm 80 của thế kỷ XX. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh trở về với cuộc sống thời hậu chiến còn nhiều khó khăn phức tạp, xô bồ, dễ nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, những tiêu cực trong xã hội, những thói vô ơn bạc nghĩa đối với truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam. Trước hiện thực đó, Nguyễn Minh Châu đã từng đặt ra câu hỏi, suy ngẫm và âu lo: “Cái mà ta thấy ngoài đường hay ở nơi công cộng, nó sẽ vào từng nhà, và lâu nay, liệu nó có trở thành cốt cách của con người Việt Nam chúng ta hay không” [27, 88]. Với nỗi lo âu khắc khoải đầy trách nhiệm, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng những nhân vật thế sự là những con người trong cuộc đời dung dị đang mặc nhiên trôi chảy để gửi gắm vào đó những lời cảnh báo, những chiêm nghiệm về lẽ đời, lòng người.

Khảo sát nhân vật thế sự trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, có thể nhận ra một điều là giữa nhân vật thế sự với nhân vật tư tưởng có những điểm tương đồng nhau ở chức năng khái quát tư tưởng, rút ra những bài học, những triết lí nhân sinh. Tuy nhiên biểu hiện chính của nhân vật tư tưởng là tính chất hướng nội, là sự tự ý thức của bản thân nhân vật qua xung đột giằng xé nội tâm để từ đó mà vươn tới sự hoàn thiện mình, rút ra những vấn đề có ý nghĩa triết lí nhân sinh. Còn những nhân vật thế sự thường mang tính chất hướng ngoại. Nhân vật không được nhà văn miêu tả qua những xung đột giằng xé nội tâm mà họ cứ hồn nhiên bộc lộ cách sống, suy nghĩ của mình trong môi trường quen thuộc. Tất cả mọi hành động của họ đều là vô thức tự nhiên, không hề có suy nghĩ sâu xa. Họ cũng không hề ý thức được hậu quả từ cách sống, cách nghĩ quá vô tâm của mình. Một khi sống quá hồn nhiên, vô tư, con người dễ trở thành ích kỷ vô tâm đối với mọi người xung quanh. Là nhà văn nhạy cảm trước hiện thực cuộc sống, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận thấy những mặt trái đó trong các mối quan hệ giữa con người với cuộc sống, con người với con người. Và nhân vật thế sự là một phương tiện thích hợp để nhà văn thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình, góp phần “bàn bạc về quan niệm sống hoặc báo động một điều gì” bức xúc trong đời sống.

Nếu như các nhân vật tư tưởng của Nguyễn Minh Châu luôn thể hiện tâm trạng băn khoăn day dứt để kiểm nghiệm lại chính bản thân mình thì các nhân vật thế sự lại có một niềm tin hồn nhiên nhưng rất vững chắc vào sự đúng sai trong cách sống của họ. Nhân vật thế sự không ý thức được rằng, cái vô tư hồn nhiên đó làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người khác và đôi khi nạn nhân của sự đối xử hồn nhiên vô tư đó cũng không hề cảm thấy mình bị xúc phạm mà vẫn vui tươi sống như không hề có gì xảy ra. Có chăng chỉ từ sự tỉnh táo, trong vai trò của người quan sát nhìn nhận đánh giá vấn đề một cách khách quan, nhà văn và người tiếp nhận tác phẩm mới nhận thức được tính chất bi hài đau xót của

thói tục trong những con người vô tư, vô tâm ấy. Kiểu nhân vật này chính là tiêu điểm để nhà văn thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận của mình về thực trạng cuộc sống của con người sau chiến tranh đầy phức tạp.

Mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, giữa con người với cuộc sống cộng đồng xung quanh là những vấn đề nhạy cảm và bức thiết nhất đã thu hút được sự chú ý quan sát của Nguyễn Minh Châu. Trong hàng loạt truyện ngắn

Lũ trẻ ở dãy K , Đứa ăn cắp, Người đàn bà tốt bụng, Mẹ con chị Hằng…hiện lên

những bức tranh đời sống thật sinh động. Qua những nhân vật như cô Hoằng, Thoan và những người đàn bà ở khu tập thể, Nguyễn Minh Châu đã đưa ra lời cảnh báo về cách đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống. Trong các nhân vật thế sự, Nguyễn Minh Châu tập trung sự chú ý ở phần bản năng hồn nhiên của họ. Ở mặt trái của nó, bản năng hồn nhiên đó dẫn đến thói ích kỷ, vô tâm, vô trách nhiệm với người thân và cộng đồng khiến họ trở thành những kẻ “độc ác một cách hồn nhiên” ngoài ý muốn.

Biểu hiện về nhân cách của cô Hoằng trong Người đàn bà tốt bụng được nhà văn miêu tả khá sắc nét. Đó là người đàn bà sống rất chân thành, tốt bụng, luôn quan tâm đến mọi người, thậm chí là quan tâm đến mức thái quá. Là một phụ nữ đang ở độ tuổi trung niên nhưng cô lại sống hồn nhiên như "một lẵng hoa ngát hương", suốt ngày chỉ thích trưng diện chạy theo mốt để mong chờ có được những lời khen trầm trồ thán phục từ những người hàng xóm ở mọi lứa tuổi. Ở cô Hoằng có một đức tính rất đáng nể phục và trân trọng, đó là cô không bao giờ hận thù ghét bỏ bất cứ ai. Thậm chí cô còn giúp đỡ những con người lầm lỗi nhận thức lại mình vượt qua bao bóng tối để trở về với ánh sáng của con người lương thiện. Cô không bao giờ ngờ tới hậu quả của sự phiền nhiễu bởi sự tốt bụng của mình. Chỉ vì "con cún Nhị Thể" yêu quý, cô đã làm cho tinh thần của cả khu tập thể chao đảo: Khi là cơn sốt say mê "con rồng bốn chân", khi là nỗi lo sợ đến gầy người bởi cái tin thất thiệt do cô đem về, lúc khác lại là nỗi sung

sướng như "vừa chết đi sống lại". Tất cả đều là hậu quả từ sự hấp tấp hồn nhiên, sự sốt sắng thái quá của cô. Cô không hề ý thức được cái hồn nhiên vô tư đỏm dáng, "cái ngây thơ tuổi già" đã khiến ông chồng là nạn nhân trực tiếp "khổ sở và xấu hổ" chịu đựng như chịu đựng một "thử thách cuối cùng của cuộc đời". Sự yêu quý chiều chuộng đến mức thái quá của cô, sự tốt bụng hồn nhiên với tất cả mọi người trong khu tập thể, tình yêu thương đối với loài vật và yêu chính bản thân mình của người đàn bà ấy đã gây nên không biết bao phiền toái cho cộng đồng. Mặc dù trân trọng lối sống hồn nhiên của cô Hoằng, nhưng ở một mặt khác, Nguyễn Minh Châu đã nhắc nhở mọi người về mặt trái của lối sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một người “tốt bụng” “chả bao giờ biết thủ đoạn, độc ác hay nói dối” như cô Hoằng.

Trong truyện Đứa ăn cắp, vẫn là cách sống vô tư trở thành vô tâm của những người đàn bà trong khu tập thể. Họ hồn nhiên đặt điều cho Thoan, khinh thị cô. Hễ mất một vật gì trong khu tập thể thì như một phản xạ có điều kiện, họ nghĩ ngay đến Đứa ăn cắp là Thoan. Vậy mà khi nghe tin Thoan mất thì chính những con người đó lại hồn nhiên xót xa thương cảm cô. Thoan chính là nạn nhân trực tiếp của sự đối xử hồn nhiên vô tư đó của những người đàn bà hàng xóm. Cô vẫn cứ hồn nhiên sống mà không hề suy nghĩ điều gì. Sự vô tình đã dẫn đến thói vô tâm, vô cảm, điều đó không chỉ tồn tại trong mối quan hệ xã hội mà còn được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống gia đình. Từ câu chuyện “Đứa ăn cắp”, Nguyễn Minh Châu đã khái quát một triết lý thấm thía: “Đôi lúc con người ta trở nên tàn ác một cách hồn nhiên” khiến người đọc phải giật mình suy nghĩ và trăn trở.

Trong Mẹ con chị Hằng, nhân vật Hằng là một biểu hiện sinh động cho cách sống thông thường và đáng trách ấy của những người phụ nữ vô tâm. Hằng không phải là một đứa con bất hiếu, chị cũng yêu mẹ, nhất là những khi neo vắng "chị vẫn nhớ tới mình có một bà mẹ trên đời". Đôi lúc chị cũng âm thầm ân

hận vì chót cáu gắt với mẹ dù trong ý nghĩ của chị bà mẹ cũ kỹ vụng về, luộm thuộm đến mức không thể không cáu gắt được. Chị cũng thương em, lo cho em, nhưng ngay cả khi cuống quýt chuẩn bị tiền nong, quà bánh cho mẹ ra thăm em gái, Hằng vẫn không quên đòi chiếc áo len mà em chị đã tự động lấy đi. Trọng tâm cuộc sống và tình thương yêu chăm sóc, âu yếm lo toan của Hằng là dành cho chồng con. Cuộc sống hiện ra qua Mẹ con chị Hằng như một cuộc chạy tiếp sức "của cái nợ đồng lần" vay của bố mẹ trả cho con cái. Dường như những cái gì mà con người đương nhiên được hưởng thì họ không nâng niu quý trọng bằng những cái mà họ phải đổi bằng tất cả tình yêu sức lực của mình. Tình thương vô tận của người mẹ không cần biết đứa con là như thế nào, còn tình yêu thương chung thủy của chồng, sự hiếu lễ của con phần lớn lại phụ thuộc vào sự hi sinh trả giá của người vợ, người mẹ. Câu chuyện khép lại trong sự chiêm nghiệm buồn bã của bà cụ Huân, "đời con người ta vay của cha mẹ rồi trả cho con cái, cho nên tui cũng không hề phàn nàn con cháu Hằng mô" [11, 249]. Đến cả người mẹ cũng coi đó là cái thường tình của "đời con người ta" không hề phàn nàn trách móc thì nội dung triết lý mà câu chuyện muốn khái quát càng trở nên sâu sắc và cay đắng. Qua nhân vật, Nguyễn Minh Châu như muốn nhắn nhủ với cuộc đời và với những con người đang sống vô tư, vô tâm một cách hồn nhiên: Hãy sống sao cho đúng với bổn phận trách nhiệm của một người con báo hiếu với cha mẹ đừng làm những việc vô tâm dẫu không cố ý của mình khiến các bậc sinh thành phải đau lòng.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w