Giọng tự vấn, khắc khoải, day dứt

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 120 - 122)

Quan niệm về hiện thực và con người thay đổi kéo theo những thay đổi về nghệ thuật thể hiện nhằm khám phá được những “bề sâu hiện thực ẩn kín” trong tâm hồn con người, khám phá con người trong mối quan hệ giữa ý thức và vô thức, giữa cao cả và thấp hèn. Khi con người có điều kiện nhận thức lại chính mình thì cũng chính là lúc lương tâm lên tiếng trong sự tự phán xét con người bên trong của nhân vật. Trên ý nghĩa đó Bức tranh đã thể hiện sự thay đổi sớm nhất và rõ nhất về giọng điệu trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Xuất phát từ quan niệm “con người không bao giờ trùng khít với bản thân mình”, Nguyễn Minh Châu đã chọn chỗ đứng bình đẳng với nhân vật để cho nhân vật tự nói thật với tiếng nói của mình. Thật khó mà phân biệt được đâu là giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật. Cuộc đối thoại nội tâm mang tính chất một cuộc đối thoại với nhiều giọng điệu: khi thì mỉa mai giễu cợt, khi thì tự biện, khi thì đanh thép. Những lời thanh minh yếu ớt, tự biện của người họa sĩ đã thành đạt, những lời buộc tội của một người bị lương tâm cắn rứt trước món nợ tinh thần vĩnh viễn

không thể trả. Lời nhận tội âm thầm, trung thực, sòng phẳng, lời phán xét của người chiến sĩ năm xưa: khi phẫn nộ, lúc bao dung độ lượng... vang lên trong tâm tưởng của người họa sĩ đang chịu sự “tự kỷ ám thị mãnh liệt”. Chưa ở đâu thứ ngôn ngữ nửa trực tiếp với sự đan xen của giọng tác giả, giọng người lính, giọng người họa sĩ lại sinh động đến thế.

Nhưng nổi bật vẫn là giọng day dứt, khắc khoải trong sự tự phán xét lương tâm của nhân vật người họa sĩ - tâm hồn bị nỗi đau tinh thần giằng xé. Với nhân vật người họa sĩ, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy, trong mỗi con người có cả phần “rồng, phượng, rắn rết lẫn thiên thần và ác quỷ” khiến trong tâm hồn con người luôn xảy ra những nghịch lý khi vừa phạm phải sai lầm lại vừa biết ăn năn đau khổ trước những sai lầm đó. Chính đây là vấn đề cốt lõi để từ đó tùy thuộc vào kiểu loại nhân vật, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện thành công giọng điệu khắc khoải day dứt trong sự tự phán xét.

Có thể thấy, sắc thái giọng điệu này còn được thể hiện thành công trong truyện ngắn Hạng. Vẫn là kiểu ngôn ngữ nửa trực tiếp đan xen giữa lời thuật và tả của tác giả, qua lời độc thoại của nhân vật kéo dài trong suốt những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật hóa thân vào Hạng đã hoàn toàn lột xác của ngày hôm nay, Nguyễn Minh Châu đã miêu tả tinh tế những diễn biến bên trong của anh ta: Từ cảm giác khó chịu khi có khách, đến sự bối rối trước cách ăn nói xô bồ của Kinh – cái cảm giác thường có của những con người quen sống trong một thế giới được gọt giũa tinh xảo phải tiếp xúc với sự kềnh càng to lớn của một cuộc sống trung thực thẳng thắn. Rồi cái trạng thái tâm lý rất chân thực của một người hiểu rõ nội tâm mình như một nhà giải phẫu thuộc lòng những bộ phận trên cơ thể, hiểu mình nhưng không thoát ra được chính mình. Tấn bi kịch đó đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện thành công qua giọng điệu day dứt khắc khoải, qua sự tự phán xét. Từ cõi tâm linh nhập nhòe cả ánh sáng và bóng tối của anh ta luôn có một “phiên tòa khép kín”. Trong cõi âm u đầy day dứt, khắc khoải ấy,

yên tâm rồi lại không yên tâm. Anh đã sống trong tâm trạng không yên ổn. Anh vừa là quan tòa vừa là thầy cãi lại vừa là nạn nhân của chính mình.

Từ sự suy ngẫm những năm tháng đã trải qua và đang phải đối mặt trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống, các nhân vật đã có điều kiện khám phá lẽ sống ở đời và giá trị đích thực của con người. Nhân vật của Nguyễn Minh Châu luôn có ý thức tự phán xét lương tâm mình. Để thể hiện được những diễn biến nội tâm tinh tế của nhân vật, giọng điệu khắc khoải, day dứt là một yếu tố nghệ thuật hữu hiệu giúp Nguyễn Minh Châu khắc họa thành công nhân vật của mình trong sáng tác sau 1975. L.Tonxtoi đã từng nói: “Cái khó nhất khi bắt tay vào một tác phẩm mới không phải là chuyện đề tài, tư liệu mà phải chọn lọc được một giọng điệu thích hợp”. Ý thức được điều đó, Nguyễn Minh Châu đã nỗ lực trong việc sáng tạo ra nhiều sắc thái giọng điệu và đan xen các kiểu giọng điệu ấy trong mỗi tác phẩm để phản ánh sự đa dạng của hiện thực và tạo được sức hấp dẫn cho người đọc.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật vầ con người và thế giới nhân vật trong sáng tác của nguyễn minh châu sau 1975 luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 120 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w